Chuyển đổi số trong hoạt động quản lý dự án đầu tư công

Diễn đàn
05:19 PM 14/07/2023

Hiện nay, những khái niệm như chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số... thường được nhấn mạnh trong mục tiêu, quan điểm phát triển và các đột phá chiến lược của đất nước. Chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là một trong những quan điểm thể hiện ý chí, khát vọng phát triển. Đây chính là mục tiêu, ý nghĩa của việc đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số ở nước ta.

Theo kế hoạch, tổng đầu tư vốn NSNN năm 2023 được Quốc hội quyết nghị là 711.684,386 tỷ đồng, bao gồm: vốn ngân sách trung ương (NSTW) là 368.403,344 tỷ đồng (vốn trong nước là 339.403,344 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 29.000 tỷ đồng), vốn ngân sách địa phương (NSĐP) là 343.281,042 tỷ đồng.

Trong đó: Số vốn Quốc hội đã phân bổ chi tiết cho từng bộ, cơ quan trung ương, địa phương là 707.044,198 tỷ đồng (vốn NSTW là 363.763,156 tỷ đồng, vốn NSĐP là 343.281,042 tỷ đồng); số vốn chưa phân bổ chi tiết là 4.640,188 tỷ đồng (vốn trong nước 3.615,188 tỷ đồng, gồm 3.432 tỷ đồng của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và 183,188 tỷ đồng vốn Chương trình mục tiêu quốc gia), vốn nước ngoài 1.025 tỷ đồng.

Chuyển đổi số trong hoạt động quản lý dự án đầu tư công - Ảnh 1.

Hình ảnh một số dự án đầu tư công - Nguồn Internet

Trong thời gian qua, đầu tư công (ĐTC) đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Nhiều công trình, dự án sử dụng vốn ĐTC hoàn thành đã giải quyết những yêu cầu bức thiết trong đời sống kinh tế, xã hội, thúc đẩy sự phát triển, cải thiện đời sống nhân dân, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh. 

Tuy nhiên, tình trạng buông lỏng quản lý ĐTC trong thời gian dài chậm được khắc phục, đặc biệt là tình trạng tùy tiện, chủ quan duy ý chí trong việc phân bổ, sắp xếp thứ tự ưu tiên bố trí vốn cho các dự án,… dẫn đến tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, gây thất thoát, lãng phí, hiệu quả đầu tư thấp.

Nguyên nhân của các tồn tại nêu trên là do việc theo dõi, đánh giá các dự án sử dụng vốn ĐTC chưa đồng bộ và chưa được coi trọng. Dẫn đến, công tác lập, theo dõi, đánh giá kế hoạch, cũng như theo dõi, đánh giá dự án ĐTC gặp rất nhiều khó khăn; không rút được kinh nghiệm việc triển khai thực hiện các dự án đã hoàn thành, cho lựa chọn các dự án mới.

Chuyển đổi số trong hoạt động quản lý dự án đầu tư công - Ảnh 2.

Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội chậm 8 năm, liên tục đội vốn, nguồn Internet

Ngoài các vấn đề nêu trên, việc quản lý thông tin, dữ liệu phục vụ công tác theo dõi và đánh giá thực hiện các dự án ĐTC hiện nay còn nhiều hạn chế khác như: Việc quản lý thông tin, dữ liệu ĐTC của các bộ, ngành, địa phương hiện chỉ được thực hiện riêng lẻ theo phân cấp, chưa hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ, thống nhất. Chưa chuẩn hóa được quy trình báo cáo thực hiện dự án; Việc tổ chức thu thập dữ liệu thông tin và trao đổi dữ liệu chủ yếu báo cáo qua văn bản hoặc bằng các file word, excel gửi qua email; việc chia sẻ "tệp dữ liệu" giữa các cơ quan, đơn vị còn rất hạn chế.

Công tác theo dõi dự án ĐTC hiện vẫn được thực hiện theo cách truyền thống, thông tin được thu thập từ báo cáo của chủ đầu tư, việc báo cáo không được thường xuyên, liên tục, cán bộ theo dõi công tác xây dựng cơ bản thường xuyên điều chuyển công tác nên thông tin, dữ liệu ĐTC chưa đầy đủ, chính xác, khó trích xuất, phân tích thông tin; Hệ thống biểu mẫu thường xuyên thay đổi, gây khó khăn cho công tác tổng hợp báo cáo; Dữ liệu các dự án ĐTC chưa được định dạng thống nhất nên khả năng đồng bộ hóa, tổng hợp gặp nhiều khó khăn. Mỗi bộ, ngành trung ương yêu cầu báo cáo, biểu mẫu, dữ liệu riêng, không thống nhất dẫn đến tình trạng thông tin trùng lắp, thừa, thiếu. Việc định dạng lại tốn nhiều thời gian và khả năng trao đổi kết nối không thuận lợi. 

Hiện nay hầu hết cán bộ công chức đều được trang bị máy vi tính để làm việc, tuy nhiên cấu hình máy tính, các phiên bản hệ điều hành và ứng dụng Microsoft Office chưa đồng bộ, một bộ phận cán bộ, công chức vẫn còn sử dụng hệ điều hành và các phần mềm cũ do hạn chế về phần cứng máy tính và trình độ tin học. Tính an toàn và bảo mật dữ liệu chưa cao, dễ xảy ra tình trạng mất dữ liệu do lỗi máy tính hoặc virus. Dữ liệu quản lý ĐTC hiện tại đa phần được lưu trữ rời rạc trên máy tính của cán bộ công chức chuyên trách, cán bộ khác không thể truy cập để tham khảo, tham chiếu hay phân tích sử dụng.

Những hạn chế này dẫn tới tình trạng vừa làm giảm hiệu quả trong công tác tổng hợp theo dõi ĐTC nhà nước, hạn chế nâng cao chất lượng, tính chính xác, tính kịp thời, khả năng tiếp cận và khả năng giải trình của số liệu, thông tin.

Vấn đề cần giải quyết hiện nay là thay đổi phương thức báo cáo trong lập, theo dõi và đánh giá thực hiện kế hoạch ĐTC từ phương pháp truyền thống (qua đường công văn) sang báo cáo dạng điện tử thống nhất trên toàn quốc để khắc phục được các khó khăn cho công tác theo dõi, tổng hợp ĐTC nhằm rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, giảm chi phí hoạt động; tăng tính công khai, minh bạch trong quản lý kế hoạch ĐTC, nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý hoạt động và sử dụng vốn ĐTC.

Chuyển đổi số trong hoạt động quản lý dự án đầu tư công - Ảnh 3.

Chuyển đổi số trong công tác quản lý dự án đầu tư công. Ảnh: Internet

Tiếp theo là hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật trong quản lý thông tin, dữ liệu đầu tư công. Trong đó, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động quản lý ĐTC, như: công tác theo dõi, giám sát, đánh giá kế hoạch ĐTC và dự án ĐTC; việc giám sát, đánh giá đầu tư; việc quản lý, giám sát các chương trình mục tiêu quốc gia; việc quản lý các dự án sử dụng vốn ODA và đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định phù hợp với việc triển khai chuyển đổi số hoạt động quản lý ĐTC.

Cần xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công theo hướng tập trung, thống nhất trên toàn quốc. Để vận hành hiệu quả, hệ thống cần phải thiết kế đảm bảo cung cấp dữ liệu phù hợp và kịp thời, hỗ trợ việc quản lý, thu thập, lưu trữ, xử lý và trích xuất thông tin báo cáo để theo dõi và đánh giá hiệu quả thực hiện vốn đầu tư, cụ thể:

Hệ thống cần được thiết kế theo nguyên tắc tập trung hóa và nguyên tắc phân cấp. Kết nối với Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và nghiệp vụ kho bạc để tiện theo dõi, giám sát việc giải ngân của dự án.

Việc trích xuất thông tin dữ liệu phục vụ các báo cáo về tình hình, tiến độ thực hiện dự án, tình hình giao kế hoạch và thực hiện giải ngân vốn đầu tư phải đảm bảo trích xuất được đa dạng thông tin, linh hoạt trong thiết kế biểu mẫu báo cáo ở các cấp quản lý.

Cần có phương án tối ưu để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trên mạng trong quá trình triển khai trước khi thông tin của các dự án được chính thức hóa và được công khai trên mạng; tránh truy nhập trái phép và không đúng thẩm quyền (thông qua việc quản trị hệ thống và phân quyền sử dụng); Triển khai sử dụng chữ ký số để bảo mật và ký số các báo cáo.

Việc chuyển đổi số trong thực hiện ĐTC có ý nghĩa thực tiễn rất quan trọng, giúp bảo đảm thực hiện đồng bộ việc lập, theo dõi, đánh giá kế hoạch đầu tư công; theo dõi toàn bộ quy trình xây dựng và triển khai thực hiện các dự án đầu tư công; kịp thời cung cấp các thông tin, dữ liệu tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công; tiết kiệm và giảm thiểu được nhiều chi phí trong việc theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện dự án đầu tư công; tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, các bộ, ngành trung ương, địa phương và các cơ quan thanh tra kiểm tra, các tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư trong việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công.

Châu Nguyên
Ý kiến của bạn
Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06 Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06

Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.