Cơ hội phục hồi ngành thép từ đầu tư công và nhu cầu của Trung Quốc

Thị trường
11:33 PM 12/09/2020

Chính phủ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và nhu cầu từ Trung Quốc đã giúp ngành thép trong nước những tháng cuối năm có triển vọng sáng hơn.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, ngành sản xuất thép trong nước 8 tháng đầu năm tương đối ổn định về giá cả và thị trường các sản phẩm thép. Xuất khẩu thép ra thị trường nước ngoài khó khăn hơn bởi các hàng rào phòng vệ thương mại. Tăng trưởng sản xuất và bán hàng thép trong 8 tháng 2019 lần lượt đạt 6,2% và 8,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo nhận định của ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, giá nguyên liệu thép thế giới tăng liên tục nên giá thép bán trong nước buộc cũng phải điều chỉnh đi lên, mặc dù dịch Covid-19 đã khiến sức tiêu thụ toàn cầu sụt giảm.

Cơ hội phục hồi ngành thép từ đầu tư công và nhu cầu của Trung Quốc

Cơ hội phục hồi ngành thép từ đầu tư công và nhu cầu của Trung Quốc

Để tạo cơ hội cho ngành thép, Chính phủ đang đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công, sẽ có khoảng 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công được Chính phủ chi ra trong năm 2020, trong đó có 200.000 tỷ đồng sẽ chi cho các dự án hạ tầng lớn như: cao tốc Bắc Nam, sân bay Tân Sơn Nhất… Một tín hiệu đáng mừng là từ tháng 7/2020 giải ngân đầu tư công đã cải thiện hơn.

Dự báo tình hình tiêu thụ cuối năm của ngành thép sẽ theo chiều hướng tích cực. Ước tính nhu cầu trong nửa cuối năm sẽ phục hồi và tăng 4%-5% so với cùng kỳ do chính sách giãn cách xã hội được nới lỏng và gia tăng đầu tư công (ước tính chiếm khoảng 15% sản lượng tiêu thụ thép).

Bên cạnh đó, Việt Nam được hưởng lợi từ nhu cầu thép tiếp tục tăng mạnh ở Trung Quốc. Theo Hiệp hội quặng sắt và thép Trung Quốc, mức tiêu thụ thép của Trung Quốc ước tính tăng 40 triệu tấn, tương đương tăng khoảng 8% so với cùng kỳ trong nửa cuối năm 2020, và 2% cho cả năm 2020.

Thống kê cho thấy trong nửa đầu năm 2020, sản lượng thép của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng đáng kể, gần gấp 15 lần, lên 1,06 triệu tấn, khoảng 27% tổng sản lượng thép xuất khẩu của Việt Nam.

Cũng theo Hiệp hội Thép thế giới, nhu cầu thép toàn cầu dự kiến phục hồi 4% trong năm 2021, điều này sẽ hỗ trợ cho kênh xuất khẩu của các công ty sản xuất của Việt Nam.

Song song đó, Việt Nam cũng có cơ hội lớn trong thu hút dòng vốn FDI bởi khả năng kiểm soát tốt dịch bệnh, chi phí nhân công vẫn còn rẻ. Khi các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam thì nhu cầu đầu tư nhà xưởng, khu công nghiệp sẽ tăng lên, kéo theo nhu cầu về xi măng, thép xây dựng.

Tuy nhiên, để nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng như kỳ vọng, Hiệp hội Thép và Hiệp hội Xi măng Việt Nam kiến nghị, Chính phủ có thể ưu tiên hỗ trợ bằng các chính sách về tài chính, tín dụng, giảm lãi suất, giãn nợ; đồng thời có chỉ đạo, giải pháp trong việc thông quan hàng hóa, đáp ứng nhu cầu sản xuất của DN, nhưng vẫn tuân thủ các quy định về đảm bảo phòng dịch.

Lương Huy
Ý kiến của bạn