Chuyện người phụ nữ nơi cổng trời Mường Lống
Là một xã trong huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) với núi non trùng điệp cùng nhiều cánh rừng nguyên sinh, Mường Lống mang ý nghĩa với cái tên theo tiếng Thái là “lạc đường”. Trên độ cao gần 1500m, nơi đây quanh năm sương mờ mây phủ, tạo nên cảnh vật vô cùng đẹp đẽ, lãng mạn. Nhưng, những vẻ đẹp thiên tạo này, sẽ không được ai biết đến, không được ai chiêm ngưỡng nếu không có sự tâm huyết và năng động của những người phụ nữ nơi đây.
Tuy nằm gần Lào, chịu những trận gió Lào, nhưng Mường Lống nằm ở độ cao gần 1500m so với mực nước biển, và được bao phủ xung quanh bởi các rặng núi nên nhiệt độ nơi đây luôn mát mẻ. Vì lẽ đó, Mường Lống được ví như Đà Lạt trong miền Nam, và Sapa ngoài miền Bắc vậy, thậm chí một ngày đủ 4 mùa xuân - hạ - thu - đông.
Được thiên nhiên ưu ái là vậy, nhưng Mường Lống lại là địa danh từng được coi là "thủ phủ" của thuốc phiện. Mường Lống, theo tiếng Thái nghĩa là "mường quên, lạc". Một thời bao nhiêu người nơi đây "quên, lạc lối" về giữa thung lũng bạt ngàn sắc hoa anh túc. Nhưng đây đã là câu chuyện của gần 20 năm trước. Ngày nay, Mường Lống đã và đang thay đổi mỗi ngày. Nơi đây, đã không còn những ám ảnh, quằn quại trong nỗi đau "quên, lạc" của đói nghèo và những mùa hoa anh túc. Thay vào đó, là những sắc màu tươi mới, hồi sinh của hoa mận, hoa mơ, hoa cải...
Đến đây, ai cũng sẽ dễ bị quên, bị lạc giữa những vườn hoa mơ, hoa mận tinh khiết, không khác gì lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh. Ai cũng sẽ say với những điệu múa khèn trong trang phục truyền thống sặc sỡ của những cô gái Mông. Và còn có cả câu chuyện về một người phụ nữ, vì yêu mảnh đất này mà đã dành nhiều tâm huyết, mong muốn đưa Mường Lống trở thành địa chỉ mà ai cũng muốn đặt chân đến khám phá, trải nghiệm.
Là một cô gái miền xuôi, phải lòng chàng trai miền núi huyện Kỳ Sơn mà chị Lê Vân không quản ngại theo chồng, về làm dâu nơi vùng xa nhất của miền Tây Nghệ An. Những khó khăn ban đầu là không tránh khỏi. Tất cả đều lạ lẫm, từ văn hóa cho đến ngôn ngữ. Nhưng, là một người phụ nữ kiên trì và chịu khó tìm hiểu, chị Lê Vân dần làm quen được với cuộc sống mới, trên mảnh đất mới.
Không chỉ hiểu về mảnh đất này, mà cả những tập tục, thói quen trong cuộc sống đồng bào nơi đây, chị Vân cùng gần như đã tường tận. Chị Lê Vân chia sẻ: "Lấy chồng rồi theo chồng về đây, thật sự cũng là một khó khăn mà bản thân mình lúc đầu cũng không biết có thể vượt qua không. Khi lên đây, mọi thứ với mình đều mới. Văn hóa, tập tục của đồng bào nơi đây cũng khác ở dưới xuôi. Mình tự động viên mình, cứ yêu mảnh đất này như yêu chồng, rồi sẽ vượt qua. Và càng tìm hiểu, thì mình càng yêu mảnh đất này. Và mình phát hiện ra rằng, Kỳ Sơn có nhiều tiềm năng để phát triển. Đặc biệt là Mường Lống, như viên ngọc thô đang chờ người mài dũa".
Là một người năng động, thích khám phá, thích tìm hiểu. Đặc biệt, lại là nữ cán bộ văn hóa xã, nên chị Lê Vân luôn luôn trăn trở làm sao để mảnh đất này phát huy những tiềm lực để phát triển kinh tế nhưng vãn giữ được bản sắc văn hóa địa phương. Và với sự nhạy bén vốn có của bản thân, chị Lê Vân đã nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch của xã Mường Lống.
"Khi mình chia sẻ điều này với mọi người, thật sự là chưa có ai tin ngay! Vì ai cũng biết Mường Lống cách trung tâm huyện đến 40km. Có vẻ là con số nhỏ, nhưng với địa hình miền núi hiểm trở như huyện Kỳ Sơn, để vượt qua 40km này đến với Mường Lống là cả một quãng đường quanh co, khúc khỉu, không bằng phẳng, thẳng lối như đường đi ở dưới xuôi. Đồng bào Mông, đặc biệt là phụ nữ Mông tiếng Kinh cũng không thông thạo, lại ít giao tiếp với xã hội bên ngoài. Vậy thì có cơ sở nào đủ thuyết phục, có gì đặc biệt để hấp dẫn, để thu hút du lịch? Đây là câu hỏi mà bản thân mình phải chứng minh bằng thực tế thì mới đủ để mọi người thấy và tin" – Chị Vân trải lòng khi nói đến những ngày đầu thực hiện ý tưởng.
Và đề án "Sản xuất kinh doanh của hợp tác xã nông nghiệp và du lịch cộng đồng Mường Lống" đã được chị Vân thực hiện sau nhiều trăn trở và tâm huyết. "Trong quá trình tìm hiểu, mình nhận thấy, những năm qua một số mô hình trang trại, gia trại hoạt động dần đem lại hiệu quả kinh tế và nâng cao thu nhập cho đồng bào về lĩnh vực nông – lâm. Tuy nhiên, đồng bào mình vẫn đang sản xuất tiêu thụ theo cách làm truyền thống, nên gặp nhiều rủi ro trong sản xuất và tiêu thụ, tình trạng được mùa mất giá vẫn liên tục diễn ra. Mình cũng nhận thấy đây chính là phân khúc sản phẩm nông sản và dịch vụ du lịch còn nhiều dư địa, để phát triển và phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch cộng đồng. Vì vậy mà mình đã mạnh dạn đề xuất thành lập Hợp tác xã nông nghiệp kết hợp du lịch cộng đồng liên kết các hộ nông dân trong vùng, vừa phát triển kinh tế, vừa hấp dẫn du lịch" – Chị Vân hào hứng chia sẻ về đề án của mình.
Nhưng, để hiện thực hóa đề án này, biến những dòng chữ trên giấy thành hiệu quả thực tế, là cả một quá trình không dễ dàng. Nếu không phải là người thật sự gắn bó, không thật sự uy tín thì đề án của chị Vân vẫn chỉ ở trên giấy.
Và việc đầu tiên là thuyết phục những người phụ nữ Mông nơi đây chịu thay đổi tư duy, cùng bắt tay thực hiện. Vì không phải là người bản địa, nên ngay từ đầu, chị Vân đã bị những người phụ nữ nơi đây từ chối "hợp tác". Chia sẻ về khoảng thời gian bắt đầu này, chị Vân cho biết thêm : "Đồng bào mình rất chất phác, nhưng cũng không dễ thuyết phục. Vì họ cho rằng, mình không phải là người ở đây, họ sợ mình sẽ phá hủy những văn hóa, phong tục của họ".
Đồng bào Mông với tập tục sinh sống trên những miền rẻo cao, chon von trên những sườn núi hoặc trong những thung lũng ẩn mờ sương khói giữa những nơi đất trời gặp gỡ. Xã Mường Lống hình cách xa trung tâm, những người phụ nữ Mông nơi đây gần như cách biệt với cuộc sống bên ngoài. Cuộc sống của họ lặng lẽ và an phận. Quanh năm làm quen với với nương rẫy. Để những người phụ nữ nơi đây cởi mở hơn, tiếp nhận những điều mới mẻ hơn, đặc biệt là thay đổi tư duy phát triển kinh tế, thay đổi thói quen, không dễ chút nào.
Để thuyết phục những hộ gia đình nơi đây tin tưởng tham gia vào hợp tác xã, chị Vân bắt đầu với những người uy tín của địa phương, có tiếng nói với đồng bào, đó là cán bộ địa phương. Và bản thân chị Vân cũng luôn xông xáo, nhiệt tình trong việc giải thích, hướng dẫn và định hướng cho các hộ dân tham gia. Chị Vân cũng là chủ nhân của mô hình nuôi gà đen tại Mường Lống với hơn 500 con.
Để xây dựng nên Hợp tác xã và phát huy những lợi thế kinh tế của địa phương và gia đình, Chị Vân cho biết thêm: "Mình cũng phải bắt tay vào lao động sản xuất như mọi người. Để chứng minh cho mọi người thấy rằng, mình không phải là người chủ của họ, không phải là mình đang thuê họ làm việc. Mà tất cả đều là chủ. Họ làm chủ chính mô hình sản xuất của mình. Khi họ đã hiểu ra vấn đề, thì họ lại rất nhiệt tình hưởng ứng và tham gia. Với mình, như vậy cũng đã là thành công một nửa".
Thành công một nửa như chị Vân nói, cũng có thể coi là một thành tựu không nhỏ cho những tâm huyết của người phụ nữ này! Bắt đầu khởi động từ tháng 9 năm 2020, đến nay, đã có hơn 12 hộ gia đình, trong đó chủ yếu là phụ nữ, tham gia Hợp tác xã, vừa phát triển kinh tế, vừa phát triển du lịch tại địa phương.
Mường Lống với những vườn đào, vườn mận, đến mùa trổ hoa, ra quả đã trở thành điểm đến không thể thiếu trong danh sách trải nghiệm, du lịch của những người ưa khám phá, thích trải nghiệm. Những đặc sản địa phương như gà đen, lợn đen, những chén rượu ngô hay trang phục thổ cẩm rực rỡ sắc màu, những tiếng chiêng, tiếng khèn, những điệu múa cũng là bản sắc riêng, níu giữ bước chân của du khách khi đến đây.
Vẫn là Mường Lống - nơi cổng trời quanh năm sương mây bao phủ! Như thiếu nữ Mông e ấp trong những cánh hoa mận tinh khôi, Mường Lống quyến rũ du khách không bởi men say của những chén rượu ngô, mà bởi vẻ đẹp thuần túy của thiên nhiên ban tặng. Mường Lống đang ngày càng phát triển nhưng vẫn giữ được những bản sắc riêng,vẫn giữ những văn hóa truyền thống của đồng bào Mông. Đây chính là sự hấp dẫn đặc biệt của Mường Lống, mà dù xa xôi thế nào, ai cũng muốn được đặt chân đến một lần để tự mình trải nghiệm!
Minh Tú (Ảnh: Thái Quảng)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.