Cơ cấu phát triển điện Việt Nam ở mức nào so với các nước trên thế giới?

Đầu tư và Tiếp thị
10:22 AM 08/03/2021

Khi so với một số nước phát triển và trong khối ASEAN, các dạng năng lượng tái tạo (thủy điện, năng lượng mặt trời...) được lắp đặt tại Việt Nam chiếm tỷ lệ cao nhất.

Nghị quyết 55-NQ/TW về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ, cần phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch.

Đặc biệt, khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn năng lượng hóa thạch trong nước, chú trọng mục tiêu bình ổn, điều tiết và yêu cầu dự trữ năng lượng quốc gia; ưu tiên phát triển điện khí có lộ trình giảm tỷ trọng nhiệt điện than một cách hợp lý.

Vậy, cơ cấu phát triển điện tại các quốc gia được phân bổ thế nào?

Theo số liệu của Singapore Energy Statitics - 2020, tại Singapore, cơ cấu nguồn điện tập trung phát triển điện khí, với mức 95%. Thời gian vừa qua, quốc gia này mới chỉ lắp đặt 350 MW điện mặt trời, 260 MW điện sinh khối/điện rác, số còn lại nhập điện từ Malaysia. Bên cạnh đó, điện mặt trời mái nhà cũng đang tăng trưởng nhanh tại quốc gia này.

Tại Thái Lan, theo số liệu của Bộ Năng lượng Thái Lan, tổng công suất nguồn điện cả nước đạt 46.500 MW. Con số này cũng gần tương đương với Việt Nam (47.900 MW vào năm 2018). Cơ cấu các nguồn điện bao gồm: điện khí chiếm 50%, thủy điện 20%, điện sinh khối 7,7%, điện gió 8%, điện mặt trời 7%, còn lại là các dạng năng lượng khác và nhập khẩu.

Phát triển năng lượng tái tạo của Thái Lan được kiểm soát khá tốt nhờ Chính phủ ban hành quy hoạch điện giai đoạn 2015-2036. Thái Lan đã phát triển ngành năng lượng tái tạo từ sớm, từ năm 2006, quốc gia này đã tiên phong trong khối ASEAN áp dụng biểu giá FiT cho năng lượng tái tạo. Đến nay, năng lượng tái tạo chiếm gần 23% tổng công suất nguồn điện. Vì vậy, thời gian vừa qua Việt Nam đã đón loạt nhà đầu tư Thái Lan với các dự án năng lượng tái tạo mới.

Tại Malaysia, tổng cơ cấu nguồn điện của nền kinh tế đạt khoảng 34.000 MW. Trong đó, điện khí chiếm 47%, nhiệt điện than 31%, thủy điện 18%, năng lượng tái tạo là 4% (điện mặt trời chiếm 2,33%, sinh khối và điện rác là 1,67%). Phát triển điện gió tại Malaysia không được tập trung mạnh do vị trí địa lý của quốc gia này.

Tháng 2 năm ngoái, Chính phủ Malaysia cũng ban hành lộ trình phát triển năng lượng tái tạo, theo đó lấy mục tiêu đến năm 2030, cơ cấu năng lượng tái tạo đạt khoảng 25% trong tổng công suất nguồn.

Tại Hàn Quốc, tổng cơ cấu nguồn điện đạt khoảng 127.000 MW, trong đó điện khí (36%), nhiệt điện than (30%) và hạt nhân (20%) chiếm tỷ trọng lớn. Còn lại là các dạng năng lượng tái tạo khác (14%), bao gồm sinh khối (4,8%), điện mặt trời (4,6%), điện gió khoảng 1.200 MW (4,6%). Ngoài ra, Hàn Quốc đang có lộ trình chuyển đổi tăng tỷ trọng năng lượng sạch, đặc biệt giảm nguồn nhiệt điện than và điện hạt nhân.

Như vậy, khi so với cơ cấu nguồn điện các nước khác, tăng trưởng nguồn điện tái tạo (điện mặt trời, điện gió) tại Việt Nam đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2019-2020. Cụ thể, nguồn điện tái tạo tại Việt Nam hiện chiếm 26% tổng công suất nguồn điện. Trong đó, nguồn điện mặt trời cao gấp gần 20 lần so với dự kiến trong QHĐ VII-ĐC.

Đối với Hàn Quốc, nguồn điện năng lượng tái tạo năm 2020 chỉ chiếm 14% trong cơ cấu nguồn. Quốc gia này cũng đang có lộ trình tăng dần lên 20% vào năm 2030. Trong đó, điện mặt trời chiếm 36.500 MW, điện gió 17.700 MW.

Đối với Malaysia, Philippines và Singapore, trong 5 năm đầu tiên, tỷ trọng phát triển năng lượng tái tạo thuộc cơ cấu nguồn điện tương đối thấp (đạt dưới 7%), và tăng dần theo lộ trình 20 năm. Song, tỷ trọng vẫn không vượt quá 25% tổng công suất nguồn điện.

Nhìn chung, đối chiếu với các nước phát triển và trong khu vực cho thấy, tỷ trọng năng lượng tái tạo Việt Nam đang ở mức cao (chiếm gần 25% trong cơ cấu nguồn điện), trong khi đó các nước khác đã dần chuyển đổi sang năng lượng sạch ở tỷ lệ bền vững hơn.

Anh Vũ
Ý kiến của bạn