Cổ phiếu hàng không đã sẵn sàng "cất cánh"?
Việc Việt Nam sẽ lại đường bay quốc tế từ ngày 15/2 đã đưa cổ phiếu ngành hàng không lên mặt bằng mới. Theo các chuyên gia, đây là thời điểm tốt để bắt đầu tích lũy cổ phiếu ngành hàng không với mức tăng trưởng lợi nhuận 2022-23 mạnh mẽ.
Cụ thể, những mã cổ phiếu ngành hàng không như HVN của Vietnam Airlines, VJC của Vietjet Air và Tổng công ty cụm cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã tăng giá liên tục trong vài phiên với mức khá mạnh. Thậm chí có phiên đã tăng đến mức giá trần.
Một số mã chứng khoán thuộc ngành hàng không đã tăng giá với mức từ 10-15% tính đến thời điểm thông tin mở lại hoàn toàn các đường bay quốc tế được công bố. Tuy nhiên, nhịp tăng trên mang tính chất phản ánh kỳ vọng. Chính vì thế sau mức tăng trên, các mã như VJC, HVN, ACV... đã có bước chững lại. Để giá cổ phiếu nhóm ngành này tăng mạnh, cần thêm một thời gian nữa khi các chuyến bay quốc tế có lượng khách trở lại như trước đây.
Như vậy, cổ phiếu ngành hàng không dù được hưởng lợi từ các thông tin tích cực nhưng không thể hồi phục ngay theo hình chữ V thúc đẩy giá cổ phiếu tăng dựng đứng. Trong diễn biến rung lắc như hiện tại, nhóm cổ phiếu hàng không khó có thể kéo dài được nhịp tăng giá cho dù thị trường chứng khoán với chỉ số VN-Index được dự báo có thể tăng trở lại đỉnh 1.530 điểm trong tháng 2 này.
Theo các công ty chứng khoán, việc xuống tiền đầu tư vào cổ phiếu hàng nên có tầm nhìn chí ít là trung hạn trở đi. Còn về ngắn hạn, chưa thể kỳ vọng nhiều về nhóm ngành cổ phiếu này.
Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, với động lực từ các chính sách kích cầu du lịch nội địa, thị trường trong nước vẫn sẽ là động lực tăng trưởng chính, trong khi vận tải quốc tế phục hồi chậm hơn do vẫn phải duy trì các biện pháp hạn chế ở mức hợp lý.
Bên cạnh đó, nếu các đường bay quốc tế mở cửa hoàn toàn thì có thể hồi phục mạnh bắt đầu từ cuối quý II đến đầu quý III năm nay. Theo đó, ước tính lượng khách nội địa và quốc tế năm 2022 là 30 triệu và 5 triệu hành khách, lần lượt tăng 89,9% và 4.661% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, việc nối lại các chuyến bay quốc tế vẫn cần thời gian để thử nghiệm trong những tháng đầu, dự báo lợi nhuận của nhóm hàng không có thể không quá khả quan trong nửa đầu năm 2022.
Đồng thời, mức độ hồi phục của các doanh nghiệp sẽ khác nhau đối với từng chuỗi giá trị trong ngành. Theo đó, các doanh nghiệp phục vụ hàng hóa sẽ có tốc độ tăng trưởng tốt nhất khi tần suất các chuyến bay được tăng lên, sau đó là các doanh nghiệp phục vụ mặt đất, dịch vụ hàng không và suất ăn hàng không, cuối cùng là các doanh nghiệp vận tải hàng không sẽ hồi phục sau cùng.
Chẳng hạn, các hãng hàng không giá rẻ như Vietjet Air sẽ có khả năng hồi phục tốt hơn do đội bay trẻ tiết kiệm nhiên liệu cùng vị thế thống lĩnh trên thị trường trong nước và quốc tế ở các chặng ngắn.
Trong khi đó, Vietnam Airlines đã phải tăng thêm 8.000 tỷ vốn bổ sung để tránh âm vốn chủ sở hữu, nhưng tổng công nợ vẫn chiếm đến 98% tổng tài sản sẽ cản trở việc mở rộng đội bay khi dịch bệnh được kiểm soát. Không chỉ vậy, Vietnam Airlines còn đang thực hiện bán 11 máy bay do khó khăn về tài chính.
Mặc dù tích cực tăng thị phần, nhưng Bamboo Airways lại chưa thể có khả năng gia tăng công suất khai thác trong năm nay khi vào tháng 8/2021, CAAV đã từ chối kế hoạch mở rộng của các hãng hàng không này.
Theo Công ty VnDirect, ngành hàng không còn đối diện với 3 rủi ro lớn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng ngành hàng không.
Thứ nhất, mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã trình dự thảo phương án áp giá sàn vé máy bay nội địa từ tháng 11/21 đến tháng 10/22. Nếu dự thảo được thông qua, việc áp giá sàn đối với vé máy bay nội địa sẽ làm giảm lượng vé rẻ và giảm sức cạnh tranh của mô hình hãng hàng không giá rẻ, trong đó có VJC. Điều này cũng có thể cản trở kế hoạch kích cầu du lịch và hàng không của Chính phủ trong giai đoạn tới.
Thứ hai, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 đã được Chính phủ từng bước kiểm soát. Tuy nhiên, rủi ro tiềm ẩn của một đợt bùng phát khác vẫn tồn tại, có thể dẫn đến lượng hành khách nội địa thấp hơn dự kiến và việc nối lại lưu lượng quốc tế chậm hơn dự kiến, tiềm ẩn rủi ro ngắn hạn cho ngành hàng không. Trong khi đó, việc thống nhất mở cửa bay quốc tế nhưng những yêu cầu về chính sách nhập cảnh, điều kiện y tế hành khách nhập cảnh nếu không điều chỉnh cũng khó thu hút khách du lịch.
Thứ ba, hiện tại, giá dầu Brent đã tăng 67% lên khoảng 83 USD/thùng kể từ đầu năm 2021 do kinh tế toàn cầu phục hồi mạnh mẽ. Giá nhiên liệu cao hơn dự kiến dẫn đến chi phí khai thác của các hãng hàng không cao hơn, điều này có thể làm tăng giá vé và giảm nhu cầu đi máy bay.
An MaiDự kiến từ đầu năm 2025, ngành thuế sẽ nâng cấp ứng dụng hỗ trợ cá nhân kê khai thuế điện tử, tự động hỗ trợ toàn bộ việc quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế.