CIEM dự báo 3 kịch bản tăng trưởng GDP, sát mục tiêu 6,5% của Chính phủ
Tại hội thảo công bố báo cáo "Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cuối năm 2023" tổ chức sáng nay 10/7 tại Hà Nội, CIEM đã đưa ra 3 kịch bản về dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay.
Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), có thể nói diễn biến kinh tế thế giới trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2023 có khá nhiều gam màu khác nhau. Việt Nam vẫn nhấn mạnh cách tiếp cận toàn diện, kết hợp phục hồi và phát triển kinh tế xã hội với xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Với cách tiếp cận đó, một yêu cầu quan trọng là phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Có thể thấy, Chính phủ đã đánh giá sát sao, thận trọng đối với các xu hướng, vấn đề kinh tế quốc tế và trong nước. Nhờ đó, công tác điều hành của Chính phủ đã phát huy tác động tích cực hướng tới giảm thiểu các tác động bất lợi từ bên ngoài.
Nổi bật nhất là việc chúng ta đã giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và bảo đảm an sinh xã hội. Không gian kinh tế cũng có điều kiện mở rộng, với việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh. Chính phủ cũng đã và đang cân nhắc tích cực hơn cơ chế thử nghiệm cho một số ngành, lĩnh vực; cơ chế đặc thù cho một số vùng, địa phương (như trường hợp của Thành phố Hồ Chí Minh).
Quan trọng hơn, kinh tế Việt Nam bước đầu đã có những nỗ lực "chuyển đổi kép", kết hợp giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh nhằm tạo động lực mới cho phục hồi kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Dù còn khoảng cách so với mục tiêu đề ra, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã có sự cải thiện giữa các quý, đạt 3,28% trong quý I/2023 và 4,14% trong quý II/2023. Tính chung sáu tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng đạt 3,72%. Tốc độ tăng giá trị tăng thêm của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 3,07%; khu vực công nghiệp và xây dựng: 1,13%; khu vực dịch vụ: 6,33%.
Sự phục hồi của khu vực dịch vụ, đặc biệt là du lịch, có đóng góp quan trọng của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách mở cửa nền kinh tế trở lại từ năm 2022.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Có 75,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 0,5% so với cùng kỳ 2022. Tổng vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới chỉ đạt 707,5 nghìn tỷ đồng, giảm 19,8%, và chỉ tương đương 87,7% mức bình quân của cùng kỳ giai đoạn 2018-2022. Số vốn đăng ký tăng thêm của doanh nghiệp cũng giảm tới 48,1%. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm giảm 7,4%, đạt 37,7 nghìn doanh nghiệp.
Tình hình lao động, việc làm trong 6 tháng đầu năm đối mặt với không ít thách thức do nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất do đơn hàng giảm, và chi phí sản xuất tăng cao. Dù vậy, tình hình lao động, việc làm cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát: số lượng lao động có việc làm đạt 51,2 triệu người, tăng 902 nghìn người, tỷ lệ thất nghiệp là 2,27%, giảm 0,12 điểm phần trăm.
Trong khó khăn, Việt Nam vẫn xuất khẩu lao động sang một số thị trường. Nếu khai thác được tiềm năng của nhóm lao động trẻ từ 15-34 tuổi, Việt Nam có thể cải thiện năng suất lao động và thúc đẩy phục hồi tăng trưởng GDP trong thời gian tới. khai thác được
Chỉ số CPI bình quân của 6 tháng đầu năm tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2022, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra cho cả năm 2023 (4,5%). Đây là thành công quan trọng trong điều hành chính sách kinh tế-xã hội trong các tháng đầu năm, bởi các dự báo tại thời điểm cuối năm 2022 - đầu năm 2023 đều nhìn nhận áp lực tăng giá trong năm 2023 là không nhỏ và mức lạm phát tương đối cao ở nhiều nền kinh tế chủ chốt trong nửa đầu năm 2023.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 1.357,7 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành), tăng 4,7% so với cùng kỳ 2022. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng đầu tư 6 tháng chỉ tăng 1,7%. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tại thời điểm 30/6/2023 đạt 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ 2022 (27,75%) và về số tuyệt đối cao hơn 65,1 nghìn tỷ đồng (khoảng 43%) so với cùng kỳ 2022. Thu hút vốn FDI của Việt Nam ước đạt 13,43 tỷ USD, giảm 4,3%, song phần vốn thực hiện của FDI tăng 0,5%.
Tổng giá trị xuất khẩu trong nửa đầu năm 2023 ước đạt 164,5 tỷ USD, giảm 12,1%. Tổng giá trị nhập khẩu ước đạt 152,2 tỷ USD, giảm 18,2%. Dù vậy, Việt Nam vẫn duy trì thặng dư thương mại (ước đạt hơn 12,2 tỷ USD).
Báo cáo cập nhật kết quả dự báo cho năm 2023 theo 3 kịch bản. Kịch bản 1 giả thiết các yếu tố kinh tế thế giới tiếp tục duy trì phù hợp với đánh giá của các tổ chức quốc tế, và Việt Nam duy trì nỗ lực chính sách tương tự như nửa cuối các năm 2021-2022. Theo đó, tăng trưởng GDP dự báo đạt 5,34% trong năm 2023. Xuất khẩu cả năm 2023 giảm 5,64%. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2023 tăng 3,43%. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 9,1 tỷ USD.
Kịch bản 2 giữ nguyên hầu hết các giả thiết trong Kịch bản 1 liên quan đến yếu tố kinh tế thế giới, song có một số điều chỉnh về nới lỏng tiền tệ và tài khóa tích cực hơn ở Việt Nam. Theo đó, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 5,72% trong năm 2023. Xuất khẩu cả năm 2023 giảm 3,66%. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2023 tăng 3,87%. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 10,3 tỷ USD.
Kịch bản 3 giả thiết bối cảnh kinh tế thế giới có một số chuyển biến tích cực hơn (tăng trưởng phục hồi, gián đoạn chuỗi cung ứng đã giảm đáng kể, lạm phát ở Mỹ giảm, thời tiết thuận lợi hơn,...) và sự quyết liệt trong cải cách và điều hành ở Việt Nam, qua đó giúp đạt kết quả tối đa về giải ngân/hấp thụ đầu tư công và tín dụng, cải thiện môi trường kinh doanh và năng suất lao động, thúc đẩy và thực hiện hoạt động đầu tư theo hướng hiệu quả hơn.
Theo đó, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 6,46% trong năm 2023. Xuất khẩu cả năm 2023 giảm 2,17%. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2023 tăng 4,39%. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 6,8 tỷ USD.
Như vậy, cả 3 kịch bản về tăng trưởng kinh tế chung cho cả năm mà CIEM đưa ra đều thấp hơn mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% mà Quốc hội đặt ra và giao cho Chính phủ trong năm nay. Ở kịch bản 3, con số dự báo ở mức 6,46%, rất sát mục tiêu mà Quốc hội đặt ra và giao cho Chính phủ.
Đại diện viện CIEM đánh giá, giai đoạn 6 tháng đầu năm 2023 đã giúp Việt Nam có những hình dung rõ nét hơn về bối cảnh và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong nửa cuối năm 2023, cũng như các năm tiếp theo. Thực tiễn các năm 2020-2022 đã cho thấy không ít lần Việt Nam gặp phải suy giảm tăng trưởng trong 1-2 quý đầu năm, nhưng sau đó đã phục hồi mạnh mẽ trong các tháng cuối năm. Với tâm thế ấy, bối cảnh khó khăn trong các tháng đầu năm 2023 cũng chính là "sức ép tích cực" để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam phải quyết liệt hơn trong điều hành và cải cách trong thời gian tới.
Các diễn giả tại Hội thảo đã trao đổi, đánh giá các yếu tố gây khó khăn, bất định cho phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm, và các kiến nghị định hướng, giải pháp chính sách liên quan. Các nội dung quan trọng xoay quanh "công thức" điều hành hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, gắn với cải cách nền tảng kinh tế vi mô (môi trường kinh doanh, cạnh tranh) trong nhiều năm qua. Các đại biểu cũng thống nhất với yêu cầu phải có động lực mới, nhanh và thực chất hơn nữa cho cải cách và điều hành kinh tế trong thời gian tới.
Thanh ThủyNgày 15/1, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới”.