Cổ phiếu ngành thép thắng lớn nhưng có giữ được 'phong độ' vào năm tới?
Cổ phiếu ngành thép đã có một năm khá thành công ngoài mong đợi, bất chấp dịch bệnh Covid-19. Nhưng bước sang năm 2021, "kỳ tích" đó có giữ vững được hay không?
Cổ phiếu ngành thép bứt phá ngoạn mục
Theo một báo cáo mới đây của SSI Research, năm 2020, nhờ yếu tố hỗ trợ của vĩ mô, kết quả kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp ngành thép tăng trưởng khởi sắc ngoài dự báo. Quán quân tăng trưởng quý III/2020 thuộc về NKG (Thép Nam Kim) khi doanh nghiệp này báo lãi sau thuế đạt 82,6 tỉ đồng, gấp hơn 13 lần cùng kỳ năm trước.
HSG (Hoa Sen), HPG (Hòa Phát) cũng báo lãi kỷ lục trong quý III/2020 và ghi nhận tăng trưởng mạnh. Cũng theo SSI Research, kể từ sau khi dịch Covid-19 bùng phát, các cổ phiếu ngành thép đã ghi nhận nhịp tăng vượt trội so với Vn-Index. Hàng loạt cổ phiếu ngành thép như HPG, HSG, NKH, POM… đều tăng so với đầu năm, trong đó HPG lập đỉnh, giao dịch trên 40.000 đồng/cổ phiếu.
Tính từ đáy cuối tháng 3/2020 đến nay, cổ phiếu HPG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát đã tăng gấp 3 lần. Trong khi đó, cổ phiếu HSG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen tăng gấp hơn 5 lần từ đáy. Con số này ở NKG (Công ty Cổ phần Thép Nam Kim) cũng lên đến 3,6 lần.
Hỗ trợ đà tăng của nhóm cổ phiếu ngành này là do được hưởng lợi trực tiếp từ sự khan hiếm nguyên liệu cũng như gia tăng nhu cầu thép từ Trung Quốc, đặc biệt là sự tăng giá của thép cuộn cán nóng (HRC).
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, đến những tháng cuối năm 2020, ngành thép đã có sự phục hồi rõ rệt. Cụ thể, sau 6 tháng đầu năm nếu sản lượng sản xuất, tiêu thụ giảm thì kể từ tháng 7 ngành này đã có phục hồi và tính chung trong 11 tháng đầu năm 2020 sản xuất thép các loại đạt 23,3 triệu tấn, tăng 1% so với cùng kỳ 2019.
Bởi vậy, giới chuyên gia dự báo ngành thép sẽ còn có triển vọng tích cực trong năm 2021 bởi sẽ có làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng. Khi đó, vật liệu xây dựng nói chung, thép nói riêng sẽ là ngành được hưởng lợi lớn nhất.
Trong báo cáo của SSI Research cũng ước tính, nhu cầu thép sẽ tăng khoảng 3-5% từ mức cơ sở thấp trong năm 2020, nhờ kỳ vọng kinh tế vĩ mô chung phục hồi, cùng với hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng đặc biệt là các dự án trọng điểm mang tính cấp bách như cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, sân bay quốc tế Long Thành...
Ông Nguyễn Đăng Thiện – chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán Mirea Asset từng đưa ra dự báo, ước tính tổng sản lượng HRC và thép cuộn cán nguội (CRC) trong năm tới sẽ đạt 10,69 triệu tấn, tăng 30% so với cùng kỳ 2020. Cùng với thép, sản lượng tiêu thụ tôn mạ cũng được dự báo sẽ tăng 7-10% trong năm 2021.
Ngoài ra, các cơ hội từ hội nhập, đặc biệt là việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA cũng được kỳ vọng thúc đẩy ngành thép sản xuất, xuất khẩu ra các thị trường mới.
Cùng với kỳ vọng chung của ngành, các chuyên gia cũng đưa ra triển vọng tươi sáng cho nhóm cổ phiếu ngành thép trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là cổ phiếu HPG nhờ vào mức tăng trưởng lợi nhuận vượt bậc ước tính trong thời gian tới.
Thép Nam Kim và Hoa Sen cũng được kỳ vọng sẽ là 2 doanh nghiệp niêm yết mang lại khoản lợi nhuận “kếch xù” cho các nhà đầu tư chứng khoán.
"Kỳ tích" sẽ tái diễn?
Nhìn vào những dự báo có thể thấy, năm 2021 của cổ phiếu ngành thép là một bức tranh tràn ngập một màu xanh hy vọng. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, yếu tố hỗ trợ của vĩ mô như giá HRC, hưởng lợi từ đầu tư công, kỳ vọng vào thị trường bất động sản… mà kết quả kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp ngành thép trong năm 2020 đã khởi sắc ngoài dự báo. Như vậy điều này phản ánh hết qua giá cổ phiếu. Do đó, theo nhiều chuyên gia, vào năm tới, những yếu tố hỗ trợ kia chưa chắc vẫn là "kim bài" cho cổ phiếu ngành thép.
Đối với các nhà đầu tư, họ quan tâm đến nhiều yếu tố trước khi quyết định đầu tư. Năm 2020 ghi nhận nhiều vấn đề ở ngành thép, trong đó có động thái "rời tàu" của nhiều lãnh đạo, cổ đông lớn doanh nghiệp thép ngay trong bối cảnh cổ phiếu đang bứt phá.
Hơn nữa, dù trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu NKG và HSG vẫn đang trên đà tăng và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này được ghi nhận tích cực nhưng thực tế các đơn vị này vẫn đang vướng mắc với các khoản nợ vay.
Mặt khác, dù kết quả kinh doanh có ghi nhận tích cực, nhưng trên thực tế Thép Nam Kim hay Hoa Sen vẫn đang “sa lầy” với những khoản nợ vay. Đơn cử, HSG có giai đoạn dài chạy đua giảm giá, tăng thị phần, mở rộng quy mô lớn, nên khi ngành tôn thép gặp khó khăn đã dẫn tới tình trạng mất cân đối tài chính đành phải lấy ngắn nuôi dài. Thực tế này cộng với việc hiện tượng giá CP tăng nóng khiến cho nhiều CTCK đưa ra khuyến cáo HSG đang ở mức “rủi ro”.
Bởi thế, "kỳ tích" của ngành thép nói chung, cổ phiếu ngành thép nói riêng có lặp lại hay không vẫn chỉ là hi vọng và dự đoán.
N.TSáng 14/9, các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã bắt đầu chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả bão số 3.