Có hơn 10 phương thức xét tuyển để vào Đại học năm 2022

Giáo dục
01:05 PM 10/01/2022

Nhiều trường đại học dần công bố đề án tuyển sinh năm 2022 với các phương thức đa dạng hơn, bớt phụ thuộc vào điểm thi tốt nghiệp THPT. Đáng chú ý, có hơn 10 phương thức xét tuyển đã được các trường công bố trong mùa tuyển sinh năm nay.

Có thể thấy, phần lớn các trường không thay đổi nhiều về các phương thức tuyển sinh. Hầu hết các trường vẫn sử dụng phương thức xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, xét học bạ, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả thi đánh giá năng lực,…Tuy nhiên, tỷ lệ chỉ tiêu giữa các phương thức đã có sự thay đổi rõ rệt ở một số trường.

Năm 2022, hơn 10 phương thức xét tuyển để vào Đại học - Ảnh 1.

Dù nhiều phương thức xét tuyển nhưng điều kiện để trúng tuyển đại học là thí sinh phải tốt nghiệp THPT - Ảnh: NHƯ HÙNG

Hơn 10 phương thức xét tuyển

Hiện có đến hơn 10 phương thức xét tuyển sẽ được các trường sử dụng trong mùa tuyển sinh năm nay, trong đó không ít trường đồng thời áp dụng đến 7 phương thức bằng xét tuyển và tổ chức thi tuyển. Do đó, thí sinh cần tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh của các trường để có thể lựa chọn phương thức phù hợp, tăng cơ hội trúng tuyển.

Các phương thức xét tuyển đã được các trường công bố, gồm:

1. Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Bộ GD-ĐT và quy định của trường.

2. Ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM (xét tuyển thẳng thí sinh giỏi nhất trường THPT năm 2022; xét tuyển học sinh của 83 trường chuyên, năng khiếu của các trường đại học thuộc các tỉnh, thành trên toàn quốc; học sinh của 66 trường THPT).

3. Xét tuyển học sinh giỏi.

4. Xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

5. Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực (ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Quốc gia Hà Nội); kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội; kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.

6. Xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc THPT (xét học bạ) theo tổ hợp môn.

7. Xét tuyển học lực kết hợp phỏng vấn.

8. Xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

9. Xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tuyển sinh quốc tế hoặc thí sinh người nước ngoài.

10. Xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi quốc tế.

11. Xét tuyển dựa trên chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế kết hợp với kết quả học tập 3 năm THPT.

12. Xét tuyển đối với thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT nước ngoài và có chứng chỉ quốc tế.

13. Xét tuyển dựa trên điểm trung bình chung tích lũy của thí sinh tốt nghiệp đại học.

14. Nhiều trường ĐH khác áp dụng phương thức xét tuyển từ học bạ, từ kết quả thi THPT, kết hợp thi tuyển các môn năng khiếu…

Chỉ tiêu xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp giảm mạnh

Thay vì dành phần lớn chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT như những năm trước, năm nay, các trường đồng loạt giảm chỉ còn từ 50% chỉ tiêu trở xuống cho phương thức này. Thậm chí, ở một số trường top, số lượng chỉ tiêu dựa trên kết quả kỳ thi do Bộ GD-ĐT tổ chức đã giảm xuống còn 10 – 20%, thấp nhất từ trước đến nay.

Năm 2022, hơn 10 phương thức xét tuyển để vào Đại học - Ảnh 2.

Nhiều trường đồng loạt giảm chỉ tiêu còn từ 50% trở xuống cho phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Vietnamnet

Tại ĐH Kinh tế Quốc dân, phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 giảm mạnh còn 10-15%. Các năm trước, ĐH Kinh tế Quốc dân thường dành khoảng 50-70% chỉ tiêu từ kỳ thi tốt nghiệp. Trong khi đó, chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GDĐT và xét tuyển kết hợp vào ĐH Kinh tế Quốc dân chiếm tới 80-85%.

Tương tự, ĐH Bách khoa Hà Nội công bố phương thức xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT 2022 chỉ chiếm 10 - 20% cho một số chương trình đào tạo. Xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của trường được coi là phương thức tuyển sinh chính với 60 - 70% tổng chỉ tiêu, số còn lại là chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển tài năng.

Bài thi đánh giá năng lực lên ngôi

Có những trường dành phần lớn chỉ tiêu từ kết quả bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM hay xét tuyển từ điểm bài thi đánh giá tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Hiện có khoảng gần 50 trường dự kiến sẽ sử dụng kết quả kỳ thi riêng của ba trường này để bổ sung vào phương thức xét tuyển.

Tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, chỉ tiêu của phương thức xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy được nhà trường tăng lên tới 60 - 70%. Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng tăng chỉ tiêu của phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM lên 40 - 60% tổng chỉ tiêu của trường.

Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng dành 40 - 70% chỉ tiêu xét tuyển của trường dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức và 5 – 10% chỉ tiêu dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội.

Năm nay cũng giống như hai mùa tuyển sinh trước, nhiều trường tiếp tục phương thức xét tuyển đại học có sử dụng chứng chỉ quốc tế. Một số phương thức xét tuyển dùng chứng chỉ quốc tế được các trường áp dụng như: xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập hoặc chứng chỉ năng lực quốc tế (SAT, ACT, A-Level); xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ và kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ với điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia.

HM (T/h)
Ý kiến của bạn
Năm 2025, lãi suất cho vay nhà ở xã hội giảm xuống 4,7%/năm Năm 2025, lãi suất cho vay nhà ở xã hội giảm xuống 4,7%/năm

Lãi suất cho vay nhà ở xã hội của năm 2025 giảm xuống còn 4,7%/ năm. Đây là nội dung trong Quyết định số 2690/QĐ-NHNN về mức lãi suất áp dụng trong năm 2025, đối với các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở của các ngân hàng thương mại, do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành.