Chuyên gia Trần Trí Dũng: 'Thị trường bất trắc là thách thức lớn nhất với các startup'

Doanh nghiệp - Doanh nhân
08:24 PM 28/11/2020

Ông Trần Trí Dũng, chuyên gia của Chương trình Khởi nghiệp Thụy Sỹ (Swiss Entrepreneurship Program, SwissEP), cho rằng: “Thị trường bất trắc là thách thức lớn nhất với các startup”.

Chuyên gia: 'Thị trường bất trắc là thách thức lớn nhất với các startup'

Ngày 27/11, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Ngày hội Đổi mới Sáng tạo Techfest Việt Nam 2020, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Toạ đàm đối thoại chính sách “Định hướng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo sau đại dịch Covid-19”.

Bên lề buổi tọa đàm, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Trí Dũng, Quản lý chương trình SwissEP tại Hà Nội và miền Trung, Thư ký điều hành Sáng kiến cố vấn khởi nghiệp Việt Nam (Vietnam Mentors Initiative, VMI), về các vấn đề mà các startup Việt đang phải đối mặt hiện nay, đặc biệt trong giai đoạn bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Chuyên gia Trần Trí Dũng: 'Thị trường bất trắc là thách thức lớn nhất với các startup' - Ảnh 1.

Ông Trần Trí Dũng, Quản lý chương trình SwissEP tại Hà Nội và miền Trung, Thư ký điều hành Sáng kiến cố vấn khởi nghiệp Việt Nam (Vietnam Mentors Initiative, VMI).

Theo ông, các doanh nghiệp startup non trẻ tại Việt Nam đang gặp phải những thách thức, khó khăn nào?

Đầu tiên là về thị trường. Hiện nay thị trường biến động rất nhanh và có nhiều chông gai đang chờ đợi ở phía trước mà các doanh nghiệp startup non trẻ không ngờ tới được. Làm thế nào để theo kịp những thay đổi của thị trường vốn luôn một thách thức, trong bối cảnh Covid-19, thách thức này càng lớn hơn.

Thứ hai, trong thời đại công nghệ tiến bộ mạnh mẽ, thị trường đòi hỏi các doanh nghiệp tạo ra sản phẩm “nhiều, tốt và rẻ". Để có thể xử lý được thách thức này thì cần thay đổi về tư duy.

Thủ tục hành chính, pháp lý ảnh hưởng như thế nào đến các doanh nghiệp startup hiện nay?

Thủ tục hành chính và pháp lý tất nhiên có ảnh hưởng tới các startup. Trước hết, đã làm kinh doanh cần tuân thủ pháp luật. Việc thực hiện những yêu cầu về mặt pháp lý là điều bắt buộc. Các doanh nghiệp  càng sớm làm  đầy đủ thủ tục và yêu cầu pháp lý thì càng “nhẹ nhàng” trong tương lai.

Nhiều nhà sáng lập nhìn vào các thủ tục hành chính pháp lý và nghĩ rằng đây là trở ngại khiến quá trình phát triển bị chậm hơn. Không nên nghĩ vậy. Thực tế thì thủ tục và quy định pháp lý hầu như không chứa yếu tố bất trắc. Pháp luật và các chính sách quy định rõ ràng cái gì không được làm, cái gì cần tuân thủ, cách thức giám sát và chế tài, v.v.

Có một thực trạng đáng buồn xảy ra hiện nay đó là startup Việt ra đời thì nhiều, nhưng thất bại cũng lắm. Cụ thể, chỉ có 3% startup Việt là thành công thực sự, vậy nguyên nhân cốt lõi nằm ở đâu?

3% chưa hẳn là con số không vui. Không bán được hàng là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới thất bại của các startup. Nhưng cốt lõi là yếu tố con người, đặc biệt là người sáng lập.

Theo số liệu thống kê năm 2016, tổng giá trị đầu tư vào các startup tại khu vực Đông Nam Á đạt khoảng 1,5 tỷ USD. Song ở Việt Nam, con số này chỉ đạt dưới 100 triệu USD, 80% số tiền còn lại đổ vào Indonesia và Singapore. Ông có nhìn nhận như thế nào?

Bản thân việc định nghĩa thế nào là startup đã khó rồi và nguồn vốn dịch chuyển từ chỗ này sang chỗ khác thì tôi không rõ. Và để thống kê cho việc đầu tư và khởi nghiệp sáng tạo thì lại càng khó.

Indonesia đã có nhiều unicorn (Kỳ lân), tên gọi dành cho các startup được định giá từ 1 tỷ USD trở lên, như Gojek, Traveloka, Ovo, Tokopedia, và Bukalapak. Chỉ một unicorn đã là rất đáng nể rồi. Vậy mà Indonesia có tới 5. Theo đó, nguồn vốn đầu tư tập trung vào Indonesia là không có gì ngạc nhiên.

Với Singapore, thì có thể cân nhắc tới vai trò của một “hub” tài chính khu vực. Tiền đầu tư đổ vào đây rồi lan tỏa đi các quốc gia khác. Chẳng hạn, nhà đầu tư quốc tế bỏ vốn vào startup Việt Nam nhưng lại thông qua công ty ở Singapore thì tiền đầu tư đó có thể được tính vào Singapore chứ không phải Việt Nam.

Ông có kiến nghị gì tới Chính phủ nhằm hỗ trợ các startup trẻ khởi nghiệp? 

Việc thu hút vốn đầu tư hoặc hợp tác giữa các doanh nghiệp với các startup rất được khuyến khích. Tuy nhiên, việc đầu tư vào các startup tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và Chính phủ thấy được điều này là rất rõ ràng. Một khi đã đầu tư vào startup, nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư cá nhân, thường phải chuẩn bị tâm lý chấp nhận mất vốn.

Bởi vậy, sẽ là sự khuyến khích rất lớn nếu khoản đầu tư cho startup được xem như chi phí hợp lệ để khấu trừ thuế thu nhập cá nhân và thu nhập doanh nghiệp. Tất nhiên, cần có cách tính khấu trừ cho hợp lý để cân đối giữa đảm bảo nguồn thu ngân sách và khuyến khích đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Điều này hoàn toàn có thể thực hiện được.

Cảm ơn ông.

Lê Ngà
Ý kiến của bạn