Cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản của Việt Nam
Nhu cầu lương thực, thực phẩm toàn cầu đang rất lớn trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị đứt gẫy. Đây cũng được xem là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông sản ước đạt gần 23,2 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu ước 18,1 tỷ USD, giảm 0,3%. Như vậy nông sản xuất siêu gần 5,1 tỷ USD, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. 9 sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD gồm: cà phê, cao su, gạo, điều, nhóm rau quả, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ và nhóm đầu vào phục vụ sản xuất.
Mới đây, ngành nông nghiệp tiếp tục đón nhận tin vui khi nhận được thông báo về việc Mỹ hoàn thành thẩm định các thủ tục và chính thức cho phép nhập khẩu quả bưởi từ Việt Nam. Như vậy, bưởi da xanh sẽ là loại trái cây thứ 7 của Việt Nam vào thị trường Mỹ.
Trước đó, chỉ riêng 6 loại trái cây tươi được cấp phép xuất khẩu sang Mỹ, gồm: Xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa đã mang về kim ngạch khoảng 20 triệu USD mỗi năm. Hay với vải thiều, sản lượng vải thiều toàn tỉnh năm nay ước đạt khoảng 180.000 tấn, dự kiến xuất khẩu sang Trung Quốc 95.000 tấn.
Về xuất khẩu gạo, kim ngạch trong tháng 5 đạt 386 triệu USD, tăng 39,9% so với tháng trước và tăng 14% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 17,2%). Trong khi đó, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 636 triệu USD, tăng 13,3% so với tháng trước và tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 47,7%).
Tương tự, 5 tháng đầu năm nay, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đông lạnh sang thị trường EU đạt gần 77 triệu USD, tăng 95% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đa dạng thị trường xuất khẩu
Nhu cầu lương thực, nông sản ở châu Âu đang rất lớn từ khi dịch COVID-19 xảy ra, xung đột tại Ukraine gia tăng và nguồn cung ứng nông sản gián đoạn do chính sách "zero COVID" ở Trung Quốc. Đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào nhiều nước, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, giai đoạn 2021 - 2025, với sự ra đời của các FTA mà Việt Nam tham gia đã có hiệu lực, như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và các nước trong khối ASEAN... đã tạo nhiều cơ hội, tiềm năng cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Do vậy, thời gian tới, để tận dụng tối đa các ưu đãi, lợi thế của các nước nằm trong khối ASEAN và các nước nằm trong các FTA trên, các doanh nghiệp đã xác định đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu các mặt hàng chủ lực. Đồng thời, trên cơ sở những thị trường sẵn có tiếp tục củng cố, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhất là xuất khẩu vào thị trường các nước tham gia các FTA; chủ động, tích cực tham gia vào chuỗi giá trị hàng hóa toàn cầu nhằm tăng năng lực sản xuất và xuất khẩu nông sản.
Đặc biệt, khi châu Phi và Trung Đông là hai khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi xung đột tại Ukraine xảy ra, thì nguồn cung cấp lương thực từ Việt Nam tới hai khu vực này hết sức quan trọng. Tại hội thảo quốc tế trực tuyến về an ninh lương thực và dinh dưỡng diễn ra hồi cuối tháng 5, chuyên gia kinh tế Safwat Wl Alfy cho rằng: Là một quốc gia có nhiều thế mạnh về nông nghiệp, Việt Nam hoàn toàn có thể đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực ở châu Phi, vì Việt Nam nổi tiếng với nhiều loại lương thực, trong đó quan trọng nhất là gạo - loại ngũ cốc có thể thay thế cho nguồn lúa mì nhập khẩu vào châu Phi.
Theo ông Lương Phước Vinh, Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn Tentamus, nhu cầu ở thị trường châu Âu, châu Phi và Trung Đông không thua kém thị trường Trung Quốc nếu sản phẩm của Việt Nam có thể đáp ứng. Tiêu chuẩn mà các thị trường này đưa ra cũng không quá gắt gao. Điều quan trọng là doanh nghiệp cần hiểu được bản chất và yêu cầu của thị trường. Các đối tác châu Âu sẽ sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu lương thực, thực phẩm của thị trường này rất lớn.
Làm tốt thương hiệu trong nước là bệ đỡ để đưa nông sản Việt ra nước ngoài
Năm nay, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu nông sản 50 tỷ USD. Để thực hiện mục tiêu này, Bộ đang thực hiện nhiều giải pháp như chuẩn bị nội dung làm việc song phương với Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Hàn Quốc. Xây dựng Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đi EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản. Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương đẩy nhanh tiến độ đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA)...
Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ, cần theo hướng lấy cao bù thấp, tức là đẩy mạnh xuất khẩu hoa quả và thủy sản để bù đắp cho những mặt hàng xuất khẩu thấp. Đồng thời, mở rộng đàm phán song phương với các nước trong khối RCEP, EU để xác định cung cầu thị trường, thực hiện kế hoạch thu hoạch, vận chuyển, giao hàng, thanh toán tốt hơn.
Trên cơ sở kết quả đàm phán cần thông tin kịp thời, minh bạch để các địa phương, doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng có sự chủ động. Cùng với đó, nâng cao khả năng lưu trữ bảo quản các mặt hàng và chủ động trong mọi tình huống để không bị ép giá.
Song muốn xuất khẩu bền vững và lâu dài doanh nghiệp phải chú ý đến tiêu chuẩn chất lượng bên cạnh số lượng. Cùng với đó, nhanh chóng tạo các chuỗi liên kết, có sự tôn trọng hợp đồng, chứ không phải kiểu “mỳ ăn liền” vụ nào theo vụ đó, năm nào theo năm đó. Ngoài ra, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao để xuất khẩu nông sản đạt kết quả tốt nhất.
Tại kỳ họp thứ thứ 3 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, để xuất khẩu lâu dài, ổn định, cần xây dựng thương hiệu phải bắt đầu từ hệ sinh thái của cả một ngành hàng, từ thương hiệu của doanh nghiệp, của hợp tác xã, người nông dân. Nhưng trước hết phải thay đổi tư duy áp đặt trong việc xây dựng thương hiệu cho từng loại nông sản, bắt đầu từ hệ sinh thái ngành hàng. Đồng thời phải làm tốt thương hiệu trong nước, niềm tin nông sản trong nước là bệ đỡ để đưa nông sản Việt ra nước ngoài.
Ngoài ra, địa phương cần phải chủ động liên kết thu hút doanh nghiệp, tạo an tâm có đủ nguyên liệu sản xuất bởi doanh nghiệp sợ về đó mà nông dân không bán cho doanh nghiệp. Bộ trưởng cho rằng lãnh đạo địa phương cần phải sâu sát ngồi với 2 gồm nông dân và doanh nghiệp, tạo niềm tin thị trường trước.
An Mai (t/h)Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.