Cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng tăng cường sự liên kết giữa các ngành

Diễn đàn
09:39 AM 07/09/2022

Sáng 6/9, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) tổ chức Hội thảo “Cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng hình thành các cụm liên kết ngành và tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập: Nghiên cứu một số trường hợp tại Việt Nam”.

Thông qua hội thảo, nhằm đóng góp ý kiến, góc nhìn về kết quả cơ cấu lại ngành kinh tế trong suốt những năm vừa qua. Đồng thời khẳng định, cơ cấu lại ngành kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, là bước đi cần thiết để đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, hướng tới phát triển bền vững trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng tăng cường sự liên kết giữa các ngành - Ảnh 1.

Các đại biểu, khách mời và chuyên gia kinh tế tiến hành thảo luận và trình bày nhiều tham luận tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sỹ Đặng Đức Anh - Phó Viện trưởng CIEM cho biết, trong giai đoạn tới, kinh tế thế giới và trong nước sẽ khó khăn và bất định hơn. Cục diện liên kết kinh tế - thương mại toàn cầu và khu vực biến chuyển phức tạp, nhanh và sâu sắc. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trở nên gay gắt hơn. Chiến tranh thương mại, xung đột chính trị có xu hướng kéo dài... Đó là thách thức lớn đối với nền kinh tế và các ngành, doanh nghiệp của Việt Nam. Do vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó tập trung cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng tăng cường sự liên kết giữa các ngành và tăng tính tự chủ, khả năng chống chịu trước các tác động từ bên ngoài.

Tiến sỹ Đặng Đức Anh khẳng định: Nếu các doanh nghiệp hoạt động trong cùng một lĩnh vực kinh tế cùng liên kết, hợp tác phát triển sẽ tạo ra các chuỗi giá trị trong sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Từ đó, tạo ra sức cạnh tranh và sức chống chịu tốt hơn cho từng doanh nghiệp nói riêng, cũng như các ngành kinh tế nói chung trên cả thị trường nội địa lẫn thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, phát triển các cụm liên kết ngành sẽ tạo ra ảnh hưởng kinh tế ngoại ứng thông qua mối liên kết chặt chẽ giữa các thành viên trong cụm liên kết.

Sau phát biểu của Tiến sỹ Đặng Đức Anh, ông Nguyễn Văn Tùng - Phó Trưởng Ban nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực - CIEM đã trình bày Báo cáo "Nghiên cứu cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng hình thành các cụm liên kết ngành và tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập". Thông qua Báo cáo cho thấy, tại Việt Nam, các cụm liên kết ngành đều được hình thành và phát triển một cách tự nhiên, không có sự can thiệp trực tiếp và có chủ ý của Chính phủ và các chính quyền địa phương. Các Cụm công nghiệp, Khu kinh tế chủ yếu phát triển đa lĩnh vực, chưa hình thành các tác nhân lõi để phát triển cụm liên kết, như: Dự án có quy mô lớn, đối tác đầu tư nước ngoài chiến lược... nên mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp, Khu kinh tế trong sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ chưa phát triển.

Hơn nữa, thực trạng phân bổ không gian của các ngành công nghiệp chưa khai thác tốt nhất lợi thế và vị trí địa lý, tiềm năng của các địa phương, chưa hình thành được các cụm kiên kết ngành công nghiệp. Việc quy hoạch các Cụm công nghiệp, Khu kinh tế chưa thực sự gắn với cụm ngành công nghiệp chuyên môn hóa, chưa xây dựng được các tổ hợp công nghiệp chuyên môn hóa thực chất tại các khu, vùng tập trung công nghiệp, chưa tạo ra được hệ sinh thái đồng bộ gồm các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối cùng, các doanh nghiệp cung ứng, nhà cung cấp linh kiện, đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn, tài chính, khoa học công nghệ...

Cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng tăng cường sự liên kết giữa các ngành - Ảnh 2.

Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế khẳng định, cơ cấu lại nền kinh tế được xác định là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong những năm gần đây.

Báo cáo nghiên cứu của CIEM cũng chỉ ra rằng, tại Việt Nam, các mối liên kết giữa các tác nhân trong cụm liên kết ngành chưa đủ mạnh và sự kết nối giữa các tác nhân còn yếu, các kết nối mang tính tự phát trong phân chia tham gia các khâu trong chuỗi giá trị của các ngành hàng. Do vậy, việc xây dựng chuỗi liên kết ngành là cần thiết, song để xây dựng chuỗi liên kết ngành thành công, bên cạnh sự quan tâm của Chính phủ, cơ quan chức năng về chính sách, tạo ra những điều kiện thuận lợi cho phát triển chuỗi liên kết ngành, cần có sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước.

Đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường sức chống chịu của ngành kinh tế trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đại diện CIEM cho rằng cần đa dạng hóa, đa phương hóa, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác cụ thể trong hoạt động xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh khai thác và phát triển thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước và phát triển thương hiệu Việt Nam. Ngoài ra, cần nâng cao năng lực tự chủ trong các lĩnh vực công nghệ số, công nghệ thông tin, điện tử viễn thông và an ninh mạng.

Trong thời gian tới, Việt Nam cần tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển các cụm liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản tại các địa phương, vùng miền có sản lượng nông sản lớn. Thúc đẩy hình thành nhanh các liên kết sản xuất, gắn doanh nghiệp với các tổ chức kinh tế hợp tác của nông dân theo chuỗi giá trị từng ngành hàng. Lựa chọn các doanh nghiệp "đầu tầu" có đủ năng lực (vốn, khoa học công nghệ, thị trường) để dẫn dắt chuỗi giá trị, vận hành một cách thông suốt, hiệu quả.

Trong đó, liên kết dọc giữa doanh nghiệp với nông dân tạo chuỗi giá trị hoàn chỉnh, tiến bộ có sự gắn bó hữu cơ, minh bạch giữa các đối tượng tham gia chuỗi. Các thông tin về thị trường (thị phần, thị hiếu, giá cả, yêu cầu về phẩm cấp nguyên liệu, chất lượng hàng hóa,...) được chia sẻ hai chiều giữa doanh nghiệp và nông dân, tác động lên từng khâu của quá trình sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi liên kết.

Ngoài ra, cần thực hiện quy trình sản xuất tiến bộ trong canh tác, thực hành nông nghiệp tốt (Viet GAP, Global GAP); giảm bớt khâu trung gian nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, giảm chi phí và hạ giá thành sản phẩm, nhất là các ngành hàng như: Lúa gạo, mía đường, cà phê, chè, điều, thủy sản.

Cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng tăng cường sự liên kết giữa các ngành - Ảnh 3.

Toàn cảnh hội thảo “Cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng hình thành các cụm liên kết ngành và tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập: Nghiên cứu một số trường hợp tại Việt Nam”.

Cũng theo Báo cáo nghiên cứu của CIEM về "cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng hình thành các cụm liên kết ngành và tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập", một trong những giải pháp để tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế là nâng cao nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ. Tập trung giải quyết các khâu then chốt, ứng dụng nhanh thành quả cuộc CMCN 4.0, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao để tạo đột phá, "cú hích" cho tăng trưởng ngành. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (kinh tế số) để phát triển nông nghiệp thông minh hiện đại.

Đồng thời, cần đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển thị trường. Tăng cường năng lực hội nhập quốc tế; tăng cường năng lực dự báo và thông tin thị trường trong nước và quốc tế; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ, nâng cao chất lượng và uy tín thương mại nông, lâm, thủy sản Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế; phát triển mạnh mẽ thương mại điện tử trong nông nghiệp.

Để cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng hình thành cụm liên kết ngành, Báo cáo nghiên cứu của CIEM chỉ ra rằng, cần xây dựng và triển khai quy hoạch phát triển các cụm liên kết ngành công nghiệp chuyên môn hóa; có chính sách thu hút, khuyến khích đầu tư của các doanh nghiệp "đầu tầu" để dẫn dắt và hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị đảm bảo chất lượng và nguồn gốc xuất xứ tại các cụm ngành; thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp và các viện nghiên cứu, các tổ chức liên quan; có chính sách ưu đãi đầu tư vượt trội cho doanh nghiệp tham gia vào mô hình cụm công nghiệp liên kết ngành công nghiệp chuyên môn hóa so với các mô hình khu công nghiệp, khu kinh tế và cụm công nghiệp truyền thống.

Bên cạnh đó, cần hình thành thí điểm một số cụm liên kết ngành công nghiệp đối với ngành công nghiệp theo lợi thế cạnh tranh, chuyên môn hóa và chuỗi giá trị; xây dựng và triển khai có hiệu quả các quy hoạch vùng nguyên liệu cho các ngành công nghiệp, đặc biệt là đối với các ngành dệt may, da giày, chế biến thực phẩm...

Khép lại hội thảo, các chuyên gia kinh tế khẳng định, trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó tập trung cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp, ngành và tăng tính tự chủ và khả năng chống chịu trước các "cú sốc" từ bên ngoài. Bên cạnh đó, để xây dựng chuỗi liên kết ngành thành công, cần xác định các doanh nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bởi chỉ khi các doanh nghiệp có sự liên kết với nhau, thì lúc đó chuỗi giá trị liên kết ngành mới thực sự bền chặt và mang lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế.

Nguyễn Hạnh
Ý kiến của bạn
IMF: Việt Nam thuộc nhóm thị trường mới nổi và nền kinh tế thu nhập trung bình IMF: Việt Nam thuộc nhóm thị trường mới nổi và nền kinh tế thu nhập trung bình

Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) đánh giá Việt Nam không còn là quốc gia thu nhập thấp đang phát triển (LIDC) và đưa vào nhóm thị trường mới nổi và nền kinh tế thu nhập trung bình (EMMIE).