Chuyên gia: Tác động của tăng lương tới lạm phát không lớn
Mặc dù điều chỉnh tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2024, nhưng việc điều chỉnh lương chủ yếu diễn ra ở khu vực công có quy mô không lớn. Do đó, các chuyên gia kinh tế dự báo, tác động của tăng lương tới lạm phát thời gian tới sẽ không nhiều.
Từ ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở đã chính thức được điều chỉnh tăng thêm 30%, từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng; lương hưu cũng điều chỉnh tăng 15%; mức lương tối thiểu (theo tháng và theo giờ) tăng 6% so với năm 2023. Cũng như những lần tăng lương trước đây, bên cạnh tâm lý phấn khởi khi được tăng lương, đa phần người dân lo ngại giá cả hàng hóa tăng theo, thậm chí nhanh chân tăng trước như một số lần điều chỉnh lương trước đây.
Tại Hội thảo diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2024 do Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), cho rằng tăng lương có tác động đến tăng giá nhưng không quá nhiều. Bởi giá cả luôn tăng, cũng không thể cấm tăng giá khi tăng lương, chỉ có điều mức tăng cao hay thấp, còn lạm phát hợp lý khoảng 4%/năm là chấp nhận được.
Việc điều chỉnh lương chủ yếu diễn ra trong khu vực công có quy mô không lớn trong nền kinh tế, chưa đến 8% số lao động, tương ứng gần 4 triệu lao động, chưa kể lương khu vực công thấp hơn nhiều so với lương khu vực tư nhân.
Theo tính toán của TS. Nguyễn Đức Độ, quỹ lương toàn nền kinh tế chỉ tăng tương ứng 2,4%, bởi vậy, các tác động từ việc tăng lương tới lạm phát thời gian tới sẽ không quá lớn.
Cùng chung quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết, dù nửa cuối năm tăng lương cơ sở tới 30%, cao nhất từ trước đến nay khiến nhiều người lo rằng lạm phát rất cao nhưng điều này không đúng. Bởi thực tế, việc tăng lương cho công chức, viên chức chỉ là số ít và cũng tác động không quá lớn đến mặt bằng giá cả và nền kinh tế.
Phân tích thêm về tác động của việc tăng lương đến CPI, tại Hội thảo, đại diện Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho biết, việc điều chỉnh tăng lương cơ sở tác động đến CPI đã được Ban Chỉ đạo điều hành giá chú trọng thực hiện để trên cơ sở đó xây dựng kịch bản điều hành giá nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Nhận diện các yếu tố tăng CPI thời gian qua, đại diện Cục Quản lý giá cho biết, các yếu tố làm tăng CPI gồm giá các nhóm dịch vụ giáo dục, nhóm thuốc và dịch vụ y tế, nhà ở và vật liệu xây dựng, các mặt hàng thực phẩm, giao thông. Ngoài ra, các yếu tố tác động làm giảm CPI bao gồm giá nhiên liệu là xăng dầu và gas. Giá xăng dầu trong nước biến động phức tạp theo thị trường thế giới và giảm liên tục từ tuần cuối tháng 4/2024 cho đến nay, góp phần giảm áp lực lên mặt bằng giá.
Từ phân tích các yếu tố trên, đại diện Cục Quản lý giá nhìn nhận, lạm phát vẫn được kiểm soát tốt theo mục tiêu cho thấy, Chính phủ, các bộ, ngành đã quản lý, điều hành giá đúng hướng trên cơ sở kinh nghiệm kiểm soát lạm phát qua các năm, cũng như sự nỗ lực vào cuộc của Chính phủ, doanh nghiệp, người dân khiến nguồn cung nhiều hàng hóa thiết yếu được đảm bảo, giúp ổn định mặt bằng giá.
Theo các chuyên gia, để hạn chế tác động của việc “té nước theo mưa”, cần có giải pháp phù hợp để ổn định giá sau khi tăng lương để không dẫn đến tình trạng nền kinh tế thiết lập một mặt bằng giá mới, gây tình trạng giảm mức tiền lương thực tế, làm giảm phần nào hiệu lực của chính sách tăng lương.
Đối với cơ quan quản lý, cần xây dựng nguồn dự trữ hàng hóa, nhất là hàng thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, xăng dầu, chi phí khám chữa bệnh, thuốc chữa bệnh, giá điện…) ổn định, quy mô lớn, chuỗi cung ứng bền vững.
Khi khu vực công tăng lương, để ổn định giá cả, doanh nghiệp cần tích cực, chủ động ủng hộ chính sách của Chính phủ thông qua các sáng kiến hoặc giải pháp tiết kiệm chi phí để giảm giá bán, tăng sức cạnh tranh về giá cùng với cải thiện chất lượng.
An Mai (t/h)Lãi suất cho vay nhà ở xã hội của năm 2025 giảm xuống còn 4,7%/ năm. Đây là nội dung trong Quyết định số 2690/QĐ-NHNN về mức lãi suất áp dụng trong năm 2025, đối với các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở của các ngân hàng thương mại, do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành.