Cơ hội, thách thức và triển vọng xuất khẩu nông sản Việt Nam

Diễn đàn
09:25 AM 07/11/2022

Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản tổ chức Hội thảo “Triển vọng thị trường nông sản Việt Nam” với sự hỗ trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform).

Tham gia Hội thảo, có các đại diện đến từ Bộ, ngành như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Vụ Kinh tế - Văn phòng Quốc hội, Đại sứ quán Australia, các Hiệp hội, công ty, doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp nông thôn, các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế, cùng các đơn vị báo chí, truyền thông trong nước.

Cơ hội, thách thức và triển vọng xuất khẩu nông sản Việt Nam - Ảnh 1.

TS Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện IPSARD - phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, TS Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện IPSARD chia sẻ: Từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát và bắt đầu lan rộng trên phạm vi toàn thế giới. Để ngăn chăn sự lây lan dịch bệnh, các quốc gia đã áp dụng nhiều biện pháp như giãn cách xã hội, phong tỏa thành phố, đóng cửa biên giới. Những biện pháp này đã và đang tác động sâu rộng tới kinh tế - xã hội toàn cầu.

Ngành nông nghiệp, đặc biệt là thương mại nông sản, cũng không nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng của đại dịch, mặc dù ngành nông nghiệp được đánh giá là có khả năng chống đỡ cao hơn so với nhiều ngành khác.

Trong ngắn hạn, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới cả cung và cầu khiến cho sản xuất biến động và thương mại nông sản sụt giảm. Trong trung và dài hạn, đại dịch COVID-19 được dự báo sẽ ảnh hưởng đến các mô hình sản xuất, thương mại và tiêu dùng, làm thay đổi hành vi và xu hướng tiêu dùng, do đó định hình lại các chuỗi cung ứng.

Cơ hội, thách thức và triển vọng xuất khẩu nông sản Việt Nam - Ảnh 2.

Các đại biểu tập trung phân tích về cơ hội, khó khăn, thách thức trong phát triển nông sản Việt Nam; đồng thời đề xuất một số định hướng, giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản.

Theo TS Trần Công Thắng, sau gần 3 năm bùng phát, thương mại nông sản toàn cầu đã và đang được định hình ở trạng thái "bình thường mới". Theo đó, bên cạnh những khó khăn, đại dịch cũng mở ra cơ hội nếu các quốc gia có được các chiến lược và chính sách phù hợp.

Nhiều nước nhập khẩu nông sản lớn, trong đó có Mỹ và một số nước châu Âu, có những quy định cao hơn về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, áp dụng quá trình kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo nông sản nhập khẩu không có virus gây bệnh, gây khó khăn hơn cho nông sản xuất khẩu vào những thị trường này.

Ngược lại, nhu cầu nông sản, đặc biệt là trái cây và thủy sản, lại tăng nhanh, mang lại cơ hội thị trường lớn hơn.

Cơ hội, thách thức và triển vọng xuất khẩu nông sản Việt Nam - Ảnh 3.

Tập trung thảo luận những vấn đề liên quan đến tình hình, xu thế sản xuất, tiêu dùng và thương mại nông sản thế giới, gợi mở một số định hướng giải pháp xuất khẩu ở Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, Hội thảo "Triển vọng thị trường nông sản Việt Nam" được tổ chức để cung cấp thông tin, cập nhật về dự báo dự báo sản xuất, tiêu dùng và thương mại nông sản thế giới và Việt Nam đặt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của khu vực và thế giới, tập trung vào 03 ngành hàng chủ lực là lúa gạo, thủy sản và cà phê.

Các tham luận tại Hội thảo đã đưa ra nhiều luận điểm đánh giá diễn biến xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam những năm qua, đánh giá tiềm năng của những thị trường lớn hiện đang nhập khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam và đánh giá khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong xuất khẩu nông sản, từ đó đề xuất định hướng và giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam.

Nhiều ý kiến chuyên gia tại Hội thảo khẳng định, Việt Nam có cơ hội duy trì kỷ lục xuất khẩu nông sản trong năm 2023, do tiềm năng còn rất lớn và có thể đi xa hơn. Nhưng trước mắt, cần củng cố độ an toàn của sản xuất nông nghiệp, hạn chế đến mức thấp nhất tác động của thiên tai, dịch bệnh, biến động thị trường. Về lâu dài, cần tìm ra giải pháp nâng cao giá trị xuất khẩu, giảm bớt giá thành sản xuất và tăng lên thị phần của doanh nghiệp trong nước.

Cơ hội, thách thức và triển vọng xuất khẩu nông sản Việt Nam - Ảnh 4.

Quang cảnh Hội thảo “Triển vọng thị trường nông sản Việt Nam”.

Năm 2021, xuất khẩu nông lâm thủy sản đã được mở rộng ra nhiều thị trường hơn, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục trên 48,6 tỉ USD. Đặc biệt, năm 2021, có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, trong đó có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỉ USD là gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo, cao su.

Việt Nam hiện đã là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới nhiều mặt hàng nông sản như gạo, cà phê, thủy sản, điều, tiêu, cao su,… Tuy nhiên, là một nước đang phát triển, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như sản xuất dù đã được cải thiện nhưng vẫn manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm chất lượng chưa cao,…

Bên cạnh đó, diễn biến về chính trị và kinh tế thế giới còn nhiều phức tạp và khó lường. Mức tiêu dùng nông sản đầu người (bao gồm cả ngũ cốc, thịt và thủy sản) được dự báo tiếp tục tăng tuy nhiên mức tăng chậm lại so với những năm trước. Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu sẽ ngày càng rõ nét. Đây sẽ là những khó khăn, thách thức cho sản xuất và xuất khẩu nông sản trong tương lai.

Cùng với sự hội nhập ngày càng toàn diện và sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức mới trong thời gian tới, đối mặt với những cạnh tranh khốc liệt không chỉ trong thị trường xuất khẩu và ngay chính thị trường trong nước.

Trong quá trình hội nhập với nền kinh tế toàn cầu, nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa phát huy được hết những tiềm năng và thế mạnh vốn có. Vì vậy, trong thời gian tới, cần tập trung mọi nguồn lực để tăng tốc trong hoạt động xuất khẩu theo hướng gia tăng các mặt hàng nông sản chất lượng cao vào những thị trường trọng điểm.
Nguyễn Hạnh
Ý kiến của bạn
Thu nhập người dân Đông Nam Bộ cao nhất cả nước Thu nhập người dân Đông Nam Bộ cao nhất cả nước

Trong 6 vùng trên cả nước thì Đông Nam Bộ là vùng có thu nhập bình quân đầu người cao nhất, đạt khoảng 6,3 triệu đồng/tháng; vùng có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất là Trung du miền núi phía Bắc, đạt 3,1 triệu đồng/tháng.