Cơ hội cho thị trường xe điện bứt phá

Kinh doanh
11:11 AM 15/07/2025

Quy định cấm xe máy xăng vào vành đai 1 Hà Nội được xem sẽ là “cú hích” cho thị trường xe máy điện, mở ra cơ hội bùng nổ sức mua nếu hạ tầng trạm sạc, pin thay thế được đầu tư đồng bộ.

Theo các chuyên gia, năm 2025, xe điện sẽ là phân khúc "gánh" thị trường xe tại Việt Nam. Thực tế, sự chuyển dịch của thị trường là điều đã diễn ra suốt thời gian qua, khi không chỉ các khách hàng là người dùng cá nhân mà ngay cả ngành vận tải chở khách tại Việt Nam cũng tham gia vào công cuộc "xanh hoá".

Cơ hội cho thị trường xe điện bứt phá- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Cùng với đó, chính sách có hiệu lực như Quyết định 876 của Chính phủ, từ sau năm 2030, tại các đô thị, 100% taxi sẽ phải sử dụng điện, năng lượng xanh, cũng sẽ góp phần giúp xe điện "bứt tốc".

Và đặc biệt, gần đây nhất, Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 12/7/2025 đánh dấu một bước ngoặt mạnh mẽ trong chính sách môi trường tại Việt Nam, đặc biệt là tại Thủ đô Hà Nội. Với mục tiêu loại bỏ dần các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch ra khỏi khu vực trung tâm đô thị, chiến lược này không chỉ mang ý nghĩa cải thiện môi trường sống mà còn tạo ra sự tái cấu trúc sâu rộng trong hệ sinh thái giao thông và năng lượng.

Theo nhiều chuyên gia, Chỉ thị 20 ngoài việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường cũng mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp chuyển hướng phát triển công nghệ giao thông sạch. 

Khi xe xăng dần bị loại bỏ khỏi nội đô, đặc biệt là theo lộ trình từ Vành đai 1 đến Vành đai 3, nhu cầu về xe điện sẽ tăng vọt. 

Hà Nội hiện có hơn 8,5 triệu phương tiện cá nhân đang lưu thông hằng ngày, trong đó khoảng 1,2 triệu ô tô và gần 7,3 triệu xe máy sử dụng xăng hoặc dầu diesel. Khi quy định trên có hiệu lực, hàng triệu xe máy và ô tô cá nhân hiện hữu sẽ cần phương tiện thay thế. Xe điện, với ưu thế không phát thải, sẽ trở thành lựa chọn hàng đầu, thậm chí là bắt buộc cho việc di chuyển trong các khu vực trung tâm. Điều này tạo ra một thị trường khổng lồ cho các nhà sản xuất xe điện, cả trong và ngoài nước, để mở rộng sản xuất, đa dạng hóa mẫu mã từ xe máy điện, xe đạp điện đến ô tô điện, đáp ứng mọi phân khúc khách hàng.

Đây là cơ hội để các doanh nghiệp có thể chuyển hướng đầu tư sang sản xuất xe điện và các thiết bị liên quan như pin, trạm sạc. 

Theo thống kê, Việt Nam hiện có trên dưới 10 thương hiệu đang phân phối chính thức xe đện, nổi bật là VinFast, Yadea, Pega, DatBike, Detech, Honda, Anbico, Osaka, DK Bike... Bên cạnh đó, nhiều thương hiệu nhỏ lẻ, xe nhập khẩu cũng dần phát triển trên thị trường Việt qua các cửa hàng bán lẻ.

Để khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường tham gia chuỗi cung ứng xe điện, Tiến sĩ Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy Ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng, Chính phủ có thể có các chính sách ưu đãi hoặc tạo một môi trường pháp lý rõ ràng, minh bạch để họ yên tâm đầu tư.

Các doanh nghiệp cũng cần tự chủ động trong việc kết nối với nhau để hình thành một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, từ sản xuất phương tiện, pin cho đến hạ tầng sạc nhằm đảm bảo tính bền vững lâu dài.

Cùng chung nhận định, Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng cho rằng, cần phải tiếp tục nghiên cứu, phát triển các công nghệ mới để tạo ra các phương tiện giao thông hiệu quả hơn, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và tiết kiệm chi phí cho người sử dụng.

Minh An
Ý kiến của bạn