Chuyện một cựu chiến binh, nạn nhân chất độc da cam cần được cưu mang giúp đỡ

Xã hội
10:33 AM 25/11/2020

Từ Thái Bình, sau 2 giờ đồng hồ chạy xe máy, chúng tôi đã tìm đến gia đình ông Nguyễn Minh Tâm - CCB 78 tuổi, nạn nhân chất độc da cam ở thôn Phú Giáp, xã Yên Phong, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Trước mắt chúng tôi là căn nhà cấp 4 lụp xụp. Trong nhà, đồ đạc, chăn màn, quần áo vứt bừa bãi do cậu con trai điên khùng phá phách nên chúng tôi chọn ngồi trước cửa nhà trò chuyện. Ông Nguyễn Minh Tâm cho biết: Năm 1966, tạm biệt bố mẹ già và người vợ trẻ mới cưới, ông cùng lớp trai làng nghe theo tiếng gọi của Đảng hăm hở lên đường vào Nam chiến đấu.

Thời đó, đơn vị của ông mang phiên hiệu Z22, Công trường 5, sau này chuyển sang Trung đoàn 3, Sư đoàn 5, vùng Đông Nam Bộ. Sau chiến dịch Mậu Thân năm 1968, chiến sỹ Nguyễn Minh Tâm vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng và được cấp trên điều về làm trợ lý quân giới Sư đoàn. Tuy không ở đơn vị trực tiếp chiến đấu, nhưng công việc của ông cũng hết sức nguy hiểm, vì kho quân giới luôn là mục tiêu bắn phá của phi pháo địch. 

 Chuyện một cựu chiến binh, nạn nhân chất độc da cam 
cần được cưu mang giúp đỡ - Ảnh 1.

Vợ chồng ông Nguyễn Minh Tâm và cậu con trai tâm thần.

Đáng chú ý, vào ngày giáp Tết năm 1972, ông Tâm cùng một số anh em được cử đi theo đường dây liên lạc chuẩn bị chuyển vũ khí, đạn dược cho một trận đánh lớn giáp tỉnh Kiên Giang, thì bị địch phát hiện. Mặc dù được người dân loan báo trước, song tiểu đội của ông cũng không thoát khỏi vòng vây của địch, nhiều người hy sinh, có người bị bắt, duy nhất chỉ còn ông và ông Phạm Minh Luân quê ở Thái Bình chui xuống đám lục bình dưới mương nước, hồi hộp nín thở, trong tay chỉ có một khẩu súng ngắn, một trái lựu đạn sẵn sàng đổi mạng nếu chúng phát hiện.

Thế rồi giây phút hồi hộp căng thẳng ấy qua đi, thấy không còn động tĩnh gì, quân địch đã rút về khu căn cứ. Nhưng vì ban ngày lại giữa đồng nước trống trải nên cả hai ông cố ngâm mình trong nước mặc cho đỉa bám, chờ màn đêm buông xuống mới dìu nhau lên bờ. Vừa đói, vừa rét cả hai người mò mẫm tìm về đơn vị cũng vừa lúc tiếng pháo đón giao thừa râm ran từ xa vọng lại. Rồi còn biết bao trận hút chết do sốt rét ác tính, bom pháo sập hầm, mưa rừng thác lũ, hết gạo phải ăn măng rừng, hoa chuối. Những năm ở chiến trường, ông không nhớ hết tên tuổi, quê quán, đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh.

Sau ngày đất nước thống nhất, những người lính trở về, mỗi người có một hoàn cảnh, số phận khác nhau: Người là thương binh, bệnh binh, chuyển ngành, có người lạc đơn vị mất hết giấy tờ, không có cơ sở giải quyết chế độ, riêng ông may mắn, lành lặn, không một vết đạn vào người. Khoác ba lô trở về, lòng hân hoan nghĩ đến phút giây sum họp gia đình, nào ngờ về đến đầu làng nghe tin sét đánh, vợ ông đã đi lấy chồng khác, có hai con.

Đây là câu chuyện dài ông kể chúng tôi nghe, lòng đầy buồn thương, trắc ẩn: Trong suốt 8 năm ở chiến trường, thời gian đầu ông vẫn thường xuyên viết thư về nhà, sau thưa dần vì chiến trường ác liệt, đường dây quân bưu, thông tin liên lạc bị cắt. Tuy vậy, bà Trần Thị Liên - vợ ông vẫn chung thủy làm tròn bổn phận người con dâu chăm sóc bố mẹ chồng, chờ đợi ngày ông trở về. Nhưng sự thật quá phũ phàng, trong trận bị địch bao vây vào cuối năm 1972, tiểu đội ông có người bị bắt đã khai ra tên tuổi, quê quán những người trong đơn vị, nên máy bay tâm lý chiến của địch đã thả truyền đơn xuống quê ông danh sách những cán binh Việt cộng đã tử nạn, trong đó có tên ông: Nguyễn Minh Tâm - chồng bà Trần Thị Liên, thôn Phú Giáp, xã Yên Phong, Ý Yên, Nam Định. Đó là lý do mà vợ ông đi lấy chồng khác.

Còn bà Nguyễn Thị Nguyệt - vợ ông bây giờ có với ông 4 người con, 2 gái, 2 trai. Những tưởng hạnh phúc sẽ mỉm cười với gia đình ông, nhưng có biết đâu 8 năm ở chiến trường, chất độc hóa học đã nhiễm vào cơ thể ông, để rồi bây giờ con cháu ông phải gánh chịu. Con trai lớn của ông là Nguyễn Tài Tạo mới sinh được 7 ngày đã lên cơn co giật tím tái, lớn lên thiểu năng trí tuệ, sau này lấy vợ sinh ra cháu nội cho ông thì cháu lại khùng điên, bất hảo phải cho đi trường giáo dưỡng. Nói rồi ông nhìn lên bàn thờ: "Di ảnh thằng con lớn của tôi đấy, nó chết sau một cơn sốt cao co giật. Từ ngày chồng chết, vợ nó cứ lặng lẽ, lủi thủi đi làm phụ hồ đến tối mới về". Đêm đêm nghe tiếng khóc của con dâu khiến ông càng thêm não nề.

Còn cậu con trai thứ hai Nguyễn Đình Anh đang ngồi lắc lư ở góc nhà, đã 22 tuổi, trông cao lớn nhưng lại bị ngớ ngẩn, lúc khùng lúc điên y hệt anh trai cậu. Có lần lên cơn, Đình Anh cầm dao chém bố, rồi châm lửa đốt nhà. Hai vợ chồng ông gần 80 tuổi, già yếu bệnh tật vẫn phải thay nhau canh giữ, cưng nựng, chăm sóc, tắm giặt, vệ sinh cho Đình Anh, đến bữa ăn không yên, ngủ không trọn giấc, nói gì đến ước mơ có căn nhà tử tế, có chỗ chui ra chui vào là mừng rồi. Cách đây hơn chục năm, vợ chồng ông thường xuyên phải nằm đất, nhường giường cho con cho cháu. Với ông, những vất vả khổ cực đó chẳng hề thấm thía gì đối với một người lính chiến trường bom đạn gian khổ, nằm hầm muỗi vắt, ghẻ lở quen rồi. Ông cảm thấy vẫn may mắn hơn những đồng đội đã hy sinh và hơn cả những người lính trở về mà không có chế độ gì.

Qua câu chuyện của ông, chúng tôi được biết: Nhà ông 6 miệng ăn, nguồn thu nhập chỉ dựa vào cô con dâu cộng với lương hưu và phụ cấp chất độc da cam, đủ ăn đã khó nói gì đến việc xây nhà, mua sắm đồ đạc. Chuyện ông kể đời mình gieo vào lòng chúng tôi một nỗi bâng khuâng day dứt, với biết bao câu hỏi đặt ra chưa có lời giải đáp. Tại sao trong đời sống kinh tế thị trường phát triển như hiện nay vẫn còn những cựu chiến binh, nạn nhân chất độc da cam như gia đình ông Nguyễn Minh Tâm lại nghèo khó đến vậy? Không hiểu niềm tin, sức mạnh nào giúp ông lạc quan, chịu đựng, tự vượt lên chính mình như vậy? Phải chăng đó là phẩm chất người đảng viên 50 năm tuổi Đảng, phẩm chất người lính cụ Hồ với nhiều chiến công, huân huy chương đã tôi luyện giúp ông vượt lên tất cả, giữ vững sự trong sáng như chính tên ông: Nguyễn Minh Tâm?.

Khi viết bài báo này, chúng tôi không chỉ khâm phục ý chí, nghị lực của người đảng viên, cựu chiến binh, nạn nhân chất độc da cam Nguyễn Minh Tâm, mà mong sao bài viết này như bức thông điệp để các cấp, các ngành, đoàn thể địa phương nơi ông Tâm cư trú tạo mọi điều kiện giúp đỡ những người có công với cách mạng, với Tổ quốc. Đồng thời, mong ban liên lạc những đồng chí, đồng đội một thời với ông ở Z22, Công trường 5 và Trung đoàn 3, Sư đoàn 5 Đông Nam Bộ hiện đang sinh sống ở các tỉnh, thành phố cảm thương nghĩa tình đồng đội giúp đỡ, hỗ trợ gia đình ông Nguyễn Minh Tâm giảm bớt những khó khăn như hiện nay.

Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ: Cựu chiến binh Nguyễn Minh Tâm, thôn Phú Giáp, xã Yên Phong, huyện Ý Yên, Nam Định, SĐT: 0389.228.501. Hoặc liên hệ với ông Phạm Minh Luân - Nhân vật đồng đội của ông Tâm trong bài viết, SĐT: 0986.322.008.

Quang Nguyên - Minh Luân
Ý kiến của bạn
Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024 Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024

Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.