Chuyện về mốt và hàng hiệu
Thú chạy theo mốt và chơi hàng hiệu đang là xu hướng và thị hiếu tối ưu của mọi giới hiện nay. Người ta sẵn sàng bỏ ra hàng trăm, thâm chí hàng ngàn USD để tậu chiếc đồng hồ Cartier, túi xách Louis Vuitton, đôi giày hiệu Gucci… với tiêu chí hưởng thụ cái đẹp và tạo style đẳng cấp cho riêng mình.
Thói quen ăn mặc của người Á Đông
Trước đây khi bàn về trang phục và cách ăn mặc của người Á Đông nói chung là thể hiện phong cách kín đáo, lịch sự giản dị và thường ưa chuộng tông màu lạnh không phô trương lòe loẹt. Chúng ta biết đến Nhật Bản bởi trang phục kimono bít cổ chạm gót, biết đến trang phục xường xám của người Trung Quốc, Hàn Quốc với Hanbok. Đối với Việt Nam khi bàn tới cách ăn mặc giúp ta gợi nhớ đến khuôn mẫu khăn đóng áo dài, đồ bà ba, dép cao su… đơn giản, mộc mạc mang đậm nét thuần Việt. Có thể thấy rằng phong cách ăn mặc của phương Đông hoàn toàn trái ngược với các nước phương Tây, bên cạnh sự e thẹn, kín đáo là một nét phá cách độc đáo, mới lạ. Tất cả những yếu tố đó đều ảnh hưởng bởi chuẩn mực văn hóa đạo đức riêng của từng nơi.
Tuy nhiên, kể từ cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, khi các doanh nghiệp tư nhân của nước ta được phép hoạt động, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và cùng xuất hiện với họ là những quan điểm, những phong cách mới mẻ của phương Tây. Cũng từ đấy tầng lớp giàu mới nổi bắt đầu để mắt tới hàng hiệu, nào Louis Vuitton, Aigner, Furla, Bally, Mango, CK, Guess… và chạy theo mốt, họ sẵn sàng bỏ ra vài trăm USD chỉ để sắm một đôi sandal hiệu Gucci. Thực tế thị trường hàng cao cấp đang phát triển khá mạnh mẽ ở Việt Nam, đó là một minh chứng về sự thay đổi và phát triển nhanh chóng của nước ta trong quá trình hơn 35 năm đổi mới.
Trào lưu chơi theo mốt và hàng hiệu
Từ xu hướng toàn cầu hóa ngày càng mở rộng, vậy nên yếu tố dễ nhận thấy nhất đó là thời trang. Để hòa nhập vào nền kinh tế thị trường phát triển theo hướng hiện đại, hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế đòi hỏi con người phải thay đổi tư duy, chính điều đó là lý do kéo theo sự thay đổi của phong cách sống. Tuy nhiên chúng ta cũng có thể hiểu rằng không một yếu tố nào là thước đo của sự hoàn mỹ cho phong cách ăn mặc và sử dụng hàng hiệu, thế nên việc tiếp thu đòi hỏi con người ta phải tự lựa chọn với chính mình qua một quá trình chọn lọc.
Nhiều người thường quan niệm, muốn đánh giá tính cách nhiều khi chỉ cần nhìn vào phong cách ăn mặc, thái độ đi đứng, cách nói năng, giao tiếp. Trong đó cách ăn mặc sẽ tạo cho bạn ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Mặc thế nào cho lịch sự, cho văn hóa, đặc biệt là mặc thế nào cho phù hợp với từng hoàn cảnh - Đó mới là vấn đề quan tâm của mọi giới hiện nay. Tuy nhiên, một số giới trẻ hiện nay không có chính kiến khi chạy theo trào lưu tây hóa, hễ thấy mới là đua theo, chẳng cần biết có hợp với mình hay không. Ví như một cô nữ sinh sẵn sàng mặc chiếc váy ngắn củn hiệu Louis Vuitton đến giảng đường và tỏ vẻ tự hào với style đẳng cấp của mình, hay sẵn sàng thay đổi kiểu tóc theo ngày, chẳng cần biết mái tóc của mình sẽ bị tổn thương thế nào khi uốn duỗi nhuộm liên tục như thế, hay một số bạn chỉ vì đua đòi chạy theo mốt và chơi hàng hiệu cho sánh được với những đại gia mà quên nghĩ đến bố mẹ đang miệt mài làm ăn, lao động vất vả v.v...
Nói thế không có nghĩa là phản đối. Bởi xã hội ngày càng phát triển thì việc thay đổi cho hiện đại hơn, làm mới mình hơn là một xu hướng tất yếu và cần thiết. Thế nhưng cũng phải biết thay đổi thế nào cho phù hợp để không tự biến mình thành "con vịt" đồ hiệu.
Nhật ThăngBộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Chỉ thị số 12 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.