Cổ phiếu thép tiếp tục tăng tốc: HPG, HSG lên vùng giá mới, NKG thậm chí kịch trần
Sang quý 1/2021, thậm chí những mã đầu ngành HPG, HSG, NKG tăng tốc vượt bậc khiến nhiều nhà đầu tư bày tỏ sự lo ngại về dư địa của nhóm này. Tâm lý trên khá dễ hiểu, đặc biệt trong bối cảnh rủi ro về giá nguyên vật liệu đang ở mức cao. Dù vậy, bất chấp sự hoài nghi của thị trường, nhóm thép mở màn tuần giao dịch mới khá sôi động.
Phiên đầu tuần 10/5/2021, cổ phiếu thép tiếp tục nhảy vọt bất chấp thị trường chung biến động mạnh. Ghi nhận, đi cùng xu hướng tăng trưởng của toàn ngành, đặc biệt là giá thép tăng cao, cổ phiếu thép HPG (Hoà Phát), NKG (Nam Kim), HSG (Hoa Sen), SMC… đã tăng một mạch không ngừng nghỉ từ đầu năm 2020.
Sang quý 1/2021, thậm chí những mã đầu ngành HPG, HSG, NKG tăng tốc vượt bậc khiến nhiều nhà đầu tư bày tỏ sự lo ngại về dư địa của nhóm này. Tâm lý trên khá dễ hiểu, đặc biệt trong bối cảnh rủi ro về giá nguyên vật liệu đang ở mức cao. Dù vậy, bất chấp sự hoài nghi của thị trường, nhóm thép mở màn tuần giao dịch mới khá sôi động.
Trong đó, mã HPG của Tập đoàn Hoà Phát nhảy vọt lên vùng giá mới 63.000 đồng/cp, tăng giá gần 4% ngay trong phiên sáng, thanh khoản dồi dào.
Là anh cả trong ngành, quý 1/2021 Hoà Phát đã vượt qua toàn bộ nhóm ngân hàng thương mại, từ Vietcombank, Vietinbank, Techcombank đứng đầu toàn thị trường về lợi nhuận sau thuế. Trong đó, Tập đoàn đạt 31.177 tỷ đồng doanh thu, tăng 62% và lợi nhuận sau thuế đạt 6.977,6 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm 2020.
Xác định trở thành tập đoàn đa ngành trong tương lai, song quý đầu năm nay thép là trụ cột tăng trưởng chính của HPG với 28.800 tỷ đồng doanh thu, chiếm tỷ trọng hơn 92% và tăng 23% so với cùng kỳ. Hai mảng còn lại gồm nông nghiệp mang về gần 2.250 tỷ đồng doanh thu và mảng bất động sản chiếm một phần rất nhỏ với 125 tỷ đồng.
Không kém cạnh, HSG của Tập đoàn Hoa Sen cũng thiết lập vùng giá mới, tiến sát vùng 40.000 đồng/cp với thanh khoản duy trì ở mức cao. Tính riêng từ đầu năm đến nay, thị giá HSG đã tăng hơn 77%, từ vùng 22.000 đồng/cp lên 39.000 đồng/cp.
Khác với HPG, HSG năm 2021 trước sự biến động giá nguyên liệu tuyên bố sẽ tiếp tục chiến lược đầu cơ để hưởng chênh lệch giá. Cần nhấn mạnh, thông thường lợi nhuận của HSG sẽ biến động theo chu kỳ tăng giảm của nguyên vật liệu. Và dù từng nhận trái đắng khi đầu cơ nguyên liệu, thậm chí đưa HSG đến bờ vực nợ khủng, Chủ tịch Lê Phước Vũ vẫn tuyên bố khi thấy thời cơ ta phải táo bạo hơn, quyết liệt hơn. Bởi, "Cả thế giới đều là đầu cơ", ông nói.
