Chuyển đổi số và thiết kế để phát triển du lịch làng nghề Hà Nội

Tiếp thị số
03:38 PM 19/11/2022

Theo các chuyên gia, việc hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các làng nghề phát triển, đưa yếu tố thiết kế vào sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, hướng tới xây dựng hệ sinh thái thiết kế để phát triển bền vững làng nghề Hà Nội.

Làng nghề truyền thống trong xu hướng chuyển đổi số

Ngày 18/11, tại Trung tâm tinh hoa Làng nghề Việt, số 28, thôn 5, làng cổ Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) kết hợp với Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft), Hiệp hội thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội (Hacraft) đã tổ chức chương trình tọa đàm chuyển đổi số và thiết kế để phát triển du lịch làng nghề Hà Nội. Tọa đàm này nằm trong khuôn khổ Tuần thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2022, từ ngày 11/11/2022 - 18/11/2022.

Tọa đàm chuyển đổi số và thiết kế để phát triển du lịch làng nghề Hà Nội đã đón hàng trăm đại biểu là cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, chuyên gia nghiên cứu, các nhà thiết kế, các Trường đại học liên quan đến lĩnh vực thiết kế, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nghệ nhân làng nghề. Các chuyên gia đã thảo luận, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các làng nghề phát triển, đưa yếu tố thiết kế vào sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, hướng tới xây dựng hệ sinh thái thiết kế để phát triển bền vững làng nghề Hà Nội.

Chuyển đổi số và thiết kế để phát triển du lịch làng nghề Hà Nội - Ảnh 1.

Tọa đàm chuyển đổi số và thiết kế để phát triển du lịch làng nghề Hà Nội đã đón hàng trăm đại biểu tham dự và đóng góp ý kiến.

Trình bày tham luận tính nghệ thuật độc đáo của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề Việt Nam gắn với du lịch tại tọa đàm, PGS.TS Đặng Mai Anh, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cho biết, Việt Nam là đất nước có nhiều làng nghề truyền thống sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, số làng nghề trên cả nước hiện nay có khoảng 3.000 làng nghề , tập trung chủ yếu ở phía Bắc, với khoảng 20 triệu lao động, trong đó chỉ 30% là lao động thường xuyên, còn lại là lao động thời vụ.

Các nhóm nghề chính như: sơn mài, gốm sứ, vàng bạc, thêu ren, mây tre đan, cói, dệt, đục chạm gỗ, dấ, giấy, tranh dân gian... nhiều ngành nghề truyền thống đã có những lớp nghệ nhân tay nghề cao, đóng góp nhiều đến quá trình bảo tồn và phát huy những giá trị của nghề thủ công truyền thống… trong đó nhiều nghệ nhân được nhà nước phong tặng Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân.

Các làng nghề thủ công truyền thống đã lưu giữ lại những bản sắc, dấu ấn của vùng văn hóa, thể hiện sự khéo léo, tài hoa và óc sáng tạo của những cư dân vùng đất giàu văn hóa. Một số làng nghề và ngành nghề truyền thống đã được Nhà nước bảo tồn, được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống của Nhà nước.

Chuyển đổi số và thiết kế để phát triển du lịch làng nghề Hà Nội - Ảnh 2.

Người Cơ Tu đang cố gắng gìn giữ nghề đan lát truyền thống. (Ảnh: Lê Bá Ngọc)

Trong tình hình hiện nay, đứng trước nhu cầu của thị trường, nhiều làng nghề đã nghĩ ra những phương kế thích nghi để tồn tại, sự chuyển mình của các làng nghề, các doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ đã biến đổi vị trí của nhiều mặt hàng thủ công để không chỉ có sự hồi sinh mà cải biến rất hợp lí, đạt hiệu quả về nhiều mặt, đáp ứng thị trường, tạo thế đứng cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam.

