Chuyển đổi xanh ngành công nghiệp - Kiểm kê khí nhà kính: Nền tảng cho lộ trình giảm phát thải
Chiều 22/12, tại Hà Nội, Báo Xây dựng phối hợp cùng Liên minh hỗ trợ công nghiệp Việt Nam Visa tổ chức Hội thảo "Chuyển đổi xanh ngành công nghiệp - Kiểm kê khí nhà kính: Nền tảng cho lộ trình giảm phát thải".
Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng; Lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện liên quan thuộc Bộ Xây dựng; Đại diện các Bộ, Ngành liên quan: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước; Đại diện Liên minh hỗ trợ công nghiệp Việt Nam Visa, Hiệp hội bất động sản; Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, Hiệp hội Công Nghiệp; Đại diện các Tổ chức nghiên cứu quốc tế biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, các Hiệp hội, các Tập đoàn, Tổng Công ty xây dựng, các chủ đầu tư bất động sản, Ban Quản lý các KCN, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, Doanh nghiệp công nghiệp FDI, các công ty Năng lượng…
Hội thảo nhằm đưa ra những phân tích, nhận định đa chiều, đánh giá khách quan về tầm quan trọng và ý nghĩa của kiểm kê khí nhà kính trong sản xuất công nghiệp; Giới thiệu các chính sách về biến đổi khí hậu của Việt Nam cùng những hướng dẫn chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước nhằm tập chung hỗ trợ tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, vật liệu xây dựng; Cung cấp kiến thức về các phương pháp, tiêu chuẩn kiểm kê phổ biến, những đòi hỏi cấp thiết từ thị trường, tăng cường năng lực thực hiện kiểm kê khí nhà kính;
Tổng hợp các giải pháp đột phá từ các nhà quản lý, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp... về sử dụng dữ liệu phát thải, phương pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và vật liệu xây dựng, ứng dụng nhiên liệu sạch LNG trong sản xuất công nghiệp; Chia sẻ những kinh nghiệm thực tế từ những đơn vị đã có hành động hướng tới trung hòa carbon, nhằm giúp các doanh nghiệp công nghiệp, vật liệu xây dựng và cơ sở hạ tầng xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh cho nội tại công ty và thực hiện trách nhiệm với môi trường và xã hội.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Tào Khánh Hưng - Phó Tổng biên tập Báo Xây dựng cho biết, trước những thách thức của biến đổi khí hậu về mọi mặt của nền kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh toàn cầu, mỗi quốc gia phải chủ động thích ứng nhằm hạn chế các tác động tiêu cực, đồng thời có trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu kể từ năm 2021 trở đi nhằm giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5oC vào cuối thế kỷ này.
Đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 là mục tiêu phát triển tất yếu của thế giới, thực hiện chủ yếu thông qua chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát triển phát thải thấp. Chính phủ Việt Nam đã đưa ra cam kết cùng cộng đồng quốc tế thực hiện phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 tại Hội nghị COP26. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng và để đạt được cần rất nhiều nguồn lực trong nước và quốc tế, cần sự chung tay cùng thực hiện của cả nền kinh tế.
Cũng theo ông Hưng, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng "0", bên cạnh các nhóm giải pháp kỹ thuật cụ thể được đưa ra thì Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng đã quy định rõ về vai trò, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp phải tham gia thực hiện giảm phát thải khí nhà kính theo lộ trình.
Theo đó, các quy định về kiểm kê phát thải khí nhà kính phải thực hiện từ năm 2023. Bên cạnh đó, các cơ chế hỗ trợ thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải thông qua sàn giao dịch tín chỉ carbon, cơ chế bù trừ tín chỉ carbon... sẽ được áp dụng thử nghiệm từ năm 2025, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đạt được mục tiêu giảm phát, chuyển đổi xanh, hướng đến nền sản xuất bền vững của mình.
"Chuyển đổi xanh không chỉ là phát triển, ứng dụng công nghệ hướng tới môi trường mà còn thay đổi cả quy trình sản xuất - kinh doanh nhằm nâng cao tính hiệu quả hoạt động, giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn", ông Hưng nhấn mạnh.
Cũng tại hội thảo, theo PGS.TS. Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường Bộ Xây dựng, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã thực hiện kiểm kê khí nhà kính cho nhóm ngành vật liệu xây dựng ưu tiên. Theo số liệu kiểm kê, tổng phát thải khí nhà kính đối với sản xuất vật liệu xây dựng năm 2014 là 59,91 triệu tấn CO2 tương đương và năm 2022 là 101,89 triệu tấn CO2 tương đương. Trong đó phát thải lớn nhất là sản xuất xi măng năm 2014: phát thải 47,64 triệu tấn CO2 tương đương và năm 2022 là: 91,93 triệu tấn CO2 tương đương; sản xuất gạch xây nung năm 2014: phát thải 5,73 triệu tấn CO2 tương đương và năm 2022 là: 4,22 triệu tấn CO2 tương đương và sản xuất vôi công nghiệp năm 2014: phát thải 4,1 triệu tấn CO2 tương đương và năm 2022 là: 2,9 triệu tấn CO2 tương đương.
Trong đó, sản xuất xi măng là ngành có tỷ trọng phát thải khí nhà kính lớn nhất, chiếm gần 80% tổng phát thải trong sản xuất vật liệu xây dựng năm 2014. Tỷ trọng này tăng lên khoảng 90% vào năm 2022. Hệ số phát thải của từng nhóm ngành sản phẩm cũng cho thấy cường độ phát thải và phát thải công nghiệp của nhóm sản xuất xi măng là cao nhất. Sản xuất gạch ốp lát, kính xây dựng phát thải khí nhà kính là không lớn nhưng cường độ phát thải của sản xuất kính và vôi là tương đối cao.
Ông Vũ Ngọc Anh cho biết thêm, tại Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, trong đó có 50 cơ sở sản xuất xi măng đã được ghi nhận là đơn vị đầu tiên phải thực hiện nghĩa vụ kiểm kê khí nhà kính và đến năm 2026 bắt đầu xây dựng, triển khai các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính để đáp ứng quota trước khi được phép tham gia thị trường giao dịch tín chỉ carbon. Theo rà soát của Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm nay sẽ trình Chính phủ bản cập nhật Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg, trong đó đã bổ sung một số cơ sở sản xuất gạch, kính xây dựng vào danh mục các cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, văn bản dự kiến ban hành đầu năm 2024.
Để giảm phát thải khí nhà kính trong ngành công nghiệp SXVLXD nói riêng, ngành công nghiệp nói chung thì cần có các giải pháp ứng dụng KHCN, chuyển đổi mô hình sản xuất để xanh hóa ngành công nghiệp sản xuất VLXD, xanh hóa ngành công nghiệp xây dựng góp phần xanh hóa nền kinh tế và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam.
Ông Ngô Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch thường trực Liên minh Hỗ trợ công nghiệp Việt Nam chia sẻ vai trò kiểm kê khí nhà kính - Nền tảng xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh doanh nghiệp. "Chúng tôi hoạt động với 3 sứ mệnh: Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa; Đóng góp chính sách; Kiến tạo hệ sinh thái công nghiệp Việt Nam.
Hướng đến 4 mục tiêu chính: Kết nối giao thương LF – SI, giúp doanh nghiệp tiếp cận với các tiêu chuẩn và yêu cầu gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu; Nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp thành viên thông qua các chương trình, giải pháp tư vấn chiến lược, quản trị rủi ro chuỗi cung ứng, tiêu biểu là chuỗi hội thảo giúp nâng cao năng lực "Quản trị rủi ro báo cáo quyết toán hải quan" với 9 chuyên đề chuyên sâu đã và đang tổ chức từ cuối 2019 đến nay, phối hợp với Chi cục Hải quan và Sở Công Thương các tỉnh Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam, Đà Nẵng, Long An, Đồng Nai…
Đóng góp chính sách nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, các chính sách vốn, đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại; Kiến tạo hệ sinh thái công nghiệp Việt Nam thông qua các chương trình phát triển thành viên, các đề án hỗ trợ doanh nghiệp", ông Khánh nói.
Theo các diễn giả tại Hội thảo, nhằm hướng tới đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, lĩnh vực xây dựng phải chịu trách nhiệm giảm 74,3 triệu tấn CO2 tương đương. Phát triển vật liệu xanh vì thế trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu hướng tới của ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Việt Nam. Tuy nhiên, việc sử dụng vật liệu xanh, thân thiện với môi trường trong các công trình xây dựng còn gặp nhiều khó khăn do thiếu khung pháp lý, năng lực và trình độ công nghệ sản xuất vật liệu xanh tại Việt Nam còn hạn chế, giá thành chưa cạnh trạnh so với các vật liệu truyền thống khác.
Để đáp ứng mục tiêu phát triển xanh, bền vững, thúc đẩy mạnh mẽ các công trình xanh, vật liệu xây dựng xanh tại Việt Nam, việc nghiên cứu, lồng ghép, tích hợp các vấn đề về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của ngành cần chú trọng hơn nữa. Đồng thời, Chính phủ và các Bộ, ngành cần tập trung nghiên cứu để xây dựng khung pháp lý cho các vật liệu xanh, các loại hình công trình, đô thị như công trình tự cân bằng năng lượng, công trình phát thải ròng bằng "0", đô thị xanh, đô thị phát thải thấp, đô thị trung hòa carbon…
Nhật HàMới đây, một trong những nhật báo lớn nhất Ấn Độ - Times of India, đã vinh danh những bãi biển tại đảo Phú Quốc trong top 9 đẹp nhất Châu Á.