Cổ phiếu các công ty của ông Phạm Nhật Vượng có ảnh hưởng tới đâu?
Nếu như trong phiên lao dốc, cổ phiếu “họ” Vingroup có góp phần lớn thì trong phiên tăng mạnh hôm qua, nhóm này lại góp hơn 10 điểm trong tổng mức tăng 23,66 điểm của VN-Index.
Thị trường chứng khoán trong phiên 16/6 đã chứng kiến sức bật mạnh mẽ của phần lớn cổ phiếu sau khi bị chốt lời, lao dốc không phanh ngay phiên trước đó.
VN-Index tăng 23,66 điểm tương ứng 2,84% lên 856,13 điểm; HNX-Index tăng 1,67 điểm tương ứng 1,46% lên 115,49 điểm và UPCoM-Index tăng 0,54 điểm tương ứng 0,97% lên 56,08 điểm.
Top 10 cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất đến diễn biến VN-Index
Hiệu ứng hồi phục lan rộng. Cả thị trường được bao phủ bởi sắc xanh. Có 515 mã tăng giá, 67 mã tăng trần so với 226 mã giảm, 38 mã giảm sàn.
Thanh khoản đã chững lại đáng kể so với những phiên trước đó cho thấy phần nào vẫn còn sự thận trọng trong kế hoạch giải ngân mới của nhà đầu tư nắm tiền mặt và chưa thể đưa VN-Index về lại mốc 860.
Nhưng điều này cũng phản ánh nhà đầu tư đã không còn tâm lý bán bằng mọi giá. Áp lực bán không còn nên quy mô dòng tiền vào thị trường tuy bị thu hẹp song vẫn giúp thị trường tăng điểm mạnh.
Cụ thể, phiên hôm qua, trên HSX ghi nhận có 412,44 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng giá trị giao dịch 5.610,16 tỷ đồng; HNX có 60,91 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 580,33 tỷ đồng và sàn UPCoM có 20,2 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 218,91 tỷ đồng.
Nếu như phiên ngày 15/6, cổ phiếu “họ” Vingroup và nhóm vốn hoá lớn góp phần kéo sập thị trường thì trong phiên hôm qua, nhóm này lại đạt được mức tăng ấn tượng.
VIC tăng 4.400 đồng lên 93.400 đồng/cổ phiếu; VHM tăng trần 4.900 đồng lên 74.900 đồng, VRE cũng tăng trần 1.750 đồng lên 26.750 đồng và cả hai mã này đều không còn dư bán, có dư mua giá trần.
Theo đó, chỉ riêng 3 mã này đã đóng góp tới 10,09 điểm trong mức tăng chung của VN-Index. Trong đó, VHM đóng góp trên 4,68 điểm, VIC đóng góp hơn 4,24 điểm và VRE đóng góp hơn 1,16 điểm cho chỉ số. Hiện tại, VIC vẫn đang là mã có giá trị vốn hoá lớn nhất trên thị trường, đạt 315.919 tỷ đồng.
Tương tự, VNM cũng tăng mạnh 5.000 đồng lên 117.000 đồng/cổ phiếu, BVH tăng 2.000 đồng, MWG tăng 1.900 đồng, VCB tăng 1.700 đồng, MSN, GAS, CTG, BID đều tăng. Tổng cộng có 24 mã tăng giá trong rổ VN30 và giúp chỉ số VN30-Index tăng 20,11 điểm tương ứng tăng 2,58% lên 798,82 điểm.
Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu tăng nóng thời gian gần đây đã bắt đầu xuất hiện tình trạng chốt lời. Trong đó, ITA của Tân Tạo quay đầu giảm 5,9%, HBC giảm 4,9% và SHN cũng giảm 9,3%.
Nhóm cổ phiếu có vốn hoá lớn nhất thị trường đều tăng giá, hỗ trợ đáng kể cho chỉ số
Theo nhận xét của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), sự phục hồi khá tốt của thị trường chứng khoán thế giới đã góp phần chặn đà giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam và các chỉ số nhanh chóng phục hồi trở lại.
Mặc dù VN-Index có sự thận trọng trước ngưỡng 860 điểm nhưng với dấu hiệu hồi phục khá tích cực trên diện rộng và có sự dẫn dắt của các cổ phiếu vốn hóa lớn, chúng ta vẫn có thể kỳ vọng nhịp phục hồi hiện tại của thị trường sẽ kéo dài qua phiên giao dịch tiếp theo.
Tuy nhiên, VDSC lưu ý, rủi ro vẫn đang tiềm ẩn sau đợt sụt giảm khá mạnh của VN-Index từ vùng 900 điểm, do vậy nhà đầu tư vẫn nên cân nhắc giảm dần tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục trong đợt phục hồi này.
Mai ChiGiá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.