Cổ phiếu doanh nghiệp cung cấp nội thất Hoà Phát tăng trần 10 phiên, quá khứ từng "dậy sóng" với chuỗi 23 phiên liên tiếp "tím lịm"

Doanh nghiệp - Doanh nhân
11:51 PM 19/03/2022

Trong bối cảnh thị giá THS tăng phi mã, hàng loạt lãnh đạo đang tranh thủ chốt lời bằng cách đăng ký bán ra toàn bộ cổ phần nắm giữ, duy nhất một thành viên HĐQT đã đăng ký mua vào cổ phiếu THS

Chốt phiên 18/3, thị giá cổ phiếu THS của Công ty cổ phần Thanh Hoa - Sông Đà tiếp tục tăng kịch trần 9,81% lên mức cao nhất ngày 34.700 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là phiên tăng trần thứ 10 trong tháng 3/2022 của cổ phiếu này. So với mức giá 13.000 đồng trước khi bắt đầu nhịp tăng, thị giá THS đã tăng lên gấp 2,7 lần chỉ sau 11 phiên giao dịch.

Cổ phiếu doanh nghiệp cung cấp nội thất Hoà Phát tăng trần 10 phiên, quá khứ từng dậy sóng với chuỗi 23 phiên liên tiếp tím lịm - Ảnh 1.

Trước "đợt sóng" này, cổ phiếu THS không có mấy giao dịch, thanh khoản trong tháng 2 cũng gần như "đóng băng". Đến khi thị giá tăng sốc, thị trường cũng chỉ ghi nhận vài trăm cổ phiếu được giao dịch khớp lệnh trong mỗi phiên.

Cổ phiếu doanh nghiệp cung cấp nội thất Hoà Phát tăng trần 10 phiên, quá khứ từng dậy sóng với chuỗi 23 phiên liên tiếp tím lịm - Ảnh 2.

Theo tìm hiểu, THS tiền thân là công ty công nghệ phẩm Thanh Hoá. Đến tháng 9/2003, công ty đã được chuyển đổi thành CTCP thương mại dịch vụ Thanh Hoa và cho tới tháng 5/2004, Tổng Công ty Sông Đà đã được mời góp vốn, qua đó thành lập nên Công ty Cổ phần Thanh Hoa - Sông Đà với vốn điều lệ 10,1 tỷ đồng. Tổng Công ty Sông Đà sau đó đã tiến hành thoái vốn trong năm 2014.

Hoạt động kinh doanh chính của THS là bán buôn các mặt hàng tiêu dùng như sứ, nhôm, nhựa; cung cấp và lắp đặt nội thất Hoà Phát, Xuân Hoà; chăn ga gối đệm, bóng đèn phích nước, quat; các thiết bị điện tử điện lạnh và dịch vụ cho thuê mặt bằng (siêu thị 301 Trần Phú, Thanh Hoá;  Trung tâm thương mại 25 Lê Lợi, Thanh Hoá.

Cổ phiếu THS bắt đầu được niêm yết trên sàn HNX vào tháng 11/2013. Kể từ khi chào sàn tới nay, cổ phiếu THS cũng từng làm dậy sóng thị trường chứng khoán với chuỗi 23 phiên tăng trần xuyên từ tháng 4 đến tháng 5/2020. Theo đó, thị giá THS leo nhanh từ mức 15.200 đồng/cổ phiếu lên 51.500 đồng/cổ phiếu tương ứng gấp 3,4 lần. 

Tuy nhiên, ngay sau đó là 4 phiên giảm sàn, đưa cổ phiếu THS về 30.900 đồng/cổ phiếu, vẫn gấp đôi trước nhịp tăng mạnh trên. Sau đó, thị giá THS bước vào chuỗi downtrend, về vùng thấp nhất 13.000 đồng trong đầu năm 2022 rồi lại "bốc đầu" tăng phi mã như hiện tại.

