Cổ phiếu ngành logistics tăng vọt nhờ xuất khẩu phục hồi

Chứng khoán
09:33 AM 06/06/2024

Theo phân tích của chuyên gia kinh tế thuộc VinaCapital, xuất khẩu của Việt Nam phục hồi đã thúc đẩy giá cổ phiếu ngành logistics tăng vọt.

Báo cáo mới đây của phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital cho biết, việc phục hồi xuất khẩu đã có tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam. 

Cổ phiếu ngành logistics tăng vọt nhờ xuất khẩu phục hồi- Ảnh 1.

Xuất khẩu của Việt Nam hồi phục kéo theo sự tăng trưởng trở lại của hoạt động sản xuất từ mức giảm 2% trong 4 tháng đầu năm 2023 lên mức tăng 6% trong 4 tháng đầu năm 2024, và sản xuất chiếm khoảng 25% nền kinh tế. Doanh thu từ dịch vụ xếp dỡ hàng hóa đường hàng không và đường biển tăng hơn 30% so với cùng kỳ. Đó là một lý do khiến cổ phiếu của các công ty logistics tăng vọt trong năm nay, thậm chí tăng mạnh hơn VN-Index.

Giá cổ phiếu của các công ty logistics hàng đầu trong nước như Gemadept (GMD), Cảng Sài Gòn (SGP) và CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn tập trung vào thương mại quốc tế đã tăng 50% so với cùng kỳ năm trước, vượt xa mức tăng 20% của chỉ số VN-Index.

Khoảng 1/3 doanh thu của các công ty logistics tập trung vào thương mại quốc tế (trái ngược với các doanh nghiệp tập trung vào vận chuyển nội địa) có nguồn gốc từ việc vận chuyển hàng hóa. Các hợp đồng được ký trong giai đoạn 2020-2021 hiện sắp kết thúc, vì vậy VinaCapital kỳ vọng mức tăng trưởng doanh thu chung của các công ty đó gần như không đổi trong năm nay, bất chấp hoạt động vận chuyển tăng trưởng mạnh mẽ và phí xử lý cảng cao hơn.

VinaCapital nhấn mạnh: Các nhà đầu tư đang nhìn xa hơn sự tăng giảm bất thường về giá cước vận chuyển và hào hứng với các yếu tố khác, bao gồm triển vọng tăng thêm phí cảng do Chính phủ quy định và việc tăng công suất, nâng cao hy vọng Việt Nam có thể trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế như Singapore.

Xác định logistics là một trong những ngành có cơ hội đầu tư triển vọng nhất, các nhà quản lý danh mục cổ phiếu niêm yết của VinaCapital đã tăng tỷ trọng vào cổ phiếu ngành logistics trong danh mục của các quỹ mở VinaCapital vào năm ngoái. Điều này đã góp phần giúp cho các quỹ mở VinaCapital tiếp tục tăng trưởng vượt trội so với thị trường chung.

Không chỉ lĩnh vực logistics, VinaCapital cũng thống kê giá cổ phiếu của các công ty vận hành khu công nghiệp (KCN) đã tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước. Dù việc phục hồi xuất khẩu của Việt Nam không ảnh hưởng trực tiếp đến sự tăng giá này như với các công ty logistics, nhưng việc này đang khuyến khích dòng vốn FDI nhiều hơn.

Cụ thể, FDI đăng ký mới tăng hơn 50% trong 5 tháng đầu năm 2024 lên gần 8 tỷ USD, tương đương 4% GDP và hầu hết doanh nghiệp sản xuất đa quốc gia đều xây dựng nhà máy trong các KCN. 

Ngoài ra, các doanh nghiệp đa quốc gia sản xuất các sản phẩm công nghệ cao đang đẩy giá thuê khu công nghiệp lên cao, vì họ thường ít bị ảnh hưởng bởi giá thuê khu công nghiệp hơn so với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng thấp như hàng may mặc hay nội thất.

Thêm vào đó, việc phục hồi xuất khẩu của Việt Nam được thúc đẩy bởi việc gia tăng xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao thường được vận chuyển bằng đường hàng không. Xuất khẩu máy tính xách tay và các sản phẩm điện tử gia dụng khác đã tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước trong 5 tháng đầu năm 2024, gấp đôi mức tăng trưởng xuất khẩu tổng thể 15% của cả nước, đang hỗ trợ dòng vốn FDI hiện tại từ các nhà sản xuất sản phẩm công nghệ cao.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.