Năm 2021, HSG lên kế hoạch lợi nhuận 1.500 tỷ, con số này dựa trên dự báo giá thép HRC trung bình năm 2021 sẽ xoay quanh 600-650 USD/tấn. Công ty cũng vừa công bố tình hình kinh doanh quý 2/2021 (niên độ 1/10/2020 - 30/9/2021) với lợi nhuận sau thuế cao gấp 5 lần, đạt 1.035 tỷ đồng. Tổng lãi sau thuế 2 quý đầu năm đã vượt chỉ tiêu ban đầu với 1.607 tỷ đồng.
Đặc biệt, NKG của Thép Nam Kim dù ở vùng giá thấp so với 2 đàn anh, song mã này liên tục đi lên với tốc độ tăng mạnh, thậm chí kịch trần trong phiên sáng (10/5/2021) với 32.100 đồng/cp. Tính riêng quý 1/2021, thị giá NKG đã bật tăng hơn 2 lần từ mức giá 15.000 đồng/cp (đầu năm 2021).
Kết thúc quý 1/2021, NKG đạt 4.861 tỷ doanh thu - tăng gấp đôi so với con số 2.459 tỷ cùng kỳ năm 2020. Khấu trừ chi phí, NKG thu về gần 319 tỷ lãi ròng, cao gấp 7,7 lần cùng kỳ. Đây cũng là mức lãi kỷ lục theo quý của Công ty từ trước đến nay.
Chia sẻ về tình hình kinh doanh tại ĐHĐCĐ mới đây, ông Vũ Hoàng Vũ, Tổng Giám đốc cho biết kế hoạch doanh thu thận trọng do xây dựng từ đầu năm - thời điểm giá thép thấp hơn nhiều. Theo đó, doanh thu thực tế năm nay có thể đạt 19.000 tỷ đồng. Tính từ đầu quý 4/2020 đến nay thì giá thép đã tăng gấp đôi, CEO nhấn mạnh. Liên quan đến giá thép đang tăng cao, ông Vũ không phủ nhận dĩ nhiên tăng cao quá sẽ có giảm. "Nói về dự báo giá thép thì rất khó để nói. Riêng NKG cũng đã có những kế hoạch quản trị rủi ro chặt chẽ. Tính đến nay, đầu ra Công ty đã chốt giá bán đến hết quý 3/2021", vị này nói thêm.
Điểm qua tình hình ngành, tiêu thụ thép quý 1/2021 đã có mức tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái khi được hỗ trợ bởi cả nhu cầu mạnh mẽ ở các thị trường xuất khẩu và hoạt động xây dựng trong nước phục hồi. Sản lượng sản xuất và tiêu thụ thép thành phẩm (bao gồm thép xây dựng, thép ống và tôn mạ) lần lượt đạt 4,6 triệu tấn - tăng 18,2% so với cùng kỳ và 4,4 triệu tấn - tăng 21,7%. Sản lượng xuất khẩu tăng mạnh nhất trong mảng tôn mạ, trong khi, thị trường nội địa thúc đẩy tiêu thụ HRC, thép xây dựng và ống thép.
Theo quan điểm CTCK, quý đầu năm nay là quý thành công đối với các nhà sản xuất thép phẳng hạ nguồn khi doanh số bán tôn mạ và ống thép đều tăng trưởng mạnh mẽ. Tiêu thụ tôn mạ tăng khoảng 50%, trong đó sản lượng xuất khẩu tăng 134%. Hầu hết các nhà sản xuất lớn đều đang vận hành hết công suất các nhà máy tôn mạ, bao gồm HSG, NKG, SMC và HPG.
Sang quý 2/2021, giới phân tích kỳ vọng hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực khi một số nhà sản xuất tôn mạ đã nhận đủ đơn đặt hàng cho đến giữa tháng 8/2021. Trong khi đó, tiêu thụ thép xây dựng nhiều khả năng sẽ tăng so với quý 1 do hoạt động xây dựng sôi động hơn trong quý 2 do tính thời vụ và các dự án cơ sở hạ tầng lớn đang được triển khai.
Tiêu thụ thép quý 1/2021 so với quý 1/2020 (Đvt: Tấn)
Xuất khẩu thép quý 