Cổ phiếu doanh nghiệp cung cấp nội thất Hoà Phát tăng trần 10 phiên, quá khứ từng dậy sóng với chuỗi 23 phiên liên tiếp tím lịm - Ảnh 3.

Lợi nhuận năm 2021 vượt 48% kế hoạch đề ra, mục tiêu thận trọng trong năm 2022

Nhìn lại tình hình sản xuất kinh doanh trong năm 2021, THS ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 278 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán hàng hoá chiếm tới hơn 96% doanh thu, đạt hơn 268 tỷ đồng; còn lại hơn 10 tỷ đồng là doanh thu cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, mảng cung cấp dịch vụ lại đem về tới 40% lợi nhuận gộp cho toàn công ty bởi lẽ mảng bán hàng có chi phí giá vốn chiếm tỷ trọng lớn. 

Kết quả, THS báo LNST năm 2021 đạt gần 4 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2020; đồng thời vượt 48% kế hoạch đề ra.

Ngày 10/3 vừa qua, THS đã tiến hành họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với chỉ tiêu tổng doanh thu gần 285 tỷ đồng và LNST kỳ vọng đạt 4 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng nhẹ  2% và hơn 5% so với thực hiện trong năm trước. Tỷ lệ chi trả cổ tức đạt 10%.

Cổ phiếu doanh nghiệp cung cấp nội thất Hoà Phát tăng trần 10 phiên, quá khứ từng dậy sóng với chuỗi 23 phiên liên tiếp tím lịm - Ảnh 4.

Nguồn: THS

Đại hội cũng thông qua một số tờ trình, trong đó là việc chấp thuận cho ông Lê Anh Tuấn, Thành viên HĐQT THS nhận chuyển nhượng cổ phiếu có quyền biểu quyết dẫn đến đạt các mức theo quy định mà không phải thực hiện chào mua công khai.

Thông tin liên quan, ngày 12/4 tới đây, THS sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện chi trả cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt tỷ lệ 10%, tương ứng cổ đông sở hữu mỗi 1 cổ phiếu sẽ nhận về 1.000 đồng, dự chi gần 3 tỷ đồng.

Lãnh đạo tranh thủ chốt lời khi thị giá tăng phi mã, duy nhất một thành viên đăng ký mua vào cổ phần

Xét về cơ cấu cổ đông tại công ty, Lê Anh Tuấn, Thành viên HĐQT THS hiện đang là cổ đông lớn nhất với việc nắm giữ 24,37% vốn. Ngoài ra công ty đang sở hữu 300.000 cổ phiếu quỹ.

Mới đây, trong bối cảnh giá cổ phiếu tăng phi mã, ông Tuấn đã đăng ký mua gần 1,5 triệu cổ phiếu THS, dự kiến giao dịch từ 21/3 đến 19/4/2022.

Ngược chiều, cùng trong khoảng thời gian trên, ông Trương Vạn Thành, Chủ tịch HĐQT THS đã đăng ký bán toàn bộ 286.300 cổ phiếu THS  (tỷ lệ 10,6%); ông Nguyễn Thanh Hải, Thành viên HĐQT cũng đăng ký bán toàn bộ 225.000 cổ phiếu THS (tỷ lệ 8,33%); ông Đỗ Văn Thái, Trưởng BKS thoái toàn bộ 131.030 cổ phiếu THS (tỷ lệ 4,85%); và bà Nguyễn Thị Thanh, mẹ vợ ông Lê Mạnh Chiến, Thành viên HĐQT cũng muốn bán toàn bộ 292.653 cổ phiếu THS (tỷ lệ 10,84%).

Phương Linh
Ý kiến của bạn
IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024 IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024

Năm 2024, Việt Nam được IMF dự báo quy mô GDP theo sức mua tương đương - GDP (PPP) đạt khoảng 1.559 tỷ USD, xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Indonesia vẫn được dự báo xếp thứ nhất với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 4.720 tỷ USD.