Chuyển hướng xuất khẩu nông sản sang chính ngạch đòi hỏi phải có lộ trình
Việc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản chính ngạch không hề dễ dàng, khi đâu đó lợi ích xuất khẩu tiểu ngạch vẫn còn, nền sản xuất trong nước còn nhỏ lẻ, manh mún; sự phối hợp giữa doanh nghiệp, nông dân và chính quyền còn một số điểm nghẽn, bất cập; các chính sách, kế hoạch đề ra có độ trễ khi đi vào cuộc sống.
Chuyển hướng xuất khẩu nông sản không dễ!
Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc những ngày đầu tháng 3 vừa qua đã đón nhận tin tích cực, sau 2 năm tạm dừng, Trung Quốc đã đồng ý cho 5 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu ớt tươi sang thị trường này.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, yêu cầu với các lô hàng ớt xuất khẩu chính ngạch hết sức phức tạp, đầu tiên là quản lý được mã số vùng trồng, quy trình sản xuất. Cơ sở đóng gói cũng phải được phía Trung Quốc công nhận và cấp phép, đồng thời đáp ứng yêu cầu về xử lý kiểm dịch thực vật bằng Methyl Bromide và xử lý lạnh. Với những yêu cầu nhiêu khê như vậy, quá trình chuyển đổi mất rất nhiều thời gian, người trồng ớt chưa thể một sớm một chiều có thể đáp ứng ngay được.
Điều này dẫn tới, dù được xuất khẩu nông sản chính ngạch, song giá ớt vẫn chưa có tín hiệu khả quan, bởi muốn xuất khẩu chính ngạch thì cần thay đổi cách thức sản xuất, có hàng chất lượng, có nghĩa cần thời gian để đáp ứng các yêu cầu từ phía thị trường Trung Quốc.
Tương tự với mặt hàng cao su. Trung Quốc luôn là thị trường lớn tiêu thụ cao su tự nhiên của Việt Nam trong thời gian qua và sự dễ tính từ thị trường này làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô nhỏ thuộc khu vực tư nhân, chưa quan tâm nhiều đến việc thay đổi theo hướng đầu tư nâng cao chất lượng.
Việc đa dạng hóa thị trường, mở rộng các kênh tiêu thụ để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc đã được Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước tính đến, tuy nhiên, để thực hiện được điều này cũng không dễ và đòi hỏi khá nhiều thời gian, công sức.
“Đây là cả một quá trình để giải quyết; một mặt phải khuyến khích người dân, người sản xuất, nông dân, kể cả các doanh nghiệp hoạt động theo chính ngạch, nhưng mặt khác cũng phải tập trung tháo gỡ khó khăn do chính nội tại của chúng ta hiện nay”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh tại họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương.
Trong bối cảnh hiện nay, ai cũng biết rằng giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch là con đường tất yếu. Song, làm thế nào để chuyển được sang chính ngạch là câu hỏi rất khó trả lời.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cũng nêu vấn đề làm chính ngạch rất ít khi bị ách tắc nhưng tại sao người nông dân, doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà? Ông nhìn nhận con đường này cần có lộ trình để thay đổi những vấn đề nội tại mà ngành nông nghiệp Việt Nam đang gặp phải như sản xuất manh mún, sự phối kết hợp giữa doanh nghiệp và người nông dân còn bất cập...
Nhiều giải pháp hỗ trợ người nông dân tiêu thụ nông sản
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, điều quan trọng nhất là việc chuyển hướng từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch đòi hỏi phải có lộ trình.
Trên quan điểm ấy, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề ra chủ trương: Một mặt là khuyến khích doanh nghiệp, người dân xuất khẩu theo chính ngạch, nhưng một mặt vẫn phải tập trung tháo gỡ lập tức các khó khăn. Đây là vấn đề từ "yếu tố lịch sử, thói quen sản xuất và nhiều yếu tố phi chuyên môn".
Giải pháp trước mắt là các tỉnh biên giới của Việt Nam phải quan hệ khăng khít với các tỉnh biên giới Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại nông sản.
Một xu hướng nữa, các doanh nghiệp và người dân có thể quan tâm là sự phát triển của thương mại điện tử. Thời gian qua, Bộ Công thương đã làm việc với nhiều tập đoàn lớn như Amazon, Alibaba, với mục tiêu đưa nông sản Việt lên các "chợ ảo" này.
Liên quan đến kế hoạch tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân trong mùa vụ 2022, ông Hoàng Minh Chiến – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) cũng cho biết, về chính sách hỗ trợ tiêu thụ cho bà con nông dân đối với các sản phẩm nông sản, đặc biệt nông sản mùa vụ, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo giao một số đơn vị chức năng thuộc Bộ, trong đó có Cục XTTM, Vụ Thị trường trong nước, các Vụ thị trường ngoài nước… tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan khác, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và địa phương có sản phẩm nông sản đến mùa vụ để hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, cả trong và ngoài nước.
Cụ thể, Bộ Công Thương đã triển khai hàng loạt hoạt động kết nối tiêu thụ như: Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm với các thị trường nước ngoài trên cả môi trường trực tiếp và trực tuyến; hội nghị giao thương nhóm mặt hàng cụ thể với thị trường tiềm năng; tổ chức hội chợ triển lãm cho các sản phẩm nông sản. Ngoài ra, Bộ Công Thương triển khai hàng loạt chương trình hỗ trợ, đưa nông sản vào hệ thống phân phối hiện đại, hệ thống siêu thị.
Bộ Công Thương cũng giao Cục XTTM triển khai, xây dựng bản đồ nông sản Việt Nam. Việc hình thành bản đồ sẽ cung cấp thông tin chính thức, giới thiệu khách hàng tiềm năng cho sản phẩm nông sản từng địa phương, và thông qua môi trường mạng, hoàn toàn có thể kết nối trực tiếp từng địa phương, hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất.
Nhìn chung, con đường để chuyển hướng sang xuất khẩu chính ngạch chắc chắn sẽ còn dài, cần sự nỗ lực nhiều hơn từ các thành phần tham gia, trong đó vai trò của Nhà nước là rất quan trọng.
An MaiDự kiến từ đầu năm 2025, ngành thuế sẽ nâng cấp ứng dụng hỗ trợ cá nhân kê khai thuế điện tử, tự động hỗ trợ toàn bộ việc quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế.