Cổ phiếu ngân hàng giảm sâu có hấp dẫn nhà đầu tư?

Chứng khoán
08:00 AM 28/07/2020

Trong phiên giao dịch ngày 27/7, cổ phiếu nhóm ngân hàng giảm sâu sau khi Việt Nam ghi nhận 2 ca nhiễm mới trong cộng đồng tại Đà Nẵng và Quảng Ngãi.

    Nhiều cổ phiếu ngân hàng giảm sâu trong ngày 27/7

    Trong phiên giao dịch hôm qua, VN-Index mở cửa mất ngay mốc 800 điểm khi giảm hơn 30 điểm ngay từ đầu phiên, tuy nhiên lực cầu bắt đáy khá mạnh tại các bluechips đã giữ thị trường ở vùng 782 điểm.

    Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu BVB của Ngân hàng Bản Việt giảm giảm sàn hơn 11%; SHB giảm 6,2%; MBB, VPB, TCB, STB, BID giảm sàn gần 7%; TPB, VIB giảm hơn 5%; VCB, LPB, HDB giảm hơn 4%. Đặc biệt, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã vào vùng giá hấp dẫn nên trong phiên ngày 27/7, nhiều cổ phiếu đã dư mua giá sàn, như cổ phiếu CTG dư mua hơn 3 triệu đơn vị giá sàn, BID dư mua hơn 383 ngàn đơn vị giá sàn...

    Trước đó, nhiều chuyên gia nhận định cổ phiếu ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch COVID-19 sẽ kéo theo nợ xấu, chi phí trích lập dự phòng tăng và lợi nhuận giảm khi thực hiện các chính sách hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng và doanh nghiệp vay vốn. 

    Ông Nguyễn Quốc Hùng- Vụ trưởng Vụ tín dụng NHNN, cho biết lợi nhuận của 4 ngân hàng có vốn Nhà nước năm nay giảm khoảng 40% để đóng góp vào việc giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, VietinBank, VCB, BIDV đã xác định trong năm 2020 sẽ tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận từ 3.000 - 4.000 tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

    Tuy nhiên trên thực tế, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm nay của nhiều ngân hàng vẫn tương đối khả quan. Theo FiinPro, trong số 8 ngân hàng đã đưa ra kết quả kinh doanh, ước tính có 5 ngân hàng thực hiện trên 50% kế hoạch năm gồm VPBank (58,7%), VIB (55,6%), ACB (52,4%) và MB, SHB (khoảng 50%). Bên cạnh đó, một số ngân hàng cũng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trên 20% như VIB (41%), HDBank (39,7%), VietinBank (38,9%), TPBank (30,4%) và VPBank (20,6%). 

    Theo các chuyên gia VDSC, các yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm nay sẽ tiếp tục được duy trì, bao gồm: Tốc độ tăng các ca nhiễm COVID-19 chậm lại, các nền kinh tế trên thế giới dần nới lỏng lệnh cách ly và các thông tin tích cực liên quan đến quá trình sản xuất vaccine phòng ngừa COVID-19; Các tín hiệu hồi phục rõ ràng hơn của kinh tế trong nước, bao gồm sự hồi phục sức tiêu thụ ở các thị trường xuất khẩu chính và việc dần khôi phục lại ngành du lịch; Xu hướng nới lỏng tiền tệ ở trên thế giới và Việt Nam; Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, hay hoạt động thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

    Tuy nhiên, cũng có các yếu tố rủi ro sẽ ảnh hưởng tới nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng nói riêng và cổ phiếu các ngành nói chung, đó là làn sóng COVID-19 thứ 2 quay trở lại; Thị trường đã tăng mạnh và rơi vào vùng định giá không quá hấp dẫn; Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phục hồi chậm hơn so với kỳ vọng, đi kèm sự gia tăng ở nợ xấu ngân hàng và căng thẳng Mỹ - Trung, suy thoái kinh tế ở các nền kinh tế lớn…

    Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, các nhà đầu tư nên tiếp tục nắm giữ cổ phiếu ngân hàng cho những vị thế đầu tư trung và dài hạn...

    Dương Thùy
    Ý kiến của bạn