Để sản phẩm thủ công mỹ nghệ cùng lúc với đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu, còn một thị trường quan trọng khác của hàng thủ công mỹ nghệ là "xuất khẩu tại chỗ", hay nói cách khác là bán sản phẩm cho khách du lịch. Đây là một mô hình sáng tạo, năng động "tự cứu mình" của chính các doanh nghiệp, các hộ sản xuất và của chính những người thợ làm nghề trong cơ chế thị trường.

Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của làng nghề truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm, phần lớn các sản phẩm đều thể hiện sự tinh tế, tỉ mỉ của các nghệ nhân, và theo lối mẫu cổ, mang yếu tố riêng biệt của vùng miền, hoặc có những sản phẩm rất riêng của một dòng họ mang tính "gia truyền".

Tới nay, việc sản phẩm thủ công mỹ nghệ khi tham gia cùng sự phát triển của du lịch, việc sản phẩm thủ công mỹ nghệ có sự biến đổi về hình thức, về giá trị văn hóa là sự hết sức cần thiết. Bởi trên thực tế, khách du lịch đến đâu thường sẽ chọn cho mình món quà mang yếu tố địa phương về nét văn hóa đặc trưng vùng miền, "đặc sản" của nơi mình đến, một yếu tố hết sức cần thiết là giá trị công năng của sản phẩm mình chọn.

Do đó, sản phẩm phải mang tính nghệ thuật độc đáo, gìn giữ nét truyền thống của địa phương. Cùng với đó là sự định hướng một cách bền vững và phát huy giá trị của sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nhất là khi tham gia gắn với du lịch.

Tiên phong chuyển đổi số, đề xuất 7 giải pháp từ làng nghề gốm Bát Tràng

Cùng trình bày tham luận, tiềm năng và các khó khăn cản trở sự phát triển của du lịch làng nghề Hà Nội nói chung và làng nghề gốm sứ Bát tràng nói riêng, ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch HĐQT Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt cho hay, Bát Tràng mang đến sản phẩm có tính độc đáo cao, với đa phần những người dân trong địa bản đều sản xuất và kinh doanh gốm sứ trải qua nhiều đời, một làng nghề độc canh chuyên sản xuất gốm sứ với những sản phẩm chất lượng nổi tiếng được xuất khẩu đi khắp các nước thế giới và được người dân Việt vô cùng ưa chuộng.

Chuyển đổi số và thiết kế để phát triển du lịch làng nghề Hà Nội - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Trung Thành đưa ra 7 kiến nghị giải pháp cho làng nghề phát triển trong xu hướng chuyển đổi số.

Kỹ thuật chế tác gốm ở Bát Tràng có thể phục chế được tất cả các sản phẩm cổ truyền từ 300-400 năm trước, điều mà hiến có một nơi nào làm được, điều này đã làm tăng tính đặc trưng và thu hút rất nhiều khách du lịch quốc tế đến thăm và tìm hiểu về nghề gốm cổ truyền.

Tuy nhiên, việc phát triển còn một số khó khăn như: Công tác quản lý làng nghề còn có nhiều chồng chéo, lãnh đạo một số địa phương chưa có sự quan tâm sâu sát để có định hướng, quy hoạch chung. Bởi vậy, các làng nghề vẫn mang tính chất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát triển, tự sản xuất và tìm nguồn ra. Một số làng nghề, ngành nghề có nguy cơ bị mai một hoặc không còn hoạt động như nghề gốm Phú Sơn (Sơn Tây), gốm Tô Hiệu (Thường Tín), nghề Dệt the La Khê (Hà Đông), giấy dó Bưởi, giấy sắc Nghĩa Đô,…

Cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch còn nhiều bất cập, đặc biệt là về giao thông, vấn đề đảm bảo môi trường bền vững. Việc xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề còn kém do thiếu vốn và các hộ ở xen trong các khu dân cư, quy mô sản xuất chủ yếu là thủ công, máy móc lạc hậu, mặt bằng sản xuất chật hẹp.

Chất lượng sản phẩm làng nghề chưa cao. Các sản phẩm của làng nghề đa phần chưa có thương hiệu hàng hóa, mẫu mã kiểu dáng thay đổi chậm nên sức cạnh tranh còn yếu. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa mở rộng, việc giới thiệu sản phẩm làng nghề tại các hội chợ, các trung tâm thương mại chi phí nhiều, mô hình làng nghề kết hợp với du lịch còn chậm.

Sản phẩm làng nghề phục vụ du lịch chưa đặc sắc, ít độ tinh xảo, thiếu tính hấp dẫn; Người dân địa phương tại làng nghề chưa chú trọng vào hoạt động kinh doanh phát triển du lịch, đơn thuần làm nghề và kinh doanh các sản phẩm nghề, thiếu kiến thức, kỹ năng phục vụ khách du lịch.

Từ kinh nghiệm trong phát triển du lịch làng nghề gốm sứ Bát Tràng, ông Nguyễn Trung Thành đưa ra một số giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Thứ nhất, Thành phố Hà Nội cần nghiên cứu, đánh giá lại các chính sách khuyến khích phát triển nghề, làng nghề hiện nay cho phù hợp với tình hình mới.

Thứ hai, Thành phố quan tâm công tác quy hoạch mặt bằng cho các cụm công nghiệp làng nghề giúp các doanh nghiệp và các hộ sản xuất có cơ hội mở rộng sản xuất, ứng dụng thiết bị tiên tiến, khoa học kỹ thuật cho sản xuất nhằm giảm giá thành sản phẩm, nâng giá trị sản phẩm trên thị trường và phát triển bền vững.

Thứ ba, Hà Nội và các làng nghề tiếp tục duy trì các cuộc thi thiết kế sản phẩm nhất là các sản phẩm lưu niệm và quà tặng du lịch.

Thứ tư, cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, có giải pháp quản lý chất lượng dịch vụ du lịch, kỹ năng phục vụ khách du lịch.

Chuyển đổi số và thiết kế để phát triển du lịch làng nghề Hà Nội - Ảnh 4.

Ông Thành đề nghị, làng nghề cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, có giải pháp quản lý chất lượng dịch vụ du lịch, kỹ năng phục vụ khách du lịch. (Ảnh: NTT)

Thứ năm, thực hiện chuyển đối số trong lĩnh vực văn hóa – du lịch, trong đó có làng nghề và du lịch làng nghề.

Thứ sáu, đẩy mạnh tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch; qua đó, hợp tác liên kết các tỉnh, thành phố, các làng nghề, phố nghề. Tổ chức các đoàn khảo sát, xúc tiến tại các thị trường trên cả nước, kết nối các doanh nghiệp du lịch ở các địa phương; Kết nối nghệ nhân làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống và doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Thủ đô.

Thứ bẩy, cần có chiến lược, kế hoạch đào tạo nghề cụ thể, phát huy vai trò nghệ nhân và thợ thủ công lành nghề trong việc lưu giữ nghề và làng nghề. Chính tài năng của những người thợ - nghệ nhân với những đôi "bàn tay vàng" của họ đã tạo nên những sản phẩm quý giá, tinh xảo, những sản phẩm văn hóa có sức sống lâu dài và tiêu biểu cho những nét độc đáo của làng nghề địa phương. Chính những người thợ - nghệ nhân đã giữ cho làng nghề tồn tại và phát triển.

Hà Nội đang xây dựng "Thành phố sáng tạo" với nền tảng là các ngành công nghiệp sáng tạo mũi nhọn của Thủ đô. Phát triển ngành thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống Hà Nội trở thành ngành "Công nghiệp sáng tạo" mũi nhọn không thể thiếu giải pháp đặc biệt quan trọng là Chuyển đổi số và thiết kế để phát triển du lịch làng nghề.

Nhật Hà
Ý kiến của bạn