CIEM: Áp thuế tiêu thụ đặc biệt nước ngọt có thể kéo GDP giảm hơn 0,44%
Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM), nếu đánh thuế với tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường sẽ khiến quy mô ngành bị co hẹp, từ đó kéo theo sự sụt giảm về GDP ở mức 0,448%, tương đương giảm 42.570 tỷ đồng.
Tại Hội thảo công bố báo cáo đánh giá tác động kinh tế của dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức ngày 17/10, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh CIEM - cho biết, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được xây dựng nhưng chưa đánh giá đầy đủ các tác động kinh tế.
Trong khi đó, Dự thảo đề xuất áp dụng mức thuế suất là 10%, với lý do đây là mặt hàng tác động đến sức khỏe con người, góp phần gây nên tình trạng thừa cân béo phì.
Qua nghiên cứu và đánh giá tác động được CIEM chỉ ra, việc đánh thuế sẽ khiến quy mô ngành nước giải khát bị thu hẹp đáng kể. TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) cho hay, giá trị tăng thêm của ngành giảm 0,772%, tương đương 5.650 tỷ đồng.
Đánh giá tác động gián tiếp tới 24 ngành trong nền kinh tế khi áp thuế sẽ làm giá trị sản xuất giảm hơn 55.500 tỷ đồng và giá trị tăng thêm giảm 51.077 tỷ đồng. Từ đó, GDP của toàn nền kinh tế giảm 0,448%, tương đương 42.570 tỷ đồng.
Việc áp thuế giúp nguồn thu ngân sách tăng, đặc biệt là ở năm đầu tiên. Bao gồm thuế gián thu tăng 8.500 tỷ đồng, nhưng thuế trực thu (thuế thu nhập doanh nghiệp) lại giảm 2.152 tỷ đồng. Song ở những chu kỳ sau (từ năm thứ 2 tính thuế), thuế gián thu sẽ giảm ở mức 0,496%, tương đương gần 5.000 tỷ đồng.
Đối với doanh nghiệp, do thu hẹp sản xuất khiến cho khấu hao tài sản giảm 0,654%, tương đương 7,767 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế giảm 0,561%, tương đương 8.773 tỷ đồng. Người lao động trong doanh nghiệp giảm 0,031%, tương đương mất đi giá trị là 1.994 tỷ đồng và thu nhập của người lao động giảm 0,60%, tương đương hơn 69.000 tỷ đồng.
Ngoài thuế tiêu thụ đặc biệt, theo bà Thảo, hiện dự thảo Luật thuế Giá trị gia tăng (VAT) đề xuất áp thuế 10% với nhóm mặt hàng đường và phụ phẩm trong sản xuất đường, thay vì 5% như hiện hành. Tương tự, dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) cũng đề xuất bỏ các ưu đãi với nhóm mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. "Nếu các luật này được thông qua, doanh nghiệp nước giải khát sẽ cùng lúc chịu nhiều sức ép", bà nói.
Nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có thể bị áp thuế theo đề xuất của nhà chức trách, gồm nước giải khát có ga, chứa chè, cà phê, nước trái cây; nước uống tăng lực, điện giải, nước uống thể thao. Sữa và sản phẩm từ sữa không chịu thuế do là sản phẩm dinh dưỡng. Tương tự, nước khoáng thiên nhiên, đóng chai; nước rau quả và nectar (mật) rau, quả và sản phẩm từ cacao cũng không bị áp thuế.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Phó trưởng Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội), việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt sẽ tác động lớn tới người tiêu dùng, doanh nghiệp. Theo bà, nước ngọt chỉ là một trong những nguyên nhân gây thừa cân béo phì, bên cạnh nhiều yếu tố khác như chế độ dinh dưỡng, ít vận động, bệnh lý khác... Do đó, bà cho rằng cơ quan soạn thảo cần có đánh giá khoa học, bằng chứng thuyết phục hơn nữa để áp thuế.
Huyền My (t/h)Khi cái lạnh mùa đông tràn về, không ít du khách chọn cách “chạy trốn” rét buốt để tìm đến những miền đất ấm áp, rực rỡ ánh đèn lễ hội.