Chuyển đổi số trong ngành ngân hàng: Người dân thuận tiện hơn trong việc tiếp cận dịch vụ
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), NHNN và Bộ Công an đã phối hợp tổ chức Hội nghị về Ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử trong hoạt động ngân hàng.
Tại Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, chuyển đổi số là một chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ, là hướng đi tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Đối với lĩnh vực ngân hàng, quá trình chuyển đổi số đang làm thay đổi cấu trúc các dịch vụ tài chính, mang đến nhiều kênh cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính mới, hiện đại trên không gian mạng, giúp người dân thuận tiện trong việc tiếp cận dịch vụ tài chính - ngân hàng.
Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã tích cực phối hợp với Bộ Công an triển khai bước đầu đạt một số kết quả tích cực như: NHNN là một trong các bộ ngành đã hoàn thành triển khai hệ thống dịch vụ công đảm bảo an toàn kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; từng bước triển khai làm sạch cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng khách hàng; hoàn thành thử nghiệm cung cấp một số giải pháp xác thực khách hàng điện tử qua căn cước công dân gắn chíp khi thực hiện giao dịch với ngân hàng;…
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an đánh giá, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, mô hình doanh nghiệp số, chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số đã trở thành đích đến của nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, vấn đề chuyển đổi số được Đảng, Nhà nước rất quan tâm chỉ đạo triển khai.
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc cho rằng, việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các đơn vị trong ngành Ngân hàng, kết nối với doanh nghiệp sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế số, giúp ngành ngân hàng phát triển các hoạt động nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả giao dịch giữa ngân hàng và khách hàng, bảo đảm an toàn hoạt động và phòng chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng.
Do vậy, các đơn vị liên quan của Bộ Công an và ngành Ngân hàng cần phối hợp chặt chẽ, tiên phong triển khai một cách chắc chắn, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và an toàn hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cùng với đó là xây dựng quy trình phối hợp và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thực hiện triển khai đạt hiệu quả cao.
Để đẩy mạnh hơn nữa việc sử dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị các đơn vị thuộc ngành Ngân hàng và Bộ Công an cần phối hợp: Đẩy nhanh việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện; Xây dựng quy trình làm sạch cơ sở dữ liệu khách hàng, loại bỏ các tài khoản "rác" thường được tội phạm lợi dụng để chuyển tiền bất hợp pháp. Hoạt động làm sạch dữ liệu khách hàng có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi gian lận, lừa đảo, cho thuê mượn tài khoản ngân hàng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền, ngăn ngừa tội phạm gian lận, lừa đảo tại các tổ chức tín dụng.
Cùng với đó, xây dựng quy trình xác thực khách hàng chính xác, ngăn ngừa tội phạm gian lận hồ sơ giấy tờ, mở tài khoản mạo danh hoặc lừa đảo khách hàng chiếm quyền truy cập các dịch vụ ngân hàng số trong cung cấp các dịch vụ ngân hàng số trên môi trường mạng; Kết nối nguồn dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sử dụng cho việc xác minh nhân thân khách hàng và tra cứu các thông tin để đánh giá khả năng trả nợ (như thông tin về đóng thuế thu nhập, bảo hiểm xã hội,…) từ đó có thể đẩy nhanh thủ tục cho vay, góp phần giảm tín dụng đen trong xã hội.
Triển khai Luật Phòng chống rửa tiền đã được Quốc hội thông qua, ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động nghiệp vụ ngân hàng cũng tạo điều kiện tốt để các đơn vị thuộc Bộ Công an và ngành Ngân hàng phối hợp triển khai công tác phòng chống rửa tiền và phòng chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng.
Nhật HàCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.