Chuyên gia nói gì về tác động của gói kích thích 350.000 tỷ đồng đến lạm phát, nợ công năm 2022?

Đầu tư và Tiếp thị
02:36 PM 06/01/2022

Theo dự thảo, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô khoảng gần 350.000 tỷ đồng. Các chuyên gia đánh giá thế nào về tác động của gói hỗ trợ đến tình hình vĩ mô của Việt Nam, đặc biệt là lạm phát trong năm 2022?

Sáng 4/1, tại kỳ họp Quốc hội bất thường, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày tờ trình về dự thảo nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo dự thảo, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô khoảng gần 350.000 tỷ đồng, dự kiến thực hiện trong năm 2022-2023.

Được biết, việc triển khai các chính sách tài khóa, tiền tệ để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được Chính phủ sẽ tạo điều kiện hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6,5-7%/năm trong giai đoạn 2021-2025; bảo đảm ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động, giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức ổn định khoảng 2-3%.

Bội chi NSNN so với GDP bình quân hai năm 2022-2023 tăng thêm khoảng 1,2% GDP mỗi năm, trong đó bội chi NSNN năm 2022 tối đa khoảng 5,1%GDP.

Nợ công đến cuối năm 2025 khoảng 49-50% GDP; nợ Chính phủ 45-46% GDP. Như vậy, chỉ tiêu nợ công vẫn dưới ngưỡng cảnh báo (55% GDP), thấp hơn so với mức trần đã được Quốc hội cho phép (60% GDP).

Các chuyên gia kinh tế nói gì?

Từng trả lời phỏng vấn với Trí Thức Trẻ, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, có 2 điểm cần rà soát lại để tạo ra một sự yên tâm khi Chính phủ tung ra một gói hỗ trợ lớn để phục hồi kinh tế.

Thứ nhất là năng lực trả nợ. Theo ông Thiên, đây là yếu tố đang gây áp lực, nếu năng lực trả nợ không tốt sẽ dẫn đến nguy cơ phá sản.

"Chúng ta cần biết sức mạnh ngân sách đang như thế nào và yêu cầu phải trả nợ hằng năm ra sao, thì mới có thể tính toán đúng", vị chuyên gia cho biết.

Thứ hai là tỷ giá hối đoái. Đây cũng là yếu tố phải tính đến khi bội chi ngân sách để tung ra gói hỗ trợ mạnh.

Thứ ba là yếu tố lạm phát. PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, chắc chắn bội chi sẽ làm tăng nguy cơ lạm phát. Cho nên, việc bơm tiền ra, rồi hút tiền về cần tính toán phù hợp để kiềm chế lạm phát. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, lạm phát dễ bị đánh giá không đầy đủ, bởi sức cầu đang rất yếu. Còn giá đầu hay chi phí đẩy đang rất khác.

"Hiện nay, áp lực chi phí đẩy đang tăng lên rất mạnh. Nền kinh tế của chúng ta là nền kinh tế mở, giữa chi phí đẩy và sức cầu đang chưa thông bởi cầu đang quá yếu. Áp lực chi phí đẩy là vô cùng khủng khiếp chứ không phải là nhỏ, gây ra nguy cơ lạm phát cao", ông Thiên nhấn mạnh.

Chuyên gia nói gì về tác động của gói kích thích 350.000 tỷ đồng đến lạm phát, nợ công năm 2022? - Ảnh 1.

Tốc độ tăng CPI bình quân của Việt Nam các năm từ 2016-2021. Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Mới đây, tại Hội thảo diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2021 và dự báo 2022 được tổ chức bởi Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính), PGS. TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế lo ngại, khi kinh tế phục hồi trong năm 2022 sẽ gây sức ép không nhỏ lên giá cả, đặc biệt dưới tác động của các gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế khiến nhu cầu tiêu dùng, đầu tư gia tăng.

"Các gói kích thích, kích cầu lớn theo đề xuất, cùng với phương thức kích thích, kích cầu, càng phải cẩn trọng, bởi quy mô rất lớn, khi cấp bù lãi suất sẽ kéo theo một lượng tín dụng 'khủng' ra thị trường, trong khi tỷ lệ này/GDP đã rất cao", ông Long nhấn mạnh.

Khi lạm phát cao lên, thì thường vòng quay tiền tệ sẽ tăng lên, làm cho lượng tiền tệ tăng kép. Với sự chuyển động của dòng tiền trên thị trường, sẽ có một lượng tiền lớn đang bị bị chôn vào các kênh bất động sản, chứng khoán,…. sẽ chuyển sang và gây sức ép đến thị trường hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng.

Tuy nhiên, ông Long cũng cho rằng, với vị thế chủ động và những yếu tố chính để kiểm soát, ổn định giá cả và tâm lý chúng ta còn dư địa để kiểm soát, ổn định giá cả và tâm lý người dân để hỗ trợ kiểm soát lạm phát.

"Các tổ chức quốc tế dự báo CPI của Việt Nam trong năm 2022 tăng khoảng 3,5 - 4%, rủi ro vượt 4% phụ thuộc vào giá cả hàng hoá thế giới. Dự báo CPI năm 2022 sẽ ở mức 3,4-3,7% thấp hơn so với mục tiêu dưới 4%", ông Long cho biết thêm. Mặt khác, trong năm 2022, thị trường, giá cả ở Việt Nam có những nhân tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI.

Giang Anh
Ý kiến của bạn