Chuyển sàn từ UPCoM sang HoSE, Nam A Bank có gì?
Kết quả kinh doanh của Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank, NAB) có sự tăng trưởng đáng kể từ năm 2017 đến 2019, tuy nhiên sau 9 tháng của năm 2020 lại ghi nhận sự chuyển biến "kém sáng".
Nam A Bank lại sắp chuyển sàn
Ngày 9/10, cổ phiếu NAB của Nam A Bank lên sàn UPCoM với giá tham chiếu 13.500 đồng/cp. Hiện cổ phiếu này đang giao dịch quanh mốc 13.800 – 15.000 đồng/cp, tăng khoảng 3% so với phiên đầu tiên.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020, các cổ đông Nam A Bank đã thông qua việc niêm yết cổ phiếu tại sàn HoSE. HĐQT Ngân hàng cho biết, Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 đã thông qua việc niêm yết cổ phiếu và đăng ký lưu ký tập trung cổ phiếu của Nam A Bank trên thị trường chứng khoán.
Hiện, Nam A Bank đã gửi hồ sơ đến Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) để thực hiện các thủ tục đăng ký lưu ký tập trung cổ phiếu của Nam A Bank, làm cơ sở để hoàn thiện thủ tục niêm yết trên sàn chứng khoán HoSE năm nay. Thời gian thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2020. Như vậy, trong khoảng 15 ngày tới, cổ phiếu NAB sẽ được lên sàn HoSE.
Ngày 2/12, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) cũng đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu 456 triệu cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ 4.564 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Nam Á với mã chứng khoán NAB.
Nam A Bank lại sắp chuyển sàn từ UPCoM sang HoSE
Nam A Bank cũng đang triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 7.000 tỷ đồng, trong đó có phương án phát hành 57 triệu cổ phiếu (tương đương 570 tỷ đồng) để chi trả cổ tức với tỷ lệ 12,4878% và chào bán 143 triệu cổ phiếu riêng lẻ (tương đương 1.430 tỷ đồng).
Hiện Nam A Bank đang có gì?
Nếu so sánh Nam A Bank so với các ngân hàng khác tại Việt Nam, thì Nam A Bank có thể được xem là "bé hạt tiêu" khi tổng tài sản tính đến 30/9/2020 chỉ ở mức 119.474 tỷ đồng, vốn điều lệ 4.564 tỷ đồng. Trong khi Eximbank có tổng tài sản và vốn điều lệ lần lượt 151.273 tỷ đồng, 12.355 tỷ đồng; Seabank đạt 167.426 tỷ đồng, 10.681 tỷ đồng;…
Trong 3 năm trở lại đây, kết quả kinh doanh của Nam A Bank có sự tăng trưởng đáng kể qua các năm từ 2017 đến 2019, với lợi nhuận trước thuế năm 2019 tăng lên mức 925 tỷ đồng, gấp 3,1 lần so với con số 301 tỷ đồng lợi nhuận của năm 2017. Tỷ lệ nợ xấu được duy trì dưới mức 2%.
Tuy nhiên, sau 9 tháng năm 2020, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tại Nam A Bank tăng vọt 682% so với cùng kỳ 2019. Do đó, lãi trước và sau thuế của ngân hàng này đã giảm 32% so với cùng kỳ, chỉ còn 387,7 tỷ đồng và 307,2 tỷ đồng.
Nguồn: BCTC quý 3/2020.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2020, Nam A bank ghi nhận có 5.782 tỷ đồng tài sản có khác, tăng mạnh so với con số 3.536 tỷ đồng của thời điểm 31/12/2019. Trong đó, khoản lãi và phí phải thu (lãi dự thu) tăng vọt 92% so với cuối năm 2019, đạt 2.529 tỷ đồng (Lãi dự thu tại Nam A Bank có tốc độ tăng trưởng cao nhất hệ thống ngân hàng).
Theo tìm hiểu, lãi dự thu liên quan mật thiết đến lợi nhuận, tăng trưởng tín dụng và cả nợ xấu thực. Một chuyên gia ngành ngân hàng cũng khẳng định, trong một số trường hợp, lãi dự thu không đơn thuần là các khoản lãi ngân hàng dự tính thu được trong tương lai, mà chính là nợ xấu tiềm ẩn.
Chưa hết, trong bảng cân đối tài chính của Nam A Bank ghi nhận khoản phải thu đạt 3.148 tỷ đồng, trong 9 tháng năm 2020, tăng tới 67% so với cuối năm 2019.
Nguồn: BCTC quý 3/2020.
Bên cạnh đó, tiểu mục phát hành giấy tờ có giá của ngân hàng cũng tăng đột biến, đạt gần 6.703 tỷ đồng trong 9 tháng qua, tăng 52% so với cuối năm 2019. Chi phí trả lãi tiền gửi tại Nam A Bank cũng tăng 32% so với đầu năm, ghi nhận 4.387 tỷ đồng.
Nguồn: BCTC quý 3/2020.
Đáng lưu ý, dư nợ cho vay khách hàng theo thời hạn cho vay trong 9 tháng cũng tăng đáng kể. Cụ thể, nợ ngắn hạn tăng 16% so với đầu năm, lên mức gần 56.998 tỷ đồng; nợ trung hạn tăng 50% lên mức 11.579 tỷ đồng và nợ dài hạn tăng 65% lên gần 17.440 tỷ đồng.
Nguồn: BCTC quý 3/2020.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/12, cổ phiếu NAB giảm 100 đồng (- 0,68%) xuống mức giá 14.700 đồng/cp.
Diễn biến giá cổ phiếu NAB (Nguồn: Cafef).
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.