Cơ hội cho Việt Nam gia nhập công nghiệp hàng không thế giới
Việt Nam đang có nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi để gia nhập chuỗi cung ứng công nghiệp hàng không toàn cầu. Đó là nhận định của các chuyên gia tại “Hội thảo quốc tế Lĩnh vực công nghiệp hàng không” do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức.
Theo ông Nguyễn Phước Thắng, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Môi trường (Cục Hàng không Việt Nam), dự báo dịch vụ toàn cầu (GSF) của Airbus cho thấy, thị trường dịch vụ hàng không thương mại tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng gấp đôi giá trị từ mức 52 tỷ USD hiện nay lên 129 tỷ USD vào năm 2043. Đặc biệt, phân khúc bảo dưỡng máy bay sẽ đạt giá trị 109 tỷ USD.
Con số này đạt được do nhu cầu của các hãng hàng không sẽ đạt mức 19.500 máy bay mới và lưu lượng hành khách hàng không trong khu vực có tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 4,81%.
Còn theo ông Stéphane Castet, Giám đốc điều hành Công ty Advanced Business Events (Cộng hòa Pháp), trong 20 năm tới, nhu cầu đối với máy bay thương mại dự kiến đạt khoảng 36.000 chiếc, thị trường máy bay thương mại toàn cầu sẽ tăng trưởng với tốc độ khoảng 5%/năm.
Riêng Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của thị trường hàng không đang đứng thứ 5 trên thế giới, số 1 khu vực Đông Nam Á. Đây là những dữ liệu cho thấy Việt Nam có cơ hội rất lớn để gia nhập ngành công nghiệp hỗ trợ lĩnh vực hàng không, vũ trụ.
Thị trường hàng không Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ, với tốc độ trung bình ấn tượng. Theo dự báo, đến năm 2030, ngành hàng không Việt Nam có thể đạt tới 450 triệu lượt khách, gấp đôi so với năm 2020. Đà tăng trưởng này được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, bao gồm sự phục hồi nhanh chóng sau đại dịch COVID-19, nhu cầu di chuyển ngày càng tăng trong nước và khu vực, cùng với việc Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho đầu tư và du lịch quốc tế.
Cùng với đó, Việt Nam cũng đang chứng kiến sự mở rộng quy mô đội bay của các hãng hàng không lớn như Vietnam Airlines, Vietjet... Các doanh nghiệp này không chỉ tập trung vào thị trường nội địa mà còn đẩy mạnh mở rộng đường bay quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ hàng không khu vực.
Ông Stephan Castet cho rằng, Việt Nam như Maroc, cách đây một vài năm, Maroc chỉ có 3-5 doanh nghiệp trong ngành hàng không. Đến nay, Maroc đã có hơn 200 công ty hoạt động trong lĩnh vực này.
Điều thuận lợi hơn là Việt Nam hiện đã có những công ty hàng không vững mạnh. Hơn nữa, trong điều kiện địa chính trị thế giới nhiều biến động, Việt Nam vẫn có quan hệ tốt đẹp với tất cả các quốc gia trên thế giới.
Đây chính là tài sản để Việt Nam phát triển trong lĩnh vực công nghiệp hàng không, ông Stephan Castet khẳng định.
Ngành hàng không Việt Nam hiện có "lỗ hổng" là còn thiếu phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, như bảo dưỡng, sửa chữa, nghiên cứu, sản xuất chế tạo phụ tùng... Thay vào đó, Việt Nam chỉ đang bay gia công khi từ tàu bay, động cơ hay linh kiện như phanh, lốp đều phải nhập khẩu. Từ đó khiến giá thuê tàu bay, sửa chữa động cơ... chiếm gần một nửa trong cơ cấu chi phí của các hãng bay trong nước.
Để giải quyết được “lỗ hổng” thiếu công nghiệp hỗ trợ của ngành hàng không hiện nay, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần đạt chứng nhận đủ điều kiện để sản xuất linh kiện cho các hãng sản xuất tầu bay quy mô lớn như Boeing, Airbus. Đó là hệ thống quản lý chất lượng ngành hàng không vũ trụ theo chứng nhận “Hệ thống Quản lý chất lượng ngành hàng không vũ trụ” (chứng nhận AS9100).
Việc đạt được chứng nhận này sẽ là bước quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường quốc tế, hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia trong ngành hàng không.
Minh An (t/h)Sáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.