Chuyện 'khó hiểu' ở Sóc Trăng - Buộc dân di dời nhà giữa mùa dịch!

Địa phương
05:05 PM 04/08/2021

12 hộ dân buộc phải di dời nhà trong khoảng thời gian giãn cách xã hội quyết liệt nhất. Đó là những gia đình nghèo khó sống ven sông Rạch Vọp, đoạn qua chợ Cầu Lộ, ấp Ninh Thới, xã Thới An Hội, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng

Anh Quách Tấn Thành rưng rưng khi nói chuyện qua điện thoại: "Hai tháng nay không làm ăn được gì, mấy nhà sắp chết đói do giãn cách xã hội. Vậy mà chúng tôi vừa nhận được thông báo phải di dời nhà để chính quyền bàn giao mặt bằng cho công trình thi công! Khổ quá mà không biết kêu ai!".

Thông báo di dời gây "sốc" của UBND huyện Kế Sách.

Thông báo về việc di dời do Phó Chủ tịch UBND huyện Kế Sách Lê Hoàng Phong ký gửi cho từng hộ dân ghi rõ thời gian di dời là từ ngày 03/8/2021 đến ngày 13/8/2021, đồng thời thông báo cũng nhấn mạnh: "Đề nghị quý ông/bà khẩn trương di dời theo thời gian nêu trên để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công".

Theo tìm hiểu của PV, Dự án Khắc phục sạt lở bờ sông Rạch Vọp, đoạn qua khu vực chợ Cầu Lộ, xã Thới An Hội, huyện Kế Sách được UBND tỉnh Sóc Trăng được phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 1018/QĐ-UBND ngày 13/4/2020. Theo báo cáo của UBND huyện Kế Sách, dự án bao gồm diện tích nhà ở của 12 hộ phải di dời khỏi khu vực dự án. Các hộ này đã xây dựng nhà trên đất thuộc hành lang an toàn đường thủy, sử dụng trước năm 1993. Vì vậy, UBND huyện đã xin chủ trương UBND tỉnh Sóc Trăng bồi thường, hỗ trợ cho các hộ bị ảnh hưởng nhưng không được sự chấp thuận của UBND tỉnh.

Trong danh sách hỗ trợ 12 hộ bị ảnh hưởng do UBND huyện Kế Sách công bố, số tiền hỗ trợ cao nhất (gồm các khoản) cao nhất là 43,7 triệu đồng, thấp nhất 19,4 triệu đồng. Tổng hỗ trợ 12 hộ là 372,9 triệu đồng. Anh Quách Tấn Thành cho biết, chính quyền xã cũng có bố trí tái định cư nhưng chỉ một vài người được ở. Hơn nữa, khu "tái định cư" hiện giờ chỉ là một mảnh đất hoang, gần như biệt lập, cách nơi ở cũ hơn 10km. Chính vì vậy, người dân mãi lần lữa không chịu di dời vì "đến đó không biết phải làm gì để sinh sống".

Trong khi sự việc đang giằng co thì dịch bệnh COVID-19 ập tới. Ngày 18/7/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu đã ký Quyết định 1806/QĐ-UBND áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, giãn cách xã hội toàn tỉnh Sóc Trăng 14 ngày, tính từ 0h00 ngày 19/7/2021. Đến ngày 31/7/2021, do tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, Chủ tịch Trần Văn Lâu ký tiếp Quyết định 1941/QĐ-UBND, tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội toàn tỉnh theo Chỉ thị 16/CT-TTg đến ngày 16/8/2021.

Khu vực nhà bị buộc di dời đang trong thời gian giãn cách xã hội

Để "tăng lực" phòng chống dịch, ngày 2/8/2021, Chủ tịch Trần Văn Lâu lại ký thêm Công văn hỏa tốc số 1570/UBND-NC yêu cầu: "Kể từ 20h00 ngày hôm trước đến 04h00 ngày hôm sau, người dân tuyệt đối không ra đường (trừ các trường hợp khẩn cấp) kể từ ngày 02/8/2021 đến khi có thông báo mới".

Trước đó, ngày 31/7/2021, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Công điện 1063/CĐ-Tg yêu cầu "Các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg phải thực hiện nghiêm, nhất quán theo phương châm chỉ có thể thực hiện cao hơn, sớm hơn phù hợp theo tình hình thực tiễn tại địa phương. Tuyên truyền rộng rãi, kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế để người dân an tâm "ai ở đâu ở đấy". Tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi tỉnh, thành phố nơi cư trú từ sau ngày 31 tháng 7 năm 2021 tới khi hết giãn cách (trừ những người được chính quyền cho phép)".

Vì sao UBND huyện Kế Sách lại buộc dân di dời nhà cửa trong khi đang thực hiện giãn cách xã hội quyết liệt? Để có câu trả lời, chúng tôi đã liên lạc với UBND huyện này. Thế nhưng, sau khi đã gửi yêu cầu và nói rõ sự việc, các vị lãnh đạo nơi đây vẫn không hề có hồi âm. Chính vì vậy, những thông tin nêu trên xin gửi tới UBND tỉnh Sóc Trăng và rất mong tỉnh có lời giải thích hợp lý tới công chúng.

Thiên Sách
Ý kiến của bạn
IMF: Việt Nam thuộc nhóm thị trường mới nổi và nền kinh tế thu nhập trung bình IMF: Việt Nam thuộc nhóm thị trường mới nổi và nền kinh tế thu nhập trung bình

Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) đánh giá Việt Nam không còn là quốc gia thu nhập thấp đang phát triển (LIDC) và đưa vào nhóm thị trường mới nổi và nền kinh tế thu nhập trung bình (EMMIE).