Cơ hội cho ngành chè Việt Nam
Thị trường chè toàn cầu dự kiến sẽ đạt 37,5 tỷ USD vào năm 2025. Với lợi thế về sản xuất, Việt Nam nắm trong tay kho "vàng xanh” quý hiếm, tăng cơ hội chiếm lấy một phần trong “miếng bánh” 37,5 tỷ USD.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè của Việt Nam trong tháng 2/2024 đạt 5.283 tấn với trị giá thu về hơn 8,2 triệu USD, giảm 57,4% về lượng và giảm 60,7% về trị giá so với tháng trước đó.
Tính chung 2 tháng đầu năm, Việt Nam đã thu về 29,2 triệu USD với 17.653 tấn chè, tăng 30,6% về lượng và tăng 29,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 1.652 USD/tấn, giảm nhẹ 0,7% so với cùng kỳ.
Trong tháng 2, xuất khẩu chè sang các thị trường chính như Pakistan, Đài Loan (Trung Quốc) và Nga đều giảm so với tháng 1. Nhìn chung giá xuất khẩu trung bình của mặt hàng chè sang phần lớn thị trường dao động quanh mức 1.300 - 1.600 USD/tấn. Tuy nhiên Việt Nam vẫn ghi nhận một số thị trường có giá xuất khẩu trung bình cao hơn hẳn so với các thị trường khác.
Pakistan vẫn là thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của Việt Nam với 5.479 tấn chè, trị giá hơn 10,8 triệu USD, tăng 2,9% về lượng và tăng 16,2% về trị giá so với tháng 1/2023. Giá xuất khẩu đạt 1.987 USD/tấn, tăng 12,8% so với cùng kỳ.
Đài Loan (Trung Quốc) là thị trường lớn thứ 2 trong tháng 2 tháng đầu năm 2024. Nước ta xuất sang thị trường này 1.847 tấn chè và thu về 2,84 triệu USD, tăng 21,8% về lượng và tăng 16,2% về kim ngạch so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu đạt 1.539 USD/tấn, giảm 4,6%.
Xếp thứ 3 là thị trường Nga, trong 2 tháng, quốc gia này nhập khẩu 1.031 tấn chè từ Việt Nam, tương đương hơn 1,6 triệu USD, giảm 18,2% về lượng và 22,2% về giá trị so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu đạt 1.570 USD/tấn, giảm 4,8% so với cùng kỳ.
Trong khi xuất khẩu sang các thị trường chủ đạo ghi nhận xu hướng giảm hoặc tăng nhẹ thì khu vực châu Âu lại xuất hiện thị trường đẩy mạnh thu mua, trong đó có Ba Lan.
Xuất khẩu chè sang Ba Lan trong tháng 2/2024 tăng 37,8% về lượng và tăng 93,5% về kim ngạch. Lũy kế 2 tháng đầu năm, nước ta xuất khẩu 180 tấn chè, thu về 273.441 USD từ Ba Lan, tăng 195% về lượng và tăng 277% về giá trị, chiếm tỷ trọng hơn 1% trong tổng sản lượng xuất khẩu.
Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam hiện đứng thứ 5 về diện tích trồng chè và thứ 7 trong bảng xếp hạng về sản lượng chè trên toàn thế giới. Cây chè được phát triển chủ yếu ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc với khoảng 70% diện tích trồng chè cả nước.
Thị trường chè toàn cầu dự kiến sẽ đạt 37,5 tỷ USD vào năm 2025. Mức tăng trưởng của ngành chè ngày càng cao do lối sống thay đổi và tăng nhận thức của người tiêu dùng về việc uống chè có lợi cho sức khỏe. Với lợi thế về sản xuất, Việt Nam nắm trong tay kho "vàng xanh” quý hiếm, tăng cơ hội chiếm lấy một phần trong “miếng bánh” 37,5 tỷ USD.
Trong thời gian tới, để đẩy mạnh xuất khẩu chè sang các thị trường lớn trên thế giới và nâng cao kim ngạch xuất khẩu chè, ngành chè Việt Nam phải đẩy mạnh sản xuất chè theo hướng an toàn; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao, chú trọng tăng nhanh tỷ trọng những sản phẩm có giá trị cao và sản phẩm mới.
Huyền My (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.