Cổ phiếu đang ‘thăng hoa’, ngân hàng rục rịch chia cổ tức khủng bằng cổ phiếu
Trong tháng 6 này và nửa cuối năm 2021, nhiều ngân hàng đã có kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu. Tuy nhiên, trả cổ tức bằng cổ phiếu cũng tồn tại những mặt lợi - hại.
Trong nửa đầu năm 2021, cổ phiếu ngân hàng trở thành tâm điểm và động lực chủ yếu giúp các chỉ số trên thị trường chứng khoán tăng mạnh.
Có những ngân hàng có mức tăng trưởng giá lên tới con số trên 100% như Một số cổ phiếu như VPB, VIB, NVB, SSB, LPB,... đã tăng trưởng trên 100%. Loạt cổ phiếu các ngân hàng nhỏ như VBB, NAB, ABB,... cũng tăng khoảng 70-90% từ đầu năm đến nay.
Loạt ngân hàng rục rịch chia cổ tức khủng bằng cổ phiếu
Hiện tất cả cổ phiếu ngân hàng đều trên mức giá 20.000 đồng/cp.
Trước sóng cổ phiếu ngân hàng mạnh mẽ và chưa có dấu hiệu dừng lại, nhiều ngân hàng đang rục rịch chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Mới đây, ACB vừa đưa thông báo về ngày đăng ký cuối cùng để trả cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu là ngày 11/6/2021. Tỷ lệ trả cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu là 25%, tương đương phát hành hơn 540 triệu cổ phiếu. Sau khi phát hành cổ tức, tổng vốn điều lệ của ACB sẽ tăng lên hơn 27.000 tỷ đồng.
Cũng trong tháng 6 này, MSB sẽ phát hành 352,5 triệu cổ phiếu trả cổ tức 30% cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ từ 11.750 tỷ lên 15.275 tỷ đồng.
Đồng thời, VIB cũng ra quyết định ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông VIB hưởng quyền nhận cổ phiếu thưởng là ngày 10/06/2021. Theo đó, mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phần hiện hữu sẽ được nhận thêm 40 cổ phần mới.
Phía MB cũng dự kiến chi trả cổ tức cho cổ đông ở mức 35% bằng cổ phiếu trong nửa cuối năm 2021, qua đó tăng vốn từ 27.987 tỷ đồng lên 37.782 tỷ đồng.
Ngoài ra, một số ngân hàng cũng đang chuẩn bị chia cổ tức bằng cổ phiếu trong năm 2021 này như: KienLongBank tỷ lệ chia cổ tức là 13%, NamA Bank là 10,2%; SeABank là 9,12%, BIDV là 12,2% (lợi nhuận năm 2019 và 2020); Bac A Bank là 6,3%; Saigonbank là 5%,...
Lợi - hại từ chia cổ tức bằng cổ phiếu
Theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), năm nay các ngân hàng cũng sẽ chỉ được chia cổ tức bằng cổ phiếu, thay vì cả tiền mặt như trước. Việc không chia cổ tức bằng tiền mặt được cho sẽ giúp các TCTD có thêm nguồn lực để tiếp tục giảm sâu lãi suất cho vay, hỗ trợ hàng triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tăng năng lực tài chính và tuân thủ tốt hơn các quy định của NHNN về an toàn vốn.
Bản chất của trả cổ tức bằng cổ phiếu là chia tách cổ phiếu, điều thường thấy ở những doanh nghiệp có giá cổ phiếu quá cao. Nguồn chia cổ tức là phần lợi nhuận giữ lại sẽ được bổ sung vào vốn điều lệ, giúp doanh nghiệp tăng vốn.
Một số nhà đầu tư cho rằng, với những cổ phiếu có thị giá cao thì nhận cổ tức bằng cổ phiếu có lợi hơn tiền mặt. Điều này chưa hẳn đúng. Bởi lẽ, dù được số cổ phiếu nhiều hơn nhưng giá cổ phiếu sẽ bị điều chỉnh giảm tương ứng, bản chất cũng như cũ. Một số trường hợp, việc trả cổ tức chỉ nhằm qua mặt nhà đầu tư về dòng tiền yếu kém của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhiều năm trả cổ tức bằng cổ phiếu liên tục. Cái lợi duy nhất của hình thức trả cổ tức này có lẽ giúp nhà đầu tư "né thuế".
Trong một số trường hợp, nhận cổ tức bằng cổ phiếu khiến nhà đầu tư đối mặt nhiều rủi ro hơn khi nhận tiền mặt. Chẳng hạn cổ phiếu đang có xu hướng điều chỉnh giảm giá nhưng phải chờ 1-2 tháng cổ phiếu mới về tài khoản. Đến khi cổ phiếu về, nhà đầu tư có nguy cơ bị thiệt lớn.
Ở một diễn biến khác, cổ phiếu ngân hàng đang thực sự 'thăng hoa', việc nhận thêm cổ phiếu sẽ giúp cổ đông có cơ hội gia tăng tài sản, phần tăng thêm này có thể cao hơn khoản tiền mặt nhận được. Trong khi đó, khoản đầu tư này cũng sinh lợi tốt hơn so với đi gửi ngân hàng lấy lãi. Do đó, thời điểm này ngân hàng trả cổ tức bằng cổ phiếu vừa làm mát lòng cổ đông, vừa giúp các ngân hàng tăng vốn.
Lê TuấnGiá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.