Cơ hội vàng cho du lịch Thủ đô khi vận hành mô hình chính quyền 2 cấp
Hà Nội đang đứng trước một bước ngoặt quan trọng với việc chính thức triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Không chỉ là một bước cải cách hành chính sâu rộng, quyết định này còn mở ra cơ hội vàng để ngành du lịch Thủ đô định vị lại lợi thế, khai phá tiềm năng và bứt phá mạnh mẽ trong giai đoạn tới.
Từ ngày 1/7/2025, cùng với cả nước, thành phố Hà Nội chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Sau khi sắp xếp, thành phố Hà Nội có 126 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 51 phường và 75 xã. Đây không chỉ là sự điều chỉnh về bộ máy hành chính mà còn mở ra những cơ hội mới để tái định vị thương hiệu, phát huy tiềm năng, xây dựng chiến lược đầu tư - phát triển - quảng bá du lịch hiệu quả hơn.
Trong bối cảnh toàn ngành du lịch đang nỗ lực phục hồi, Hà Nội tiếp tục là một trong những điểm sáng. Theo Chi cục Thống kê Hà Nội, chỉ riêng quý II/2025, Thủ đô đã đón gần 1,87 triệu lượt khách, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng lượng khách đạt gần 3,7 triệu lượt. Đặc biệt, lượng khách quốc tế đạt hơn 2,63 triệu lượt, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2024.
Những thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp, Nhật Bản và Australia đều ghi nhận mức tăng trưởng khả quan, nhiều quốc gia có mức tăng trên 20%, cá biệt Pháp tăng tới 39,3%. Lượng khách nội địa cũng tăng trưởng bền vững với hơn 1 triệu lượt trong 6 tháng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2024.
Những con số ấn tượng này cho thấy Hà Nội đang khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch cả trong nước và quốc tế, đồng thời mở rộng sức hút với những nhóm khách có chi tiêu cao và nhu cầu trải nghiệm đặc trưng văn hóa bản địa. Trong bối cảnh đó, việc vận hành mô hình chính quyền hai cấp sẽ là "đòn bẩy" tạo bước chuyển quan trọng, giúp du lịch Thủ đô tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và tiến tới đột phá.

Ảnh: Khánh Huy
Một trong những lợi thế lớn nhất của mô hình chính quyền hai cấp là tăng tính chủ động và hiệu lực quản lý của cấp cơ sở - nơi trực tiếp quản lý các điểm đến, di tích, làng nghề. Với hơn 1.350 làng nghề - chiếm hơn 30% cả nước, Hà Nội sở hữu nguồn tài nguyên văn hóa và kinh tế to lớn, nếu được khai thác hiệu quả sẽ trở thành trụ cột của du lịch địa phương.
Mô hình quản lý mới giúp cấp xã, phường chủ động hơn trong việc rà soát, quy hoạch, tổ chức lại không gian du lịch, đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan để thúc đẩy truyền thông, phát triển sản phẩm, bảo tồn di sản và đảm bảo an ninh, vệ sinh môi trường.
Tại xã Ứng Thiên - một trong 4 xã mới thuộc huyện Ứng Hòa (cũ) - vừa chính thức đi vào hoạt động, hiện đang tất bật triển khai các công việc nhằm ổn định bộ máy quản lý hành chính. Trên địa bàn xã hiện có các điểm du lịch đã được thành phố công nhận, trong đó nổi bật là điểm du lịch Quảng Phú Cầu với nghề làm tăm hương truyền thống hơn 100 năm; làng nghề may Trạch Xá…
Ông Trương Thế Hữu - Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao xã Ứng Thiên - cho biết: Sau khi vận hành chính quyền 2 cấp, xã tập trung ổn định bộ máy quản lý. Tới đây, xã Ứng Thiên sẽ rà soát lại hệ thống di tích, di sản và các điểm du lịch trên địa bàn để tổ chức lại tuyến du lịch. Đây là cơ hội để xã định vị lại điểm đến, tập trung nguồn lực đầu tư cho những điểm du lịch có tiềm năng của địa phương.

Ảnh: Khánh Huy
Theo ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á, việc sắp xếp lại các xã, phường và vận hành mô hình chính quyền hai cấp tạo điều kiện mở rộng không gian phát triển du lịch. Các địa phương có thể thống nhất trong quản lý, chia sẻ hạ tầng, kết nối tài nguyên để xây dựng sản phẩm đặc trưng, hình thành tour tuyến mới hấp dẫn, tránh sự manh mún, dàn trải. Điều này đang mở ra cơ hội tạo sự đột phá cho du lịch Thủ đô trong kỷ nguyên mới.
Cùng quan điểm, ông Phùng Quang Thắng - Chủ tịch Liên Chi hội Du lịch Xanh Việt Nam - nhấn mạnh các xã, phường có vai trò quan trọng trong quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, di tích, điểm du lịch. Địa phương sẽ nhận định rõ tiềm năng, thế mạnh du lịch trên địa bàn, từ đó có đầu tư hiệu quả, thiết thực, tránh lãng phí.
Bên cạnh đó, việc tinh gọn bộ máy và chú trọng hiệu quả hành chính cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong du lịch. Các ứng dụng di động, nền tảng đặt chỗ trực tuyến, và hệ thống quản lý thông tin du khách có thể được triển khai rộng rãi, nâng cao chất lượng dịch vụ và tiện ích cho du khách.
Đặc biệt, với sự quản lý chặt chẽ hơn từ cấp xã, các vấn đề về vệ sinh môi trường, an ninh trật tự và văn minh du lịch tại các điểm đến có thể được cải thiện đáng kể, mang lại trải nghiệm an toàn, thân thiện và đáng nhớ hơn cho du khách. Hơn nữa, việc tập trung đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho cán bộ phụ trách du lịch ở cấp xã cũng sẽ giúp họ nắm bắt và triển khai các chính sách hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Thủ đô.

Ảnh: Khánh Huy
Theo kế hoạch, ngành du lịch Hà Nội đặt mục tiêu đón trên 31 triệu lượt khách trong năm 2025, trong đó có khoảng 7,5 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ du lịch dự kiến đạt 130.000 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, thành phố sẽ tiếp tục tăng tốc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, thời gian tới, Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các xã, phường để khảo sát điểm đến, đánh giá tiềm năng và xây dựng sản phẩm du lịch mới. Đây chính là cách tiếp cận từ gốc - lấy địa phương làm nền tảng, cộng đồng làm trung tâm, hướng tới xây dựng một Hà Nội hấp dẫn, bản sắc và bền vững hơn trên bản đồ du lịch quốc tế.
Có thể nói, chính quyền hai cấp không đơn thuần là cải cách hành chính, mà là bước đi chiến lược trong tổ chức, vận hành phát triển đô thị hiện đại. Khi chính quyền gần dân, sát thực tiễn, hiệu quả quản lý được nâng cao - thì ngành du lịch sẽ là một trong những lĩnh vực hưởng lợi rõ rệt.
Mỗi xã, mỗi phường nếu biết phát huy thế mạnh, khai thác tài nguyên một cách thông minh, kết nối với chiến lược tổng thể của thành phố, sẽ trở thành những điểm sáng mới, góp phần làm nên diện mạo du lịch Thủ đô năng động - sáng tạo - hội nhập.
Huyền My
Ước số liệu đến hết tháng 6, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng có thể cao hơn 0,2 - 0,3 điểm phần trăm so với dự báo, bám sát với kịch bản tại Nghị quyết số 154/NQ-CP (7,6%).