Chuyên gia đưa ra giả thuyết mới về đường bay của máy bay MH370
Một chuyên gia mới đây tiết lộ ông phát hiện ra tìm thấy lỗ hổng trong bản kế hoạch đánh cướp chiếc máy bay này của không tặc và nguyên nhân khiến MH370 biến mất.
Vụ chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích bí ẩn ngày 8/3/2014 vẫn là một ẩn số. Vào thời điểm mất tích, trên máy bay có 239 người.
Các nhà chức trách đến nay vẫn chưa xác định chính xác được chuyện gì đã xảy đến với MH370 cũng như toàn bộ hành khách trên máy bay
Rất nhiều giả thuyết được đặt ra nhưng đó vẫn chỉ là giả thuyết. Tuy nhiên, một bằng chứng đặc biệt vừa được hé lộ cho thấy chiếc máy bay MH370 đã bị cướp và cơ trưởng buộc phải cho máy bay đi lệch hành trình đã định. Bên cạnh đó, một dữ liệu khác chỉ ra rằng máy bay MH370 đã bay qua Ấn Độ Dương, sau đó rơi xuống bờ biển ở phía Tây của Australia.
Jeff Wise, chuyên gia nghiên cứu về vụ MH370, cũng là tác giả cuốn sách "The Plane That Wasn't There" xuất bản vào năm 2015 tin chắc rằng, ông biết rõ chiếc may bay này đã bay đi đâu, và không tặc đã làm những gì.
Trong cuốn sách của mình, ông Wise cho biết, MH370 thực chất đã bay về phía Bắc, hướng tới Kazakhstan, nhưng bị khống chế và tạo ra dữ liệu giả để mọi người nhầm tưởng rằng nó bay theo hướng Nam.
Chuyên gia này cũng tiết lộ rằng, các không tặc đã sử dụng một thủ thuật "lừa đảo kinh điển" để đánh lạc hướng điều tra – điều mà ông Wise phát hiện ra từ một lỗ hổng trong bản kế hoạch cướp máy bay MH370.
Những cuộc liên lạc giữa MH370 với vệ tinh 3F1, thuộc sự sở hữu của công ty viễn thông vệ tinh Inmarsat của Anh là manh mối chính hé lộ về những gì đã xảy ra với chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines.
Theo ông Wise, các không tặc đã lợi dụng lỗ hổng trong đơn vị dữ liệu vệ tinh (SDU) trên máy bay để gửi dữ liệu giả tới vệ tinh này. Theo đó, đơn vị dữ liệu vệ tinh (SDU) trên máy bay lúc đầu đã bị tắt, nhưng được bật trở lại không lâu sau đó và gửi hàng loạt tín hiệu tới vệ tinh 3F1 của Inmarsat.
Công ty Inmarsat sau đó đã sử dụng các dữ liệu như Burst Timing Offset (BFO) và Burst Timing Offset (BTO) để xác định hướng bay cũng như địa điểm máy bay đáp xuống sau khi biến mất khỏi radar kiểm soát không lưu.
Nếu BTO là thước đo thời gian thực hiện cho một chuyến đi khứ hồi và có thể được sử dụng để tính khoảng cách giữa vệ tinh và máy bay, BFO lại là thước đo chuyển động tương đối của vệ tinh và máy bay.
Hai dữ liệu này kết hợp với nhau sẽ giúp các nhà điều tra vạch ra được lộ trình của máy bay. Thế nhưng, các giá trị này dường như mâu thuẫn với nhau trong trường hợp của MH370 khi không có lộ trình nào hoàn toàn khớp với cả BTO và BFO.
Vị chuyên gia này cũng đưa ra lập luận rằng các không tặc đã che giấu MH370 bằng cách cung cấp dữ liệu giả, nhờ vậy, máy bay dễ dàng biến mất mà không bị chú ý.
Đây cũng chính là "thủ thuật lừa đảo kinh điển" mà ông Wise nhắc tới ở trên.
Tuy nhiên, theo ông Wise, kế hoạch này muốn thành công thì cần phải đáp ứng một loạt các tiêu chuẩn. Như máy bay bị cướp phải là Boeing thay vì Airbus, đồng thời nó phải được trang bị SDU của Honeywell mà không phải của Rockwell Collins.
Thêm vào đó, để BFO cho thấy máy bay đang di chuyển ngược so với hướng bay thực, chuyến bay phải bắt đầu ở khu vực nằm gần đường xích đạo với lộ trình bay tới một đại dương nào đó, nơi nó sẽ biến mất. MH370 dĩ nhiên đáp ứng tất cả những tiêu chuẩn đó.
Do đó, ông Wise nhận định, kế hoạch của không tặc có một lỗ hổng, đó là họ không biết rằng Inmarsat ghi nhận cả dữ liệu BTO, dựa vào đó "vẽ ra" lộ trình của chiếc MH370 một cách chính xác hơn. Việc BFO và BTO không khớp với nhau khi được đem ra so sánh có thể chỉ ra rằng một loạt dữ liệu nhận được từ MH370 là giả.
Trong trường hợp này, vấn đề sai lệch chắc chắn nằm ở BFO, vì dữ liệu BTO luôn được tính toán trong SDU và không thể can thiệp vào.
Dù vậy, những điều được chuyên gia Jeff Wise đưa ra tới thời điểm hiện tại vẫn chỉ là một giả thuyết, chưa được cơ quan điều tra xác thực.
My LêXu hướng tăng lãi suất tiết kiệm tiếp tục lan rộng trong tháng 11 khi nhiều ngân hàng đẩy mạnh cạnh tranh, áp dụng mức lãi suất tiết kiệm hấp dẫn, đặc biệt dành cho các khoản tiền gửi dài hạn.