Cơ hội nâng chất lượng nhân lực

Cộng tác viên
07:12 AM 10/07/2020

Việc chuyển hướng sản xuất, kinh doanh của nhiều đơn vị, doanh nghiệp nhằm thích ứng với tình hình mới sau khi dịch Covid-19 được khống chế đã hình thành nhiều vị trí việc làm mới, phù hợp với lao động qua đào tạo. Nếu các bên liên quan chủ động nắm bắt, thì những khó khăn, thách thức về thị trường lao động hiện nay sẽ trở thành cơ hội nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

    Nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ gia tăng sau sự chuyển hướng sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. 
    Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất áo vest tại Công ty May 10. Ảnh: Bá Hoạt

    Lao động có chuyên môn tốt sẽ không lo mất việc

    Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước có 7,8 triệu người lao động bị mất việc, giãn việc, giảm giờ làm, giảm sâu thu nhập. Trong đó, số lao động bị mất việc do doanh nghiệp phá sản, giải thể, thu hẹp sản xuất, kinh doanh là gần 900.000 người, tập trung ở ngành công nghiệp chế biến, dịch vụ, vận tải… 

    Mặc dù tỷ lệ mất việc, thiếu việc làm tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, nhưng tình trạng này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Theo bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc khu vực miền Bắc của Navigos Group Việt Nam (đơn vị chuyên tư vấn tuyển dụng nhân sự trung cấp và cao cấp), hiện 60% doanh nghiệp dần khôi phục sản xuất, kinh doanh và có nhu cầu tuyển dụng nhân sự lĩnh vực thương mại điện tử, ngân hàng số, giáo dục trực tuyến… Tuy nhiên, các doanh nghiệp này đang rất khó tuyển dụng lao động phù hợp với yêu cầu công việc, do đa phần lao động đăng ký tuyển dụng đều thiếu kỹ năng nghề.

    Dưới góc độ người lao động, anh Trần Hải Nam (thị trấn Phú Minh, huyện Phú Xuyên) chia sẻ: “Do chuyên môn hạn chế, tôi bị mất việc làm tại một doanh nghiệp vận tải từ tháng 4-2020, còn những người vững nghề vẫn duy trì được việc làm tại đây. Để có cơ hội được tuyển dụng, tôi quyết định chuyển đổi nghề nghiệp và đăng ký học nghề điện tử công nghiệp tại Trường Cao đẳng nghề Cơ điện và Công nghệ thực phẩm Hà Nội”.

    Về phía người sử dụng lao động, Phó Trưởng phòng Hành chính (Tổng công ty May 10) Trần Mạnh Cường cho rằng, nhiều người cứ nghĩ ngành Dệt may chỉ sử dụng lao động phổ thông, nhưng trên thực tế, ngành này đang gia tăng nhu cầu tuyển lao động có tay nghề.

    Đánh giá về thị trường lao động, việc làm hiện nay, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Vũ Trọng Bình cho biết, Việt Nam được đánh giá là điểm đến an toàn, hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu cùng xu hướng chuyển đổi mô hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đã và đang bổ sung hàng vạn vị trí việc làm mới. Song cơ hội việc làm chủ yếu dành cho lao động đã qua đào tạo nghề.


    Tư vấn việc làm cho người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Quang

    Bám sát nhu cầu của thị trường

    Từ kinh nghiệm kết nối cung - cầu về lao động, việc làm, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) Vũ Quang Thành cho rằng, các cơ quan chức năng cần chủ động nắm bắt tình hình thị trường lao động, qua đó có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong trường hợp thiếu hụt nhân sự và người lao động bị thôi việc, mất việc làm. Công tác đào tạo nghề cần linh hoạt, đáp ứng nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực ở thời điểm hiện tại, tương lai.

    Để tận dụng cơ hội nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Phó Giám đốc Chi nhánh Lữ hành Saigontourist Hà Nội Nguyễn Hoài Thu kiến nghị, các cơ quan chức năng cần xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo lại, đào tạo bổ sung, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động. Còn ở góc độ người học, sinh viên Nguyễn Văn Hưng, Khoa Cơ điện tử, Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội tin tưởng nói: “Việc học những nghề xã hội đang cần bằng sự nghiêm túc và niềm đam mê sẽ giúp lao động trẻ chúng tôi có cơ hội tìm được việc làm tốt”.

    Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, Bộ đang đề xuất sửa đổi một số nội dung tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo hướng nới lỏng tiêu chí, kéo dài thời gian được hỗ trợ với một số đối tượng liên quan đến người lao động, người sử dụng lao động. Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất với Chính phủ dành khoảng 3.000-5.000 tỷ đồng từ nguồn kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại cho khoảng 1 triệu lao động, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời giúp lao động có cơ hội kiếm được việc làm mới đáp ứng yêu cầu của đơn vị tuyển dụng.

    Cũng theo ông Lê Văn Thanh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp, nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm, chất lượng nguồn nhân lực. Theo đó, Cục Việc làm phối hợp với các ngành, địa phương thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tiếp, trực tuyến nhằm thu hút người lao động, doanh nghiệp tham gia. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng sẽ định hướng cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề theo sát nhu cầu thị trường lao động…

    Với nhiều giải pháp nêu trên, dự báo từ tháng 7-2020 trở đi, trung bình mỗi tháng có khoảng 70.000-80.000 người bị mất việc làm quay trở lại thị trường lao động và sẽ có nhiều vị trí việc làm mới dành cho nhóm lao động có kỹ năng. Đây vừa là cơ hội, vừa là yêu cầu đặt ra đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp để hình thành đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu phát triển.

    Trong 6 tháng đầu năm 2020, cả nước có 54,2 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên, giảm gần 1,3 triệu lao động so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi chiếm khoảng 2,47% (khu vực thành thị là 3,82%; khu vực nông thôn 1,77%). Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ước tính khoảng 7% (khu vực thành thị là 10,45%; khu vực nông thôn 5,5%).

    Hà Hiền
    Ý kiến của bạn