Có gần 6.000 văn bản chồng chéo về kinh doanh trong năm 2022

Diễn đàn
04:21 PM 20/12/2022

Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp, chỉ tính riêng trong năm 2022, cơ quan này đã cùng các bộ, ngành rà soát gần 22.000 văn bản liên quan đến kinh doanh và đã kiến nghị bổ sung, sửa đổi hoặc bãi bỏ gần 6.000 văn bản chồng chéo nhau.

Ngày 20/12, Bộ Tư pháptổ chức Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 với chủ đề "Nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển".

Diễn đàn tổ chức nhằm kịp thời nhận diện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc pháp lý liên quan; qua đó góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển; đồng thời, để tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, trên cơ sở hơn 12 năm không ngừng nỗ lực triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp.

Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 được tổ chức trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước cũng đang "đau đầu" để lựa chọn, đề xuất, quyết định giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi, phát triển (cũng như điều chỉnh, xử lý các vấn đề phát sinh) trước những tác động mạnh mẽ, sâu rộng của đại dịch COVID-19 và tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, nền kinh tế toàn cầu đã và đang đối mặt với nhiều bất ổn, khó lường.

Có gần 6.000 văn bản chồng chéo về kinh doanh trong năm 2022 - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh yêu cầu các cơ quan chức năng cần chủ động nhận diện vướng mắc pháp lý để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp.

Tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nhanh và phát triển bền vững sau đại dịch là nhiệm vụ rất quan trọng, được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm. Việc cơ quan Nhà nước chủ động, tích cực đồng hành với doanh nghiệp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có việc tháo gỡ ách tắc, điểm nghẽn về pháp lý nhằm giúp doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh là rất cần thiết.

Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng cần chủ động nhận diện vướng mắc pháp lý để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp. 

Đơn cử, chỉ riêng trong năm 2022, qua tổng kết, Bộ Tư pháp cùng các bộ, ngành đã rà soát gần 22.000 văn bản liên quan và đã kiến nghị, đề nghị bổ sung, sửa đổi hoặc bãi bỏ gần 6.000 văn bản, cho thấy có những sự chồng chéo trong văn bản và đã tiến hành rà soát, sửa đổi.

"Điều đó thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ, các bộ, ngành rà soát các văn bản pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như các hoạt động xã hội khác", Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nói.

Có gần 6.000 văn bản chồng chéo về kinh doanh trong năm 2022 - Ảnh 2.

Các chuyên gia thảo luận tại Diễn đàn.

Chương trình hỗ trợ pháp lý chuyên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025 do Bộ Tư pháp chủ trì, các chương trình hỗ trợ pháp lý chuyên ngành, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm cung cấp thông tin pháp lý, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và hỗ trợ tư vấn pháp luật cho nhiều doanh nghiệp. Các hiệp hội, ngành hàng cũng đang chủ động, tích cực hỗ trợ, tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chưa đáp ứng tốt nhất kỳ vọng của Đảng, nhà nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn trong việc tiếp cận chương trình, dịch vụ hỗ trợ pháp lý. Hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ, tư vấn pháp luật ở một số nơi chưa cao. Nguồn lực cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, người dân còn hạn chế.

Có gần 6.000 văn bản chồng chéo về kinh doanh trong năm 2022 - Ảnh 3.

Toàn cảnh Diễn đàn

Hai đơn vị Tổng Công ty Khí Việt Nam – PV GAS, Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam – VNPAY đã đồng hành tổ chức các phiên thảo luận để các diễn giả tham dự tại Diễn đàn tập trung thảo luận chủ đề cụ thể.

Thứ nhất, phiên thảo luận 1 có chủ đề: "Tiếp cận các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế và quản trị rủi ro pháp lý". Nội dung phiên thảo luận tập trung các vấn đề pháp lý liên quan đến sự phục hồi của doanh nghiệp thông qua các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế đối với doanh nghiệp bao gồm nhận diện các vướng mắc pháp lý, nguyên nhân của các vướng mắc đó và phương hướng xử lý.

Thứ hai, phiên thảo luận 2 có chủ đề: "Tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực cho hoạt động đầu tư kinh doanh". Nội dung Phiên thảo luận này tập trung vào các vấn đề pháp lý liên quan đến sự phát triển của doanh nghiệp, bao gồm việc nhận diện các rào cản pháp lý để có giải pháp khơi thông nguồn lực cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

Nững ý kiến phản ánh từ phía doanh nghiệp, các ý kiến tại diễn đàn, các Bộ, ngành, địa phương có thêm thông tin, nắm bắt được một cách sâu sát tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp để từng bước có giải pháp tháo gỡ. Ngược lại, doanh nghiệp cũng nhận diện được tầm quan trọng của thể chế, pháp luật trong việc đảm bảo ổn định và thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, hiểu rõ hơn về vai trò của doanh nghiệp trong đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả.

Qua Diễn đàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư càng vững tin hơn vào quyết tâm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc sát cánh cùng doanh nghiệp; vững tin hơn vào nỗ lực cống hiến của Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành, địa phương liên quan việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ngày càng thiết thực, hữu ích, phục vụ cộng đồng doanh nghiệp. Diễn đàn hướng đến trở thành một sự kiện hỗ trợ pháp lý thường niên nhằm duy trì kênh trao đổi thiết thực, hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.

Mai Phương
Ý kiến của bạn
IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024 IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024

Năm 2024, Việt Nam được IMF dự báo quy mô GDP theo sức mua tương đương - GDP (PPP) đạt khoảng 1.559 tỷ USD, xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Indonesia vẫn được dự báo xếp thứ nhất với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 4.720 tỷ USD.