Có giá trị lớn hơn tất cả các đại gia ô tô cộng lại, nhưng Tesla mới lần đầu có lãi nhờ bán "tín chỉ khí thải"
Những điều luật khắt khe tại Mỹ và châu Âu đặt ra về lộ trình bán xe không khí thải – hay xe điện được đặt ra đã khiến nhiều hãng sản xuất xe truyền thống gặp khó khăn. Trong bối cảnh ấy, Tesla là người hưởng lợi khi hãng xe điện này có thể bán lại cho những công ty sản xuất ô tô khác “tín chỉ” carbon của mình.
Trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đã phát triển, ngày càng chú trọng vào việc bảo vệ môi trường thì những tiêu chuẩn được đặt ra cho phương tiện giao thông ngày càng khắt khe. Trong số đó, các phương tiện giao thông sử dụng nguyên liệu hóa thạch nói chung và ô tô nói riêng được đặc biệt chú ý bởi lượng khí thải Co2 khổng lồ mà chúng thải ra.
Theo số liệu của tổ chức bảo vệ môi trường Hoa Kỳ EPA (United States Environmental Protection Agency) năm 2018, lượng khí thải từ phương tiện giao thông chiếm tỷ lệ lớn nhất (28%) khiến nhiều nước đặt ra các luật lệ chặt chẽ về việc sản xuất xe. Những điều luật khắt khe tại Mỹ và châu Âu đặt ra về lộ trình bán xe không khí thải – hay xe điện được đặt ra đã khiến nhiều hãng sản xuất xe truyền thống gặp khó khăn. Trong bối cảnh ấy, Tesla là người hưởng lợi khi hãng xe điện này có thể bán lại cho những công ty sản xuất ô tô khác “tín chỉ” carbon của mình.
Việc các phương tiện giao thông thải ra quá nhiều khí Co2 khiến những nhà làm luật phải hàng động (Ảnh: EPA)
Tesla là một công ty sản xuất xe điện và năng lượng sạch của Mỹ có trụ sở tại Palo Alto, California được thành lập từ tháng 7 năm 2003 bởi Elon Musk. Cái tên của công ty gắn liền với nhà khoa học vĩ đại Nikola Tesla, người đã phát minh ra hệ thống cung cấp dòng điện xoay chiều. Năm 2020, hãng đã sản xuất trên 1 triệu phương tiện chạy bằng điện với gần 500.000 chiếc xe đã được bán ra trên toàn cầu – tăng 35,8% so với năm trước, cho thấy mức độ phủ sóng của Tesla đối với ngành sản xuất ô tô sử dụng năng lượng sạch lớn đến mức nào.
Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Kể từ ngày thành lập, Tesla liên tục gặp phải những vấn đề liên quan đến quyền của người lao động, các vấn đề kỹ thuật liên quan đến sản xuất xe và nhiều phát ngôn gây tranh cãi của CEO Elon Musk. Đặc biệt, từ năm 2014 đến năm 2019, Tesla luôn có lợi nhuận sau thuế âm với khoản lỗ kỷ lục 2,24 tỷ USD trong năm 2017.
Dẫu biết rằng là người đi đầu xu thế, Tesla sẽ phải chi rất nhiều tiền cho việc nghiên cứu và thử nghiệm dẫn đến kết quả kinh doanh tương đối bết bát, song những khoản lỗ lũy kế cùng với những rắc rối bên ngoài khiến nhiều người có cảm giác bi quan về tương lai của công ty.
Tesla liên tiếp thua lỗ cho tới năm 2020 (Ảnh: Statista)
Tuy nhiên tới năm 2020, lần đầu tiên Tesla ghi nhận lợi nhuận sau thuế ở mức dương (721 triệu USD, so với mức thua lỗ lên tới 862 triệu USD chỉ một năm trước đó); và điều đặc biệt nhất đó là khoản lãi của họ phần nhiều tới từ việc bán các "tín chỉ" liên quan tới khí thải quy định (regulatory credits).
Mảng sản xuất xe ô tô – vốn là hoạt động kinh doanh chính của công ty, vẫn đang tiếp tục thua lỗ. Tỷ suất lợi nhuận gộp trong mảng kinh doanh ô tô của Tesla chỉ đạt 24,1% trong quý 4/ 2020, thấp nhất cả năm 2020. Tuy nhiên, chỉ tính riêng trong quý này, việc bán "tín chỉ khí thải" đã mang lại cho công ty tới 401 triệu USD. Xét cả năm 2020, mảng kinh doanh này đã đem lại tổng cộng 1.580 triệu USD cho Tesla – tương đương với mức tăng trưởng 202% so với năm ngoái, góp phần giúp cho doanh thu và lợi nhuận của Tesla được cải thiện một cách đáng kể. Tính đến ngày 1/2/2021, giá cổ phiếu Tesla đạt mức 839,81 USD - tương đương với mức vốn hóa gần 800 tỷ USD, giúp cho Elon Musk trở thành một trong mười người giàu nhất thế giới thời điểm hiện tại.
Sở dĩ Tesla có thể kiếm được số tiền khổng lồ như vậy từ việc bán những khoản tín chỉ này là do tại California và ít nhất 13 tiểu bang khác ở Mỹ, bất kỳ nhà sản xuất ô tô nào muốn đưa sản phẩm của họ vào tiểu bang đó đều phải bán một số lượng nhất định xe điện, xe lai chạy điện hoặc các loại xe không phát ra khí thải khác (viết tắt là ZEV).
Các nhà sản xuất ô tô truyền thống hoặc chưa bán ra những chiếc xe này, hoặc chỉ bán được một số lượng ít ỏi sẽ buộc phải mua "tín chỉ" từ một công ty khác tuân thủ các điều kiện từ chính quyền nếu không muốn chịu phạt một khoản tiền rất lớn.
Vì Tesla chỉ bán ZEV, do đó khác với nhiều công ty trong ngành, họ không cần phải giữ các khoản "tín dụng" này và có thể bán chúng cho những doanh nghiệp cần trước khi hết hạn.
Do nhiều bang tại Hoa Kỳ ngày càng đẩy mạnh việc yêu cầu các công ty sản xuất ô tô bán nhiều hơn những loại xe thân thiện với môi trường, do đó trước khi các hãng xe lớn thực sự nghiêm túc với việc sản xuất ô tô sử dụng năng lượng sạch của riêng mình, Tesla sẽ còn kiếm được lợi nhuận từ việc bán các loại tín dụng này trong một vài năm tới. General Motors được cho là có thỏa thuận trong việc mua bán các tín chỉ khí thải này với Tesla trong những năm tới đây, song số tiền họ phải trả cho hãng xe điện của Elon Musk không được tiết lộ.
Việc bán các tín dụng khí thải giúp Tesla có lợi nhuận sau thuế dương lần đầu tiên sau nhiều năm thua lỗ (Ảnh: Tesla)
Không chỉ ở Mỹ mà Tesla còn có thể bán các "tín chỉ" khí thải của mình tại Châu Âu, nơi các quy định bắt buộc mức khí thải Co2 trung bình từ các phương tiện mới được sản xuất bắt đầu có hiệu lực từ năm 2021.
Để tránh số tiền phạt lên tới hơn 2,1 tỷ USD, Fiat Chrysler - FCA (nay đã là Stellantis) đã trả cho Tesla một số tiền khổng lồ để các phương tiện của họ được tính trong cùng một đội xe với những chiếc ZEV của Tesla. Do đó, lượng khí thải của FCA được tính bằng trung bình cộng các xe của họ và Tesla, giúp cho các thông số này giảm đáng kể và đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe tại châu Âu.
Theo thông tin từ Fiat Chrysler, trong năm tài chính tới đây, các thỏa thuận của họ với Tesla có giá trị lên tới 1,8 tỷ euro (khoảng 2,2 tỷ USD). Công ty có kế hoạch sử dụng các khoản tín dụng mà họ mua từ Tesla nhằm duy trì việc tuân thủ các quy định cho đến năm 2023.
Tuy nhiên, sự thiếu minh bạch về giá cả xung quanh các khoản tín dụng khí thải cho ô tô này khiến các cổ đông khó dự đoán doanh thu từ những khoản mục này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lợi nhuận của Tesla trong thời gian tới. Theo dự báo của Credit Suisse, trong năm 2021, doanh thu từ khoản mục này sẽ đạt khoảng 2,1 tỷ USD, tức tăng tới 520 triệu USD so với năm trước.
Dự báo của Credit Suisse về lợi nhuận của Tesla trong năm 2021 (Ảnh: Bloomberg)
Trong một vài năm tới đây, khi mà những ông lớn trong ngành sản xuất ô tô thực sự chuyển đổi sang sản xuất xe điện, Tesla sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thu được doanh thu và lợi nhuận lớn như hiện nay thông qua việc bán các loại tín chỉ khí thải.
Trong thời gian gần đây, Tesla đã đánh mất thị phần trong việc bán xe không khí thải vào tay Volkswagen tại châu Âu, khi chiếc ID 3 của hãng xe Đức là xe ô tô điện bán chạy nhất tại khu vực này. Điều này đã đưa ra một lời cảnh báo nghiêm túc cho Tesla về hoạt động kinh doanh chính của mình, thay vì phụ thuộc vào các loại tín chỉ khí thải như năm 2020 vừa qua. Hoạt động kinh doanh chính của hãng là sản xuất các loại xe ô tô thân thiện với môi trường cần phải được nâng cấp và có hiệu quả cao hơn nữa, bằng không, Tesla sẽ tiếp tục quay lại thời kỳ đen tối với lợi nhuận sau thuế ở mức âm trong tương lai không xa.
Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.