Chuyên gia: Nên cân nhắc lại quy định DN có nợ xấu không được tiếp cận gói hỗ trợ lần 2

Doanh nghiệp - Doanh nhân
09:19 AM 09/07/2021

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19, trong đó có quy định, doanh nghiệp có nợ xấu ngân hàng không được tiếp cận gói hỗ trợ lần 2.

Theo Nghị quyết 68, tổng mức hỗ trợ của gói lần này khoảng 26.000 tỷ đồng. Khác với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng dành cho rất nhiều nhóm đối tượng, gói hỗ trợ lần này tập trung chủ yếu cho người lao động trực tiếp và ngưởi sử dụng lao động.

Chuyên gia: Nên cân nhắc lại quy định DN có nợ xấu không được tiếp cận gói hỗ trợ lần 2 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: VnEconomy

Đây là chính sách rất cấp thiết, tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu, quy định doanh nghiệp có nợ xấu không được tiếp cận gói này cũng nên cân nhắc lại.

Trao đổi với Nhà báo và Công luận, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định: "Một trong những điều khoản bất hợp lý là doanh nghiệp đang nợ xấu ngân hàng không được tiếp cận gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng".

Theo vị chuyên gia này, người lao động không có trách nhiệm với việc doanh nghiệp của họ có nợ xấu. Tuy nhiên, do điều khoản những doanh nghiệp đang có nợ xấu ngân hàng thì không được tiếp cận gói hỗ trợ nên người lao động sẽ không được hưởng. Đây thực sự là một bất công đối với những lao động làm việc tại các doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng đề ra hướng giải quyết liên quan đến điều khoản doanh nghiệp có nợ xấu ngân hàng không được hỗ trợ gói 26.000 tỷ đồng.

Cụ thể, trường hợp doanh nghiệp đã có nợ xấu ngân hàng nếu cho vay thêm nhưng lo ngại họ không có khả năng trả, thì ít nhất nên tạo điều kiện đối với các doanh nghiệp đang có nợ xấu nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn - quá hạn từ 90 ngày đến 180 ngày) được phép cho vay. Còn nợ xấu nhóm 4 (nợ nghi ngờ - 180 ngày đến 360 ngày) và nợ xấu nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn - từ 360 ngày trở lên) có thể loại khỏi gói hỗ trợ.

Với điều khoản này, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng tốt nhất nên loại bỏ, nhằm hỗ trợ cho người lao động.

Chuyên gia: Nên cân nhắc lại quy định DN có nợ xấu không được tiếp cận gói hỗ trợ lần 2 - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Nhắc lại gói cho vay 16.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động vào năm 2020, vị chuyên gia này đánh giá gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng rất yếu kém, chỉ giải ngân được 0,26% với con số khiêm tốn 245 đơn vị vay vốn gần 42 tỷ đồng. Vì vậy, gói hỗ trợ xem như thất bại.

Ngoài ra, rất nhiều chuyên gia kỳ vọng, gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng có thể rút kinh nghiệm từ gói lần 1, giảm bớt các điều kiện, thủ tục không cần thiết, nhất là minh bạch hơn để các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận đầy đủ. Ở gói hỗ trợ lần 1, đa phần doanh nghiệp không được hưởng lợi vì các điều kiện hỗ trợ đi kèm khó thực hiện như: số lượng lao động nghỉ việc, doanh thu của doanh nghiệp.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội chia sẻ trên báo chí, ở gói hỗ trợ lần 2 doanh nghiệp kỳ vọng phải triển khai càng nhanh càng tốt. Đồng thời, phải cải tiến quy trình, thủ tục hành chính nhanh gọn hơn, thông tin minh bạch và đầy đủ để các khoản hỗ trợ sớm đến được tay các doanh nghiệp.

“Các khoản hỗ trợ này cần phải xác định đúng đối tượng thụ hưởng với những tiêu chí xác đáng và cụ thể, có sự giám sát chặt việc sử dụng nguồn hỗ trợ để bảo đảm hiệu quả của chính sách”, ông Mạc Quốc Anh cho biết.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn
Siêu thị và TTTM đua giảm giá, kích cầu mua sắm trong dịp lễ 30/4-1/5 Siêu thị và TTTM đua giảm giá, kích cầu mua sắm trong dịp lễ 30/4-1/5

“Giảm giá bán - đổi sức mua” là chiến lược chung của siêu thị và TTTM trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Ghi nhận tại các trung tâm thương mại và hệ thống siêu thị, số lượng chương trình, hạn mức khuyến mại trong thời gian này đã được tăng lên để phục vụ nhu cầu mua sắm của đông đảo người dân.