Cố Đại tướng Hoàng Văn Thái - Vị Đại tướng tuổi Mão tài ba, giản dị
Tại xã Tây An (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) có một "địa chỉ đỏ" để các thế hệ con em Tiền Hải nói riêng, người Việt Nam nói chung tham quan, học tập và noi gương, nhất là trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đó là Khu tưởng niệm cố Đại tướng Hoàng Văn Thái - vị Tổng tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam.
Khu tưởng niệm người con ưu tú của quê hương Tiền Hải anh hùng được Huyện ủy, UBND huyện Tiền Hải long trọng tổ chức khánh thành vào sáng 20/12/2012. Theo diễn văn đọc tại buổi lễ và qua lời kể của những người con của Đại tướng, Đại tướng Hoàng Văn Thái sinh năm Ất Mão (1915), tên thật là Hoàng Văn Xiêm, quê ở xã Tây An, huyện Tiền Hải, Thái Bình. Ông là một trong 34 chiến sĩ đầu tiên của đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và là một trong 9 Thiếu tướng được phong đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam vào tháng 1/1948. Ông cũng là Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tham gia các chiến dịch lớn nhỏ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đến tháng 1/1980, ông được phong quân hàm Đại tướng. Ông được Nhà nước cử giữ các chức vụ trọng yếu trong Đảng và quân đội: Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Ủy viên thường vụ Đảng ủy quân sự Trung ương, Tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam, Tư lệnh Bộ tư lệnh miền Nam, Phó bí thư Quân ủy miền, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đại biểu Quốc hội. Ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương cao quý, trong đó có Huân chương Hồ Chí Minh.
Tất cả những điều đó cho thấy ông là một trong những vị tướng có ảnh hưởng quan trọng nhất trong việc hình thành và phát triển của QĐND Việt Nam, người có công lớn trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc.
Trong khu tưởng niệm có lưu bút của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Ông là vị tướng trận mạc, sống nhân hậu, tình nghĩa được Quân đội ta và nhân dân ta mến phục".
Nhìn lại lịch sử, ngay từ ngày đầu thành lập nước, ngày 7/9/1945, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao thành lập Bộ Tổng Tham mưu và là Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của QĐND Việt Nam, khi đó ông mới 30 tuổi. Trên cương vị này, ông đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng cơ quan tham mưu chiến lược của quân đội, ngành tham mưu toàn quân phát triển và dần hoàn thiện giúp Bộ Quốc phòng chỉ đạo tác chiến và xây dựng lực lượng ngày một trưởng thành. Những ý kiến chỉ đạo của ông đã góp phần quan trọng vào chiến thắng Hà Nội "60 ngày đêm khói lửa". Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (13/3 đến 7/5/1954), bên cạnh Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, ông làm Tham mưu trưởng chiến dịch, trực tiếp chỉ huy công tác tham mưu - tác chiến tại mặt trận, góp phần quan trọng vào chiến thắng Điện Biên Phủ.
Theo hồi ký của Đại tướng Hoàng Văn Thái, những năm tháng đáng nhớ nhất trong cuộc đời làm tướng của ông là những năm tháng đầu thập kỷ 70 của thế kỷ XX, đặc biệt là mùa xuân 1975, những ngày ông chủ trì cơ quan Bộ Tổng tham mưu thay Đại tướng Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng vào chiến dịch Hồ Chí Minh. Ông còn là Tư lệnh các chiến dịch lớn như chiến dịch Lộc Ninh (1967), Tây Ninh (1968), Tết Mậu Thân (1968), Xuân Hè (1972). Thời gian này, Đế quốc Mỹ từng coi Hoàng Văn Thái là "nhân vật số 1" của Cộng sản Việt Nam.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu lịch sử quân sự, Đại tướng Hoàng Văn Thái không chỉ là vị tướng trận mạc mà còn là "linh hồn" của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.
Nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng của Đảng, của quân đội, nhưng ông là người giản dị và đặc biệt luôn đau đáu một nỗi niềm với quê hương - "vùng quê trước biển". Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp "người anh cả" của Quân đội nhân dân Việt Nam đã rất xúc động khi viết về Đại tướng Hoàng Văn Thái: "… Trong những năm tháng đảm nhiệm những chức vụ quan trọng trong Đảng, trong quân đội, anh Mười Khang vẫn giữ lối sống giản dị, cần, kiệm, liêm, chính, xa lạ với thói xa hoa hình thức, càng xa lạ với tệ tham nhũng, lãng phí… Anh siêng rèn luyện thân thể, lao động chân tay, đến cuối đời vẫn giữ nếp trồng rau, làm vườn như người nông dân xưa ở Tiền Hải quê anh…".
Những người con của Đại tướng kể lại rằng, dù bận nhiều công việc ông rất quan tâm tới việc dạy dỗ và hay viết thư cho các con. Dù ở đâu ông cũng luôn theo dõi mỗi bước trưởng thành của các con mình, với ông học tập và rèn luyện là cách để nâng cao hiểu biết và hoàn thiện con người. Ông từng nói với các con rằng: "Uy tín của ba là để làm việc, con đừng nhờ ba xin xỏ cho con điều gì". Ông hay bảo nếu được chọn thì ông muốn làm một Giám đốc nông trường, bởi theo ông: "Có lao động thì mới biết quý thành quả lao động và trọng người lao động".
Với ông, làng An Khang, xã Tây An, huyện Tiền Hải, nơi ông sinh ra là đẹp nhất. Tình cảm đó được thể hiện rõ nhất qua các tên, bí danh của ông trong quá trình hoạt động cách mạng đó là: Ngô Quốc Bình, là An, là Mười Khang và nhất là tên ông, Hoàng Văn Thái. Khi xa quê, ông vẫn chỉ thích những món ăn dân dã quê hương như canh cua, cà pháo... Năm nào cũng vậy, dịp Tết ông thường dành thời gian về thăm quê và đưa các con về theo, ông luôn nhắc các con: "Không được quên cội nguồn, phải luôn tự hào về truyền thống của quê hương, dòng họ và gia đình".
Ngày 2/7/1986, Đại tướng Hoàng Văn Thái qua đời. Đến lúc ông mất, tài sản giá trị nhất của ông là chiếc radio mà ông thường hay nghe. Ghi nhận những công lao to lớn, phẩm chất tốt đẹp của ông, tên của ông được đặt cho nhiều đường, phố, trường học trên cả nước.
Phan Anh - Châu NguyênKhi cái lạnh mùa đông tràn về, không ít du khách chọn cách “chạy trốn” rét buốt để tìm đến những miền đất ấm áp, rực rỡ ánh đèn lễ hội.