CIEM: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 có thể đạt từ 5,9 - 6,2%

Đầu tư và Tiếp thị
09:13 AM 16/07/2021

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã cập nhật kết quả dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2021, với mức tăng trưởng 5,9% theo kịch bản 1 và 6,2% trong kịch bản 2.

Mới đây, Hội thảo trực tuyến "Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021: Cải cách để phục hồi tăng trưởng bền vững" được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức với sự hỗ trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform). 

Tại hội thảo, CIEM cho rằng triển vọng kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2021 chịu ảnh hưởng lớn của một số yếu tố, trong đó, dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát làn sóng tiếp theo, làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá, chi phí logistics tăng tác động đến xuất nhập khẩu hàng hoá… Khả năng kiểm soát dịch bệnh tiếp tục là nhân tố ảnh hưởng mạnh mẽ tới tốc độ tăng trưởng. 

CIEM: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 có thể đạt từ 5,9-6,2%  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo đó, CIEM đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021. 

Kịch bản 1, dịch bệnh ở Việt Nam dự báo được kiểm soát vào tháng 10/2021, tạo điều kiện cho việc nối lại hoạt động sản xuất – kinh tế ở mức bình thường. Kinh tế tăng trưởng 5,9% trong cả năm 2021; xuất khẩu cả năm dự báo tăng 16,4%; thặng dư thương mại 4,2 tỷ USD và lạm phát ở mức 2,6%. (Nếu kịch bản 1 diễn ra, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 sẽ không đạt mục tiêu 6% mà Quốc hội đã đề ra).

Kịch bản 2, giữ nguyên hầu hết các giả thiết như trong kịch bản 1, chỉ khác ở chỗ dịch bệnh được khống chế sớm trong tháng 8/2021, và giả thiết tốc độ tăng GDP của thế giới, M2, tín dụng và giải ngân đầu tư từ nguồn NSNN ở mức cao hơn. Kinh tế tăng trưởng 6,2% trong cả năm 2021; xuất khẩu cả năm dự báo tăng 18,3%; thặng dư thương mại 5,4 tỷ USD và lạm phát ở mức 2,8%. (Nếu kịch bản này diễn ra, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 sẽ vượt mục tiêu mà Quốc hội đề ra, song thấp hơn mức 6,5% mà Chính phủ thông qua trong Nghị quyết 01).

Trước đó, hồi tháng 1, CIEM dự báo kinh tế Việt Nam năm nay tăng trưởng 5,98% hoặc 6,46% ở kịch bản lạc quan hơn. Phía CIEM cho biết, đầu năm nay, Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, những đợt dịch với những diễn biến khá phức tạp, nhất là đợi dịch thứ tư từ cuối tháng 4 đến nay lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố. Đợt dịch này đã lan đến các khu công nghiệp, các trung tâm kinh tế lớn, gây ra những khó khăn, thách thức lớn đối với nền kinh tế. 

Trao đổi với báo chí bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, thời gian tới để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, cần tập trung vào 3 định hướng cuối năm 2021, gồm: Thứ nhất, bảo đảm có sự song hành giữa chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách kinh tế vi mô, hướng tới phục hồi xanh và phục hồi bền vững. 

Thứ hai, thúc đẩy phục hồi kinh doanh và nâng cao năng lực nội tại, mức độ tự chủ của nền kinh tế gắn với thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ ba, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ hướng tới kinh tế số; trang bị kỹ năng mới để cải thiện năng suất.

Phía CIEM nhận xét, Chính phủ mới dù hướng tới "mục tiêu kép", vẫn lắng nghe, cân nhắc với tinh thần cầu thị hơn cùng những đề xuất mới, như cho phép các nhà máy trong khu công nghiệp thực hiện hoạt động sản xuất trong điều kiện bảo đảm phòng chống dịch, đề xuất cho phép doanh nghiệp chủ động nhập vaccine. Bên cạnh đó, Chính phủ ưu tiên bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định xã hội; tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, trên tinh thần đơn giản hóa điều kiện tiếp cận để các nhóm này trụ vững qua thời kỳ khó khăn.

Huyền My (T/h)
Ý kiến của bạn
Hà Nội đứng đầu cả nước về thu ngân sách Hà Nội đứng đầu cả nước về thu ngân sách

Thông tin tại hội nghị 21 Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội ngày 21/1, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách của Hà Nội năm 2024 đạt mức 511.928 tỷ đồng, trở thành địa phương có số thu ngân sách cao nhất cả nước.