Chuyển quyền cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa về Bộ Công Thương

Chính sách
08:39 AM 23/04/2025

Việc chuyển giao thẩm quyền cấp các loại giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa về Bộ Công Thương nhằm tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước trong kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa, ứng phó với tình trạng gian lận xuất xứ ngày càng tinh vi trong bối cảnh thương mại toàn cầu có nhiều biến động.

Từ ngày 5/5, Bộ Công Thương bắt đầu thu hồi quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa không ưu đãi (C/O mẫu B, CNM…) và quyền đăng ký mã số tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa (REX) từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Chuyển quyền cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa về Bộ Công Thương- Ảnh 1.

Việc lấy lại quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa về Bộ Công Thương nhằm giảm rủi ro về gian lận xuất xứ. Ảnh: Tiền Phong

Cụ thể, theo Quyết định số 1103/QĐ-BCT do Bộ trưởng Bộ Công Thương ký ngày 21/4/2025, thẩm quyền cấp các loại C/O không ưu đãi và tiếp nhận mã số REX sẽ được thu hồi từ VCCI để chuyển giao cho 18 Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực trực thuộc Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).

Tại Hội nghị triển khai thực hiện việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ, mã số đăng ký chứng nhận xuất xứ ngày 22/4, ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, đề nghị các phòng cấp C/O cần nghiêm túc tổ chức thực hiện đúng quy định pháp luật, nhất là văn bản liên quan xuất xứ hàng hóa.

Đồng thời, các đơn vị cần chủ động kiểm tra thực địa, giám sát kỹ hồ sơ của các doanh nghiệp, đặc biệt khi có dấu hiệu bất thường về khối lượng hoặc tần suất đề nghị cấp C/O.

Ngoài việc tiếp nhận cấp C/O ưu đãi trong các FTA, kể từ 5/5/2025, các cơ quan của Bộ Công Thương cũng sẽ cấp thêm 10 loại C/O không ưu đãi và tiếp nhận mã số REX cho hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Na Uy và Thụy Sỹ theo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập.

Trong các ngày 25 và 26/4, Cục Xuất nhập khẩu sẽ tổ chức hội nghị đánh giá công tác cấp C/O quý 1/2025, đồng thời tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ cấp C/O không ưu đãi và quy trình tiếp nhận mã số REX để đảm bảo việc chuyển giao diễn ra suôn sẻ, không gây gián đoạn cho doanh nghiệp.

Đơn vị này cũng được yêu cầu triển khai việc thực hiện cấp các loại chứng nhận trên một cách thông suốt, tránh gián đoạn; đồng thời khẩn trương tổ chức công tác bàn giao, tiếp nhận từ VCCI những nội dung liên quan đến việc thực hiện cấp các loại chứng nhận xuất xứ trong giai đoạn được Bộ trưởng Công Thương ủy quyền.

Theo Bộ Công Thương, việc lấy lại quyền cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa về Bộ là một phần trong chiến lược tổng thể nhằm nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời giữ vững uy tín quốc gia trong các cam kết quốc tế về xuất xứ hàng hóa.

Trong thời gian qua, một số dấu hiệu về sự thiếu chuẩn hóa, thiếu hậu kiểm trong việc cấp CO, mẫu CNM và mã REX đã tạo nên lỗ hổng chính sách, nhất là việc đáp ứng các đòi hỏi trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do như EVFTA.

Việc chuyển quyền cấp xuất xứ hàng hóa về Bộ Công Thương sẽ giúp thống nhất trong hệ thống quản lý CO điện tử của Bộ, có hệ thống hậu kiểm và phối hợp với hải quan chặt chẽ hơn, được châu Âu và FTA công nhận là đầu mối chính thức, áp dụng chuẩn hóa toàn quốc, giảm rủi ro xuất xứ hàng hóa giả hoặc gian lận xuất xứ, Bộ Công Thương cho hay.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn