Chuyên gia: Nên cẩn trọng khi đầu tư bất động sản “ăn theo” tuyến đường sắt đô thị

Hiện nay dọc tuyến đường sắt đô thị trên cao Cát Linh - Hà Đông có hàng trăm dự án BĐS, không chỉ người dân mà các dự án này cũng đang được hưởng lợi từ việc tuyến đường sắt đi vào vận hành. Các chuyên gia đưa ra lời khuyên, không nên theo tâm lý đám đông nên cẩn trọng khi đầu tư bất động sản “ăn theo” tuyến đường sắt đô thị.

Giá bán bất động sản tăng cao

Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông tổng chiều dài 13,03km, với 12 nhà ga. Đầu tháng 11 khi chính thức đi vào vận hành, giúp cho các hoạt động dịch vụ đi kèm, như: gửi xe, bán đồ ăn, uống... trở nên sôi nổi, tập nập hơn, kéo theo đó là giá trị nhà đất ở gần các nhà ga cũng tăng giá.

Chuyên gia: Nên cẩn trọng khi đầu tư bất động sản “ăn theo” tuyến đường sắt đô thị - Ảnh 1.

Ảnh: Hoàng Anh

Cụ thể, khu vực phố Cát Linh nhà đất (riêng lẻ) mặt tiền giá bán đang được rao từ 400 – 450 triệu/m2; phố Hoàng Cầu, Hào Nam từ 250 – 270 triệu đồng/m2, tăng khoảng 50% so với năm 2017 (thời điểm thực hiện điều chỉnh tổng vốn đầu tư dự án đường sắt) và tăng trên 150% so với năm 2011 (thời điểm dự án bắt đầu triển khai).

Tương tự, khu vực gần ga Yên Nghĩa (Hà Đông) cũng ghi nhận giá nhà đất tăng cao mặc dù có thấp hơn điểm ga nội đô. Giống như nhà đất riêng lẻ, giá bán căn hộ dự án khu vực này cũng không chịu kém cạnh, đơn cử như dự án CT2 Yên Nghĩa, căn hộ đóng tiền theo đợt chào với mức 15 triệu đồng/m2, nhưng căn hộ hoàn thiện lại đang được một số chủ sở hữu rao bán từ 18 – 19 triệu đồng/m2. Hàng loạt những dự án khác, như: Khu đô thị mới Văn Phú, FLC Star Tower, TNR GoldSeason… đang được hưởng lợi từ dự án đường sắt này.

Trao đổi về vấn đề này, TS Lê Đỗ Mười - Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ GTVT) cho biết, việc phát triển hạ tầng giao thông tốt sẽ tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản và giá trị của khu vực mà dự án giao thông đi qua.

"Việc phát triển các đô thị vệ tinh sẽ là động lực phát triển kinh tế xã hội, phân bố lại dân cư và việc làm. Trong đó, phát triển giao thông vận tải là nền tảng, có mối quan hệ mật thiết, tương hỗ với phát triển đô thị. Đây là cơ sở thực hiện quy hoạch đô thị, thu hút dân cư từ đô thị trung tâm ra đô thị vệ tinh, thúc đẩy giá trị bất động sản gia tăng", ông Mười nói thêm.

Cẩn trọng khi chạy đua cùng xu hướng đám đông

Giao thông phát triển tới đâu, nhà đầu tư bất động sản chạy đua theo tới đó là thực trạng nhiều năm nay. Nhiều nhà đầu tư nhờ đón sóng từ những chính sách xây dựng hạ tầng đã trúng đậm.

Trao đổi với các cơ quan báo chí, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội – Nguyễn Thế Điệp cho biết, hạ tầng giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của BĐS, những nơi đã đầu tư hạ tầng hoàn thiện giá BĐS tăng được xem là tất yếu, do có giá trị sinh lời từ kinh doanh, dịch vụ... nhưng mức độ tăng hợp lý nhất từ 15 – 20%, nếu tăng nhiều hơn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến mặt bằng chung của thị trường và do sự “thổi giá” của người dân hoặc môi giới.

“Nhà đất tăng giá trong quá trình đô thị hóa là việc hết sức bình thường, nhưng ngay ở những khu vực hạ tầng đầu tư hoàn thiện, nếu mức tăng nhanh từ 50 – 100% cũng cần phải xem xét lại thực tế, không lại trừ khả năng có sự tác động của môi giới” – ông Nguyễn Thế Điệp nhìn nhận.

Chuyên gia: Nên cẩn trọng khi đầu tư bất động sản “ăn theo” tuyến đường sắt đô thị - Ảnh 2.

Cẩn trọng khi đầu tư bất động sản “ăn theo” tuyến đường sắt đô thị

Cũng theo ông Trần Quốc Việt, Phó Giám đốc IP Land kinh nghiệm từ một số quốc gia sau khi xây dựng tuyến đường sắt đô thị, giá BĐS sẽ tăng bình quân từ 15 – 20% khu vực gần nhà ga, điểm dừng nghỉ trong bán kính khoảng 500m trở lại. “Nhưng cả người dân và nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ khi quyết định mua nhà đất ở khu vực này, vì giá đã được đẩy lên mức cao hơn mặt bằng chung, bỏ ra khoản tiền lớn mua nhà đất phục vụ kinh doanh, buôn bán sẽ có rủi ro là lâu thu hồi lại vốn, đầu tư kiếm lời thì lợi nhuận cũng sẽ không như kỳ vọng” – ông Trần Quốc Việt chia sẻ.

Được biết, hiện nay dọc tuyến đường sắt đô thị trên cao Cát Linh – Hà Đông có hàng trăm dự án BĐS, không chỉ người dân mà các dự án này cũng đang được hưởng lợi từ việc tuyến đường sắt đi vào vận hành. Không phủ nhận việc giá nhà đất đã tăng nhanh thời gian gần đây, dự báo sẽ tạo là “cú hích” lớn cho thị trường BĐS gần với dự án.

Trong khi đó, nhiều người dân sẵn sàng chi trả mức giá nhà đất cao hơn để được hưởng những tiện ích và thuận tiện cho công việc, đi lại. Nhưng các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên cho người dân, không nên theo tâm lý đám đông tham gia đầu tư khi giá đã được đẩy lên quá cao, gây ảnh hưởng đến sự phát triển chung của thị trường, mà phải sống trong khu vực dân cư đông đúc, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

HM (T/h)
Ý kiến của bạn
IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024 IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024

Năm 2024, Việt Nam được IMF dự báo quy mô GDP theo sức mua tương đương - GDP (PPP) đạt khoảng 1.559 tỷ USD, xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Indonesia vẫn được dự báo xếp thứ nhất với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 4.720 tỷ USD.