Chuyển giao tri thức, nâng tầm năng lực quốc gia

Giáo dục
02:39 PM 21/05/2021

Một trong các quan điểm chỉ đạo của Đảng được nêu trong Báo cáo Chính trị Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tiến sĩ Phạm Kim Thư, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị cho rằng đây là một chủ trương rất đúng đắn của Đảng và Nhà nước, qua đó thấy rằng Đảng, Nhà nước xác định khoa học và công nghệ (KH&CN) là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trong thời kỳ mới. Với tư cách là chuyên gia đã có nhiều năm nghiên cứu về Chuyển giao tri thức (CGTT) tiến sĩ cho rằng CGTT là con đường ngắn nhất giúp hoàn thành mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Sau đây là trao đổi của Tiến sĩ Phạm Kim Thư với Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị.

photo-1621582368845

TS. Phạm Kim Thư, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị

PV: Ông cho biết nhận thức, vai trò của chuyển giao tri thức?

Cần phải nhận thức rằng, CGTT là một lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế thị trường, đặc biệt hiện nay khi các loại hình kinh tế mới như: kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức xuất hiện thì CGTT cần phải quan tâm hơn bao giờ hết. CGTT không chỉ là nền tảng, mà còn là kết quả, minh chứng hiện thân của một đất nước phát triển, của một đất nước công nghệ hiện đại. 

Chuyển giao tri thức đã được Đảng, Nhà nước quan tâm và bước đầu xuất hiện trong hệ thống pháp luật của Việt Nam từ năm 1995 (năm 1995, quy định về chuyển giao công nghệ được đưa thành một chương trong Bộ Luật Dân sự) và luôn được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn (gần nhất là Luật Chuyển giao công nghệ 2017 thay thế cho Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006).

PV: Ông có thể cho biết một số thành tựu nổi bật của CGTT trong thời gian qua, kể từ khi Luật chuyển giao công nghệ năm 2006 có hiệu lực?

Trong 15 năm triển khai thực hiện Luật Chuyển giao công nghệ, cùng với các đề án và nhiều chính sách ưu đãi, hoạt động đổi mới và CGTT trong nước, ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong sản xuất và đời sống từng bước góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực trong toàn nền kinh tế.

Các dịch vụ chuyển giao công nghệ đã dần xuất hiện và ngày càng phát triển tại Việt Nam. Các tổ chức cung cấp dịch vụ này dần được hình thành bao gồm cả các đơn vị sự nghiệp công lập và các đơn vị ngoài nhà nước, các viện nghiên cứu, các trường đại học, có chức năng chủ yếu là phục vụ, hỗ trợ kỹ thuật cho hoạt động nghiên cứu và phát triển. Các dịch vụ chuyển giao công nghệ được cung ứng chính hiện nay là: môi giới chuyển giao công nghệ, tư vấn chuyển giao công nghệ, đánh giá công nghệ, định giá công nghệ, giám định công nghệ, xúc tiến chuyển giao công nghệ. Trong đó, môi giới chuyển giao công nghệ là loại hình dịch vụ có nhiều đơn vị cung cấp nhất với 78,6%, tiếp đến là dịch vụ tư vấn 75%, dịch vụ xúc tiến 64,3%, trong khi đó số lượng đơn vị trung gian có thể cung cấp dịch vụ giám định công nghệ rất ít, chỉ có 25%.

Về chuyển giao kết quả nghiên cứu tại cơ sở nghiên cứu vào ứng dụng, các tiến bộ KH&CN được đưa vào áp dụng đã có những đóng góp quan trọng, bảo đảm cho công nghiệp tăng trưởng liên tục ở mức 14%/năm và đóng góp hơn 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp. Do ứng dụng công nghệ cao, nên năng suất, chất lượng sản phẩm ngày càng được cải thiện. Từ khâu giống, quy trình canh tác đến chế biến, bảo quản... đều có dấu ấn của CGTT.

Về chuyển giao công nghệ thông qua doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, sau 30 năm thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tỷ lệ tổng vốn FDI trên tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trung bình khoảng 25%/năm. Tỷ lệ FDI sử dụng công nghệ của châu Âu và Hoa Kỳ chỉ chiếm khoảng 6%, sử dụng công nghệ Trung Quốc tới 30 - 45% và đang có xu hướng giảm. Nguyên nhân là do các dự án FDI chủ yếu tập trung vào lắp ráp, gia công.

PV: Ông đánh giá thế nào về trình độ, năng lực công nghệ và khả năng giải mã công nghệ của Việt Nam hiện nay?

Như đã nói ở trên, sau 15 năm triển khai thực hiện Luật Chuyển giao công nghệ mặc dù đã có những thành tích nổi bật, tuy nhiên, xét về tổng thể, trình độ, năng lực công nghệ và khả năng giải mã công nghệ của Việt Nam còn thấp. Cụ thể, tỷ lệ nhóm ngành sử dụng công nghệ cao của Việt Nam chỉ đạt khoảng 20%, trong khi tỷ lệ này của Thái Lan, Singapore và Malaysia lần lượt là 31%, 73%, 51%. Tiêu chí để đạt trình độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là trên 60%. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn dựa vào thâm dụng vốn, lao động.

PV: Theo ông trong thời gian tới chúng ta cần làm gì để tăng cường hơn nữa chuyển giao tri thức?

Với tham vọng Việt Nam hùng cường rất cần phải đổi mới mô hình tăng trưởng, mô hình phát triển từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, tăng trưởng dựa trên năng suất, chất lượng - hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, thì con đường ngắn nhất và giải pháp phải thực hiện ngày là tăng cường CGTT. CGTT cần được thực hiện trong mọi hoạt động của đời sống, xã hội, trong sản xuất kinh doanh, trong văn hóa, giáo dục, trong quản lý, trong giữ gìn an ninh quốc phòng và bảo vệ chủ quyền tổ quốc. Theo tôi cần phải thực hiện nay các giải pháp sau:

Thứ nhất, Hoàn thiện chính sách pháp luật về chuyển giao tri thức

Tạo lập và vận  hành chính sách CGTT bao gồm: hệ thống các chính sách hướng tới mục tiêu tạo động lực khuyến khích CGTT; đổi mới và hoàn thiện thể chế, chính sách về CGTT; đổi mới và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển giáo dục, hoàn thiện hệ thống giáo dục, gắn kết giáo dục và đào tạo với nghiên cứu khoa học (NCKH), với CGTT.

Thực hiện chủ trương phân cấp và trao quyền tự chủ cho các tổ chức nghiên cứu, các cơ sở đào tạo trong việc CGTT. Trên cơ sở đó các đơn vị chủ động xây dựng và triển khai chính sách tài chính, nhân lực, đào tạo, đầu tư…. để sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, nhân lực để thực hiện CGTT. Đối với các nhiệm vụ NCKH cần: đổi mới cơ chế và quy trình giao và đánh giá nghiệm thu, thực hiện theo cơ chế khoán kinh phí đến sản phẩm đầu ra; đổi mới cách thức đánh giá và nghiêm thu kết quả nghiên cứu. Ngoài ra cần xây dựng cơ chế và phương thức giúp doanh nghiệp xác lập một cách có hệ thống về quyền sở hữu, sử dụng các kết quả NCKH có sử dụng ngân sách nhà nước. Đồng thời xác định quyền sở hữu các dự án nghiên cứu liên quan đến việc xử lý hai loại tài sản hữu hình và vô hình, tạo cơ sở để các tổ chức KHCN tiếp tục phát triển, thương mại hóa, tạo điều kiện cho các tổ chức này phát huy thế mạnh, từ đó có thể tự chủ mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. 

Xây dựng và ban hành chính sách tài chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia đóng góp các nguồn tài chính cho CGTT, tạo cơ chế tài chính hợp lý cho CGTT, đảm bảo chất lượng và hiệu quả phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia. Cần phải sử dụng có hiệu quả các công cụ tài chính nhằm tác động đến CGTT, đó là chi ngân sách nhà nước, thuế, phí, ưu đãi thuế, tín dụng, lãi suất, quỹ đầu tư, quỹ chuyên dùng. Sử dụng các công cụ tài chính hướng tới mục tiêu rõ ràng nhằm thúc đẩy sự phát triển đồng bộ các yếu tố CGTT. Tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước để xây dựng các trung tâm nghiên cứu và CGTT hiện đại, các khu công nghệ cao quốc gia, xây dựng và một số trường đại học trọng điểm quốc gia theo mô hình tiên tiến trên thế giới phục vụ hoạt động sáng tạo của trí thức trong và ngoài nước, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao.

Thứ hai, Chú trọng xây dựng đội ngũ trí thức và phát triển nguồn nhân lực cao

Trong quan điểm chỉ đạo của Đảng được nêu trong Báo cáo Chính trị Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất. Trong phát triển KH&CN và CGTT con người là yếu tố then chốt. Do đó, cần có chính sách và tăng nguồn lực để đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ trí thức. Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng trí thức trẻ, trí thức là những người đã có cống hiến trong hoạt động thực tiễn, trí thức người dân tộc thiểu số và trí thức nữ. Sử dụng hiệu quả đội ngũ sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh học tập và nghiên cứu ở nước ngoài. Nhận thức đầy đủ vai trò vị trí, trách nhiệm và sự đóng góp của độ ngũ trí thức, đội ngũ doanh nhân trong CGTT.

Tạo lập môi trường cho hoạt động CGTT. Tăng cường thực thi việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quyền kiểu dáng công nghiệp nhằm bảo đảm lợi ích của trí thức, doanh nhân khi chuyển giao phát minh, sáng chế và khuyến khích đội ngũ trí thức gia tăng sự cống hiến. Cùng với đó là chú trọng  phát huy sức mạnh của đội ngũ trí thức; xây dựng đội ngũ doanh nhân có tinh thần dân tộc, có khát vọng làm giàu, có năng lực kinh doanh.

Hoàn thiện chính sách sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, tôn vinh các doanh nhân, các nhà công thương. Trong kinh tế thị trường ở Việt nam, các nhà trí thức, các doanh nhân không chỉ sáng tạo ra sản phẩm trí tuệ, sản phẩm vật chất cho xã hội, biết làm giàu, mà còn có nhiều đóng góp tích cho phát triển đất nước và thực hiện các trách nhiệm xã hội. Quan tâm, tạo điều kiện làm việc, sinh hoạt đối với đội ngũ trí thức, đội ngũ doanh nhân làm việc ở các vùng khó khăn, trí thức là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách thu hút, chế độ đãi ngộ đối với những trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, có năng lực quản trị, điều hành, có khả năng CGTT cho Việt nam. Có cơ chế, chính sách khuyến khích các cơ sở KHCN, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, nghệ thuật,… ở trong nước hợp tác, trao đổi với chuyên gia, thu hút trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài. Tạo điều kiện thuận lợi để Việt kiều sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Tăng cường khen thưởng các tổ chức và cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài có thành tích trong NCKH và CGTT.

Thứ ba, phát triển mạng lưới các đơn vị trung gian trong chuyển giao tri thức trong các trường Đại học,

Hợp tác quốc tế về KHCN đã trở thành một yếu tố quan trọng trong công tác kinh tế đối ngoại và phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong giai đoạn hiện nay. Nó là nguồn lực to lớn, cầu nối, kênh dẫn không thể thiếu được đối với hoạt động KHCN trong nước. Những năm gần đây, KHCN nước ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, một phần quan trọng là nhờ chính sách mở cửa của Đảng và Nhà nước. Chúng ta đã tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè và các đối tác trên thế giới. Đến nay, nước ta đã có quan hệ hợp tác về KHCN với trên 100 nước, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế. Không những quy mô hợp tác được mở rộng mà hình thức và nội dung hợp tác cũng đã trở nên đa dạng hơn, thiết thực hơn với nhu cầu phát triển KHCN và kinh tế xã hội của đất nước. Các trung tâm Chuyển giao tri thức được thành lập trong các cơ sở giáo dục không chỉ giúp CGTT, các sản phẩm KHCN từ các Nhà trường ra ngoài xã hội, mà còn tiếp nhận, chuyển giao tri thức, sản phẩm KHCN từ xã hội vào các Nhà trường để phục vụ nâng cao chất lượng đào tạo, ví dụ: các hệ thống ngân hàng ảo, các hệ thống y tế đã qua sử dụng nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu giảng dạy, các hệ thống máy chủ và hệ thống cao cấp khác....

PV: Xin cảm ơn ông!

Bảo Châu
Ý kiến của bạn
Hãng hàng không vừa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư có quy mô thế nào? Hãng hàng không vừa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư có quy mô thế nào?

Ngày 20/5/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 979/QĐ-TTg, chính thức chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư thực hiện Dự án Hãng hàng không Sun PhuQuoc Airways.