“CƠ CHẾ ĐẶC THÙ” CHO ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ: Muốn nhanh phải... tự chủ về vốn
Trao đổi với DĐDN, GS.TS Từ Sỹ Sùa, Giảng viên cao cấp ĐH GTVT cho biết, bài học từ các dự án đường sắt trước đây đặt ra yêu cầu phải đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư...
LTS: Cả hai dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội đều tiêu tốn thời gian 9 - 10 năm kể từ khi khởi công, liên tục phải điều chỉnh tiến độ cũng như tổng mức đầu tư nhưng đến nay vẫn mịt mờ ngày về đích. Liệu “cơ chế đặc thù” có khiến cho loại hình vận tải tiên tiến này thực sự được vận hành?
Ông Sỹ Sùa đưa quan điểm: hai tuyến đường sắt ga Hà Nội - Hoàng Mai và đường sắt số 5 Văn Cao - Hòa Lạc là đã nằm trong quy hoạch và đều là nhu cầu cấp bách trong bối cảnh tăng trưởng phương tiện cá nhân dẫn đến ùn tắc ở nội đô khoảng 10-15%/năm. Đặc biệt, hai tuyến này là hai trục xuyên tâm, là tuyến đặc biệt phía Tây và phía Nam Hà Nội. Hiện, tuyến Hoà Lạc luôn trong tình trạng ách tắc giờ cao điểm, tuyến Trần Hưng Đạo-Hoàng Mai cũng tương tự. Do đó, thực hiện hai tuyến đường sắt cấp thiết này càng nhanh càng tốt.
Nếu được vậy, hai tuyến này sẽ giúp kích cầu phát triển kinh tế hành lang phía Tây và phía Nam Hà Nội, giảm ách tắc giao thông và tạo dư địa phát triển phía Tây Hà Nội.
- Ông đánh giá tính khả thi của hai dự án này như thế nào trong bối cảnh nhiều dự án đường sắt của Hà Nội vẫn đang “đóng băng”?
Theo quy hoạch, Hà Nội có năm tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) cùng với tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, nhưng đến nay chỉ có tuyến ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội và tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông được triển khai trong quá nhiều vướng mắc. |
Để đánh giá tính khả thi của hai dự án này cần thêm những nghiên cứu cụ thể hơn nữa từ nhiều góc độ.
Thứ nhất, làm rõ quan điểm có cần thiết sử dụng đường sắt đô thị hay không, lựa chọn nhà đầu tư hình thức nào, hiệu quả ra sao?
Tuy vậy, trước mắt có thể nhìn thấy ưu điểm, đó là việc Hà Nội dự tính tự chủ hoàn toàn vốn, nếu thành phố chuẩn bị được toàn bộ phần vốn này thì việc thực hiện hai dự án sẽ thuận lợi và nhanh chóng.
Việc không sử dụng vốn ODA cũng giúp không chịu sự phụ thuộc của nhà tài trợ. Đồng thời công tác giải ngân cũng kịp thời và chủ động hơn.
Thứ hai, hai tuyến đường sắt này có quỹ đất đặc biệt phía Hoà Lạc và Hoàng Mai nên việc giải phóng mặt bằng tốt, tiến độ dự án sẽ ít ảnh hưởng. Chúng ta có thể rút ra những bài học kinh nghiệm cho việc thực hiện hai dự án này từ các dự án đường sắt đô thị trên cả nước hiện đang chậm tiến độ và triển khai.
Tuy nhiên, điều mà tôi băn khoăn hiện nay là sắp xếp nguồn vốn cho hai dự án 100.000 tỷ đồng này.
- Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết sử dụng hoàn toàn bằng vốn của Hà Nội, một là lấy từ vốn cổ phần hóa, hai là vốn đầu tư công và thứ ba là sẽ từ phát hành trái phiếu, thưa ông?
Nếu Hà Nội thu xếp được nguồn vốn thì quá tốt! Đây là cơ chế đặc thù mang tính đột phá, định hướng cho các dự án tại các đô thị lớn sau này trong bối cảnh ngân sách còn eo hẹp.
Nhưng trường hợp đề xuất về cơ chế đặc thù của Hà Nội được thông qua và thành phố được sử dụng vốn lấy từ thoái vốn, cổ phần hoá DNNN thuộc quản lý của Hà Nội thì tổng tài sản các doanh nghiệp này cũng mới chỉ khoảng 25.000 tỷ đồng theo giá trị vốn. Hơn nữa, việc thoái vốn, cổ phần hoá trong những năm qua luôn gặp nhiều trắc trở, bản thân Hà Nội đến nay mới chỉ thu được 11.000 tỷ đồng.
Vốn đầu tư công của thành phố 5 năm bỏ ra 15.000 tỷ đồng cũng là một nguồn. Tuy nhiên, về nguồn thứ ba là phát hành trái phiếu trước nay vẫn được đánh giá là không thực sự hấp dẫn so với lãi suất tiết kiệm. Do đó, tuỳ vào hoàn cảnh cụ thể có thể tạo sự hấp dẫn thông qua chế độ chính sách hấp dẫn phù hợp từng giai đoạn.
- Nhưng vốn mới chỉ là một trong nhiều điều kiện để các dự án được triển khai đúng thời hạn, thưa ông?
Việc chậm trễ ở các dự án trước có lý do chuỗi, giải quyết vấn đề phải là bài toán liên ngành. Trước hết, dự án phải được tham vấn công chúng, có bài toán về những lợi ích khác nhau, lợi ích liên ngành không phải lợi ích nhóm, phải thoả mãn mong muốn của người dân.
Bài học Cát Linh - Hà Đông chưa sử dụng đã phải trả nợ là bài học đau xót phải chấn chỉnh trước khi thực hiện dự án mới.
Vì vậy, trước hết chúng ta phải đề cao trách nhiệm cơ quan giám sát và kiểm soát. Nhà thầu sẽ phải đảm bảo cam kết. Thứ hai, chúng ta chuẩn bị nguồn vốn tự chủ. Nếu chuẩn bị tốt vốn và công tác giải ngân kịp thời tiến độ dự án sẽ được thực hiện nhanh chóng. Thứ ba, lựa chọn nhà thầu. Nên lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức đấu thầu. Thứ tư, rà soát kỹ và phê duyệt các bước chuẩn bị dự án như nghiên cứu tiền khả thi phải rõ ràng hơn, triệt tiêu đội vốn...
Việc phát triển đường sắt đô thị là xu hướng không thể đảo ngược nhưng theo tôi cũng cần tính đến xây dựng tàu điện ngầm. Từ năm 1863 người ta đã xây dựng tàu điện ngầm ở London, Hà Nội hiện cũng là Thủ đô duy nhất trên thế giới không có tàu điện ngầm. Bởi vậy, tôi đề xuất Hà Nội nên xây dựng thêm tàu điện ngầm.
- Xin cảm ơn ông!
Đó là nhận định của TS. Dư Văn Toán, Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng đi đột phá để đảo Cát Bà thực sự vươn tầm thế giới, trở thành “hình mẫu” cho các nơi khác.