Cơ hội và thách thức cho Việt Nam khi tham gia thị trường carbon

Kinh doanh
08:54 AM 05/09/2024

Thị trường carbon là cuộc chơi quốc tế mà doanh nghiệp Việt không thể từ chối. Có rất nhiều thách thức cho "người chơi", nhưng cơ hội cũng vô cùng lớn.

Việt Nam đang tích cực chuẩn bị để thị trường carbon chính thức vận hành từ năm 2029. Giai đoạn từ nay cho đến 2028 là giai đoạn mà các Bộ ngành, địa phương chuẩn bị về cơ sở pháp lý, cơ sở hạ tầng, các điều kiện kỹ thuật để có thể vận hành được thị trường carbon.

Cơ hội và thách thức cho Việt Nam khi tham gia thị trường carbon- Ảnh 1.

Một trong những mục tiêu quan trọng là phát triển các quy định liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính và sản xuất tín chỉ carbon chất lượng cao. Bộ Công Thương nỗ lực đưa ra các giải pháp nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, giúp hiểu rõ các quy định và chuẩn bị sẵn sàng tham gia vào thị trường carbon.

Tại tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy tham gia thị trường carbon của doanh nghiệp ngành công thương” tổ chức sáng 4/9, ông Nguyễn Võ Trường An, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN cho hay, thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam thực tế được khởi động từ năm 2018 khi những dự án tín chỉ carbon tự nguyện đầu tiên được đăng ký với một số tổ chức thẩm định hàng đầu thế giới như theo tiêu chuẩn Verified Carbon Standard (VCS), hoặc Gold Standard (GS).

Tuy nhiên, ở thời điểm ban đầu các dự án tập trung chủ yếu về năng lượng tái tạo, thủy điện. Số lượng tín chỉ không nhiều so với mặt bằng chung của thế giới. Phải khoảng 2 năm gần đây, nhất là khi Việt Nam chuyển nhượng thành công hơn 10 triệu tín chỉ carbon vào năm 2023, chủ đề này mới thực sự nóng lên. Cộng đồng và doanh nghiệp mới bắt đầu tập trung tìm hiểu.

Theo ông Hoàng Văn Tâm, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), phát triển thị trường carbon là giải pháp quan trọng đóng góp vào tiến trình giảm phát thải khí nhà kính quốc gia. Đây còn là cơ hội huy động nguồn vốn của xã hội tham gia hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Mỗi một tấn CO2 đạt tiêu chuẩn của thị trường được coi là một tín chỉ carbon và được giao dịch trên thị trường.

Nhận định về tiềm năng thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam, ông An nhận định, Việt Nam vẫn là một thị trường tín chỉ carbon mới và non trẻ trên bản đồ các thị trường tín chỉ carbon trên thế giới và với nguồn lực tự nhiên, về diện tích rừng, mật độ che phủ rừng cũng như các ngành nông nghiệp còn rất lớn nên có nhiều dư địa phát triển thị trường tín chỉ carbon.

Theo ông Trường An, việc chuyển đổi xanh cần đi đôi với chuyển đổi số, giúp doanh nghiệp dễ dàng thực hiện và theo dõi các quy trình liên quan đến tín chỉ carbon. Công ty đang hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và đăng ký các dự án tín chỉ carbon, thúc đẩy chuyển đổi xanh và chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả hoạt động. Việc chuyển đổi xanh cần đi đôi với chuyển đổi số, giúp doanh nghiệp dễ dàng thực hiện và theo dõi các quy trình liên quan đến tín chỉ carbon.

Tuy nhiên, kể cả thị trường hạn ngạch, thị trường bắt buộc và thị trường tự nguyện, doanh nghiệp đang thiếu nhiều yếu tố và gặp không ít thử thách. Ông An chỉ ra 4 thách thức lớn trong triển khai thị trường carbon tại Việt Nam, đó là nguồn nhân lực; phương pháp; tài chính và máy móc - thiết bị.

Để phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, Bộ Công thương và các cơ quan liên quan đang triển khai nhiều giải pháp như: Nâng cao năng lực cho doanh nghiệp để đáp ứng quá trình tham gia thị trường carbon; phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và vận hành thị trường carbon thời gian tới.

Và quan trọng nhất vẫn là sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, các doanh nghiệp và các tổ chức tư vấn, hỗ trợ sẽ thúc đẩy thị trường carbon tại Việt Nam.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn