Cổ phiếu phá đỉnh 13 năm, "trùm BOT" Tasco có gì ngoài 6 quý lỗ đậm liên tiếp?

Doanh nghiệp - Doanh nhân
07:20 AM 03/12/2021

Trái ngược với đà tăng của cổ phiếu, tình hình kinh doanh của Tasco ngày càng lao dốc khi thua lỗ triền miên.

Bứt phá bất chấp kinh doanh thua lỗ

Trước sự thăng hoa của thị trường chứng khoán, "cơn mưa tiền" đổ vào nhóm vốn hóa vừa và nhỏ khiến hàng loạt mã tăng phi mã . Cổ phiếu HUT của CTCP Tasco cũng không nằm ngoài làn sóng tăng giá khi bật tăng mạnh mẽ trong thời gian ngắn. Tính trong một năm trở lại đây, cổ phiếu này đã tăng gấp 8 lần từ mức giá 2.500 đồng lên 19.000 đồng/cổ phiếu, còn tính riêng một tháng trở lại đây mã này đã tăng hơn 80% giá trị. Đây cũng là mức đỉnh lịch sử của doanh nghiệp BOT từ khi niêm yết trên sàn.

Ngược dòng quá khứ, đỉnh cao của cổ phiếu HUT được xác lập vào năm 2010 khi giá chạm mốc 15.900 đồng. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh ảm đạm cùng áp lực thoái vốn từ quỹ ngoại đã khiến cổ phiếu HUT tụt dốc thảm hại xuống dưới mệnh, thậm chí giá không bằng cốc trà đá trong suốt nhiều năm trở lại đây.

Sau một thời gian chìm vào quên lãng, sự trỗi dậy mạnh mẽ của HUT khiến giới đầu tư không khỏi bất ngờ. Bởi trái ngược với đà tăng của cổ phiếu, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng lao dốc khi thua lỗ triền miên.

Cổ phiếu phá đỉnh 13 năm, trùm BOT Tasco có gì ngoài 6 quý lỗ đậm liên tiếp? - Ảnh 1.

Nói qua về Tasco - doanh nghiệp được biết đến với cái tên "trùm BOT" khi mạnh tay đầu tư hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trải dài từ Bắc đến Nam. Những dự án BOT khi đó được xem là "gà đẻ trứng vàng" mang lại nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho doanh nghiệp.

Bên cạnh mảng giao thông, việc lấn sân sang mảng bất động sản cũng mang lại nguồn thu đáng kể cho doanh nghiệp khi thực hiện nhiều dự án lớn như dự án Foresa Villa và Xuân Phương Residence.

Trên đỉnh vinh quang chưa được bao lâu thì tình hình kinh doanh của Tasco đã lao dốc mạnh từ năm 2018. Thời điểm đó, hàng loạt dự án BOT của công ty tạm dừng thu phí do vướng phải làn sóng các tài xế phản đối các BOT lan rộng trên toàn quốc cùng với lùm xùm xoay quanh các dự án bất động sản đã tác động mạnh đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt, việc rót tiền vào hạ tầng VETC - thu phí không dừng thông minh cũng là nguyên nhân khiến Tasco "lao đao" kể từ thời điểm đó.

Lĩnh vực kinh doanh chính gặp khó cộng thêm "cú đấm bồi" của dịch Covid-19 vào năm 2020 khiến sức khỏe tài chính của HUT càng thê thảm. Doanh nghiệp ghi nhận lỗ đậm 6 quý liên tiếp, lỗ lũy kế lên tới 53 tỷ đồng.

Cổ phiếu phá đỉnh 13 năm, trùm BOT Tasco có gì ngoài 6 quý lỗ đậm liên tiếp? - Ảnh 2.

Khoản lỗ quý 3/2021 đã nâng tổng số lỗ của Tasco sau 9 tháng đầu năm lên hơn 146 tỷ đồng, sâu hơn nhiều so với số lỗ gần 90 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Lỗ lũy kế tính đến hết 30/9 lên đến 53,4 tỷ đồng dù đầu năm vẫn còn khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối gần 81 tỷ đồng.

Năm 2021, Tasco lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu tổng doanh thu 900 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là âm 100 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã "vượt xa" kế hoạch lỗ cả năm sau 9 tháng.

Tiến hành tái cấu trúc mạnh mẽ

Tuy kinh doanh bết bát, nhưng động thái tái cấu trúc mạnh mẽ của HUT được cho là yếu tố tích cực hỗ trợ cho đà tăng giá của cổ phiếu. Theo đó, doanh nghiệp vừa thông báo sẽ tiến hành tái cấu trúc triệt để, thoái vốn khỏi Tổng công ty Thăng Long và một số đơn vị thành viên, dự kiến thu hồi tối thiểu 600 tỷ đồng để tập trung đầu tư cho các lĩnh vực cốt lõi.

Ban lãnh đạo Tasco cũng cho biết, doanh nghiệp sẽ có những thay đổi mạnh mẽ từ nội tại, hướng tới việc tập trung vào các lĩnh vực hoạt động có ưu thế. Công ty sẽ dồn nguồn lực và đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm như đầu tư hạ tầng giao thông bao gồm hạ tầng thông minh VETC, các dự án hạ tầng theo hình thức PPP, đầu tư khai thác bất động sản và đầu tư phát triển hạ tầng y tế.

Đây được coi là các lĩnh vực mũi nhọn của Tasco, đồng nghĩa với việc các lĩnh vực khác chưa thực sự hiệu quả sẽ được cơ cấu lại hoặc thoái vốn. Song song đó, Tasco vẫn sẽ tập trung thực hiện hóa và phát triển các dự án hiện hữu trong lĩnh vực bất động sản và y tế như: Dự án 48 Trần Duy Hưng, khu vực bất động sản dịch vụ tại Khu đô thị Xuân Phương, Dự án Bệnh viện Hải Châu và phát triển kinh doanh Bệnh Viện Mắt Hà Nội 2.

Tuy vậy, cần nhấn mạnh là trong kế hoạch tái cấu trúc, Tasco vẫn đặt đầu tư hạ tầng giao thông các dự án BOT, VETC là lĩnh vực đầu tư trọng điểm.

Trong một diễn biến khác, Tasco cũng vừa thông qua việc phát hành 80 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư. Với số tiền huy động được từ đợt chào bán là 800 tỷ đồng, Tasco dự định sẽ dùng 494,6 tỷ đồng đầu tư góp vốn vào Công ty cổ phần VETC. Số còn lại sẽ thanh toán công nợ và bổ sung vốn cho công ty con. Nếu phát hành hoàn tất, vốn điều lệ của Tasco sẽ tăng từ 2.686 tỷ đồng lên thành 3.486 tỷ đồng.

Đáng chú ý, mới đây UBND tỉnh Thanh Hóa vừa phê duyệt Tasco là một trong hai đơn vị trúng thầu Dự án Khu dân cư và thương mại dịch vụ xã Quảng Phú tại TP Thanh Hóa. Dự án có quy mô gần 40ha với tổng giá trị hơn 2.400 tỷ đồng.

Mục tiêu của dự án là xây dựng khu dân cư và thương mại dịch vụ đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đảm bảo khớp nối về không gian kiến trúc và hạ tầng với các dự án lân cận.

Minh Châu
Ý kiến của bạn
IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024 IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024

Năm 2024, Việt Nam được IMF dự báo quy mô GDP theo sức mua tương đương - GDP (PPP) đạt khoảng 1.559 tỷ USD, xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Indonesia vẫn được dự báo xếp thứ nhất với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 4.720 tỷ USD.