Chuyện thú vị của những người Điều độ A0

Doanh nghiệp - Doanh nhân
05:59 PM 27/11/2020

Công việc của những điều độ viên tại Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (NLDC), còn gọi A0, tưởng chừng rất “nhàm chán” khi liên tục phải làm việc với những chiếc máy tính và hàng triệu dãy số. Căng thẳng và tập trung cao độ, nhưng ở nơi đây cũng có những câu chuyện vô cùng thú vị.

"Trái tim" của hệ thống điện cả nước

Đến thăm A0 vào những ngày cuối tháng 11, cảm nhận của chúng tôi khi bước vào căn phòng này chính là sự "trật tự và yên tĩnh" đến lạ thường. Trước mặt tôi là một màn hình máy tính lớn cùng với những máy tính nhỏ đang được điều khiển bởi hai điều độ viên với sự tập trung cao độ.

Anh Hoàng Thanh Tùng - Trưởng ca trực điều độ cho biết: "Các bạn nhìn công việc của chúng tôi có thể nghĩ nó rất thảnh thơi, khi được ngồi trong phòng máy lạnh với những cử chỉ di chuột rất nhẹ nhàng nhưng thực tế thì đầu óc chúng tôi phải vô cùng tập trung".

"Bất kỳ một thiết bị nào trên hệ thống điện Việt Nam bật lên hay tắt đi đều ảnh hưởng đến phụ tải của hệ thống điện và chúng tôi phải đáp ứng tức thời sự thay đổi ấy. Bây giờ vận hành thị trường điện, nên ngoài đảm bảo kỹ thuật, chúng tôi phải đảm bảo các nhà máy, tổ máy được vận hành công bằng nhất, kinh tế nhất", anh Tùng nói tiếp.

Chuyện thú vị của những người Điều độ A0 - Ảnh 1.

Những người điều độ viên tại A0 phải tập tủng cao độ để xử lý những tình huống xảy ra trên hệ thống điện Quốc gia. Ảnh: Trương Hưng

Để giới thiệu cho chúng tôi hiểu rõ về công việc của mình, anh Tùng chỉ lên những số liệu trên màn hình máy tính cho biết: "Đây là những thông số về hệ thống điện quốc gia, những nhà máy đang phát, công suất đang được huy động... Hai chỉ số tối quan trọng là tần số hệ thống và điện áp trên toàn hệ thống. Và chúng tôi phải làm sao để tần số ở mức tiêu chuẩn (50 Hz) và tần số dao động không được vượt quá mức tối đa là 0,2".

Mới nói đó thôi, anh Tùng quay sang nhìn màn hình bên cạnh và nhập các lệnh liên tục vào máy tính để điều khiển hệ thống. Anh nói: "Đây là công cụ ra lệnh bằng công nghệ (ra lệnh ĐIM). Trước đây, chúng tôi thường xuyên phải ra các lệnh điều độ bằng điện thoại, nhưng bây giờ khối lượng công việc quá nhiều nên không thể chỉ sử dụng điện thoại. Có khi, trong vòng vài phút, cùng lúc chúng tôi phải gửi 10  -20 lệnh để huy động các đơn vị, các tổ máy đáp ứng kịp thời yêu cầu phụ tải".

Bởi đặc thù công việc phức tạp như vậy nên, những điều độ viên không chỉ cần những tố chất chuyên môn giỏi, lòng yêu nghề, mà còn phải có bản lĩnh với "cái đầu lạnh" để xử lý kịp thời, dứt khoát những tình huống cân não khi hệ thống điện căng thẳng, mà như anh Tùng nói: "Có lúc, tốc độ tăng trưởng phụ tải lên đến 4.000 MW, trong khi những tổ máy nhỏ, công suất chỉ có vài MW. Nên cân nhắc xem tăng nguồn nào, giảm nguồn nào là cả một vấn đề đòi hỏi sự tỉnh táo và tập trung cao độ vì chỉ cần một sơ suất nhỏ, cả thành phố, thậm chí cả nước mất điện".

Những biệt danh rất "lạ"

Tùng "hên"' hay "vua sự cố"... là những biệt danh chẳng phải ngẫu nhiên được đặt cho những điều độ viên nơi đây. Và, đằng sau đó là những câu chuyện thú vị liên quan đến công việc hàng này của các cán bộ A0.

Giải thích về những biệt danh của những cá nhân, anh Tùng cười, chia sẻ: "Chả là, tôi có phần may mắn khi cứ mỗi lần đến ca trực của mình thì thường gặp "vận đỏ'. Như khi hệ thống điện đang rất căng thằng nhưng chuyển giao đến ca trực của tôi bất chợt có cơn mưa lớn đổ xuống làm cho phụ tải giảm thấp, hệ thống điện trở lại bình thường".

Cũng chính bởi cái hên của mình nên nhiều khi không phải ca trực, anh Tùng vẫn được đồng nghiệp mời lên để "lây vận" cho hệ thống điện bớt căng thằng.

Nhưng không may mắn như anh Tùng, kỹ sư điều độ Nguyễn Mạnh Chiến được mệnh danh là vua sự cố bởi rất nhiều lần trong ca trực của mình anh và đồng nghiệp "dính" vào lúc hệ thống điện đang căng thẳng, có nhiều sự cố không mong muốn xảy ra. Mặc dù trước đó hệ thống điện đang rất bình thường nhưng khi anh Chiến bước vào thì hệ thống điện bỗng nhiên tăng vọt.

Anh em vẫn cứ trêu lúc anh Chiến không có ca trực và làm công việc khác của phòng: "Hệ thống đang căng thẳng mời anh sang phòng uống nước, khi hệ thống êm ả rồi thì mời anh vào...", anh Tùng kể.

Đó là những câu chuyện vui của anh em điều độ giúp các anh gắn kết nhau hơn, cũng là "bí quyết" để giảm bớt căng thẳng sau những giờ làm việc mệt mỏi. Ngoài ra, để xả stress, điều độ viên tại A0 thường xuyên hoạt động thể dục thể thao với nhiều giải đấu bóng đá được tổ chức nội bộ và ngoài đơn vị.

"Chúng tôi còn lập ra hẳn một group dành cho những anh em yêu thích chạy bộ và được luyện tập ở mọi nơi: khi ở nhà, khi đi nghỉ dưỡng hay thậm chí cả khi đi công tác. Đây cũng là cơ hội để mọi người gắn kết, sẻ chia với nhau về cuộc sống, công việc dưới mái nhà A0", anh Tùng cho biết.

Chuyện thú vị của những người Điều độ A0 - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển (hàng đầu, thứ 3 từ phải qua) đến thăm A0 vào ngày 20.8.2020. Ảnh: EVN

Gia đình là điểm tựa

Công việc trực ca kíp thường xuyên đòi hỏi những điều độ viên phải cân bằng đồng hồ sinh học cơ thể của mình để phù hợp với công việc. Đây cũng là bài toán khó để họ điều tiết giữa công việc và gia đình.

Anh Tùng, anh Chiến chia sẻ: "Gia đình của những người điều độ viên thường thiệt thòi hơn so với những gia đình có chồng, vợ làm công việc hành chính. Bởi họ nhiều khi không thể sẻ chia, đỡ đần cho vợ những công việc hàng ngày, không thể dành thời gian đưa đón con, kèm con học bài...".

Kỹ sư Hoàng Thanh Tùng còn nhớ như in kỷ niệm ca trực đêm giao thừa năm 2007. Hồi đó, vợ chồng anh mới cưới. Đêm giao thừa đầu tiên anh đi làm còn chị bụng mang dạ chửa ở nhà một mình, gia đình nội ngoại đều ở xa nên 2 vợ chồng bảo nhau "tự khắc phục hoàn cảnh". Ấy vậy mà sáng hôm sau giao ca về đến nhà, vợ cứ ôm chồng khóc như mưa. Hình ảnh ấy luôn nhắc nhở anh về sự hy sinh, thiệt thòi của vợ con để trân trọng hơn những phút giây quý giá bên gia đình và phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (NLDC) được thành lập 11/4/1994, với nhiệm vụ chỉ huy hệ thống điện, đảm bảo an toàn, hiệu quả, kinh tế. Trước đây, hệ thống điện Việt Nam gồm hệ thống miền Bắc, miền Nam và miền Trung vận hành độc lập, các cấp điện áp truyền tải cao nhất là 220kV. NLDC được thành lập vận hành đường dây 500kV, liên kết ba hệ thống điện miền.


Trương Hưng
Ý kiến của bạn