Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu tôm
Là một trong những quốc gia được đánh giá kiểm soát tốt dịch COVID-19, Việt Nam có nhiều thời gian để khôi phục kinh tế, mở ra cơ hội bứt phá cho nhiều ngành, trong đó có ngành hàng tôm xuất khẩu.
VASEP dự báo xuất khẩu tôm năm 2020 có khả năng đạt kim ngạch 3,8 tỷ USD. Ảnh: PV
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nếu tính đủ theo số liệu cập nhật từ Hải quan thì xuất khẩu tôm đến hết quý I/2020 đạt 800 triệu USD và đến hiện nay tròn 1 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước đến thời điểm hiện nay lên khoảng 2 tỷ USD.
Nhiều cơ hội bứt phá
Theo ông Trương Đình Hòe, những tháng đầu năm do ảnh hưởng dịch COVID, tình hình xuất khẩu rất khó khăn, tuy nhiên kể từ cuối tháng 3 đến nay khi dịch bệnh ở Việt Nam được kiểm soát tốt thì xuất khẩu đang hồi phục. Trong khi đó, các quốc gia xuất khẩu tôm khác như: Ấn Độ, Ecuador, Thái Lan, Indonesia, Mexico… đang loay hoay chống dịch, vì thế thị phần xuất khẩu tôm bị giảm trên 30%, đây là cơ hội để tôm Việt Nam mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn được hưởng các gói hỗ trợ của Chính phủ để vượt qua khó khăn dịch bệnh.
Ngoài ra, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) cũng đã công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ với 31 doanh nghiệp được hưởng mức thuế 0%. Với các điều kiện thuận lợi về thị trường và nguồn nguyên liệu, VASEP dự báo xuất khẩu tôm năm 2020 có khả năng đạt kim ngạch 3,8 tỷ USD, cao hơn mức dự báo trước đây khoảng 300 triệu USD.
“Muốn tận dụng được cơ hội thị trường thì Chính phủ cần triển khai nhanh các giải pháp hỗ trợ, trong đó sớm giảm, giãn lãi suất, thuế, tiền thuê đất để doanh nghiệp phục hồi sản xuất”, ông Hòe đề xuất.
Trong khi đó, mặc dù đã đưa ra dự báo xuất khẩu tôm sẽ có nhiều thuận lợi nhưng ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản-Bộ NN&PTNT tỏ ra thận trọng hơn khi đưa ra dự báo kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2020 có khả năng chỉ đạt từ 2,97-3 tỷ USD.
Thách thức cần vượt qua
Ông Võ Quan Huy, Chủ nhiệm Hiệp hội tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng), cho biết trong những tháng đầu năm nay hạn mặn kèm nắng nóng có chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khá lớn, làm tôm trong ao dễ bị sốc, yếu, dễ nhiễm bệnh. Do dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp, nên các ngân hàng cũng ngại cấp vốn cho hộ nuôi tôm, càng làm cho việc thả nuôi mới gặp khó khăn hơn.
Ngoài ra, việc quản lý truy xuất nguồn gốc con giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản hiện nay chưa được ngành chức năng thực hiện đến nơi, đến chốn nên đã xảy ra tình trạng thức ăn, thuốc kém chất lượng bán tràn lan, giá trên trời, người nuôi tôm “tiền mất, tật mang” mà không biết kêu ở đâu.
Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Minh Phú, tôm cỡ lớn 30-35 con/kg chỉ thích hợp tiêu thụ ở các nhà hàng lớn, nhưng do dịch COVID-19, nhiều nhà hàng lớn đã ngừng hoạt động nên nhu cầu tiêu dùng tôm đang chuyển hướng sang tôm cỡ nhỏ từ 60-120 con/kg. Trong khi người nuôi tôm chưa nắm bắt được thông tin này nên để tôm quá lớn, rất khó bán, giá thấp.
Việc chuyển hướng thị hiếu tiêu dùng từ tôm lớn xuống tôm nhỏ không chỉ gây ngỡ ngàng cho người nuôi, mà còn đặt ra bài toán khó cho doanh nghiệp vì sản xuất tôm nhỏ cần nhiều lao động hơn nhưng nguồn lao động tại địa phương hiện nay rất thiếu.
Để khắc phục khó khăn về lao động, ông Lê Văn Quang đề xuất Nhà nước cần có chính sách ưu đãi về đất đai để doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân, vì có “an cư” thì mới mong lao động sẽ gắn bó lâu dài với nhà máy. Bên cạnh đó, trong lúc cần trữ hàng như trong đợt dịch COVID-19, thì kho lạnh dự trữ thiếu trầm trọng, do đó hệ thống ngân hàng cũng nên xem xét ưu tiên nguồn vốn vay trung, dài hạn, lãi suất hợp lý để doanh nghiệp đầu tư kho lạnh.
Theo Enternews
Bộ Công Thương khuyến cáo người dân bình tĩnh, dự trữ nguồn nhu yếu phẩm đủ dùng, không tích trữ quá mức cần thiết để ưu tiên khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do bão số 3 gây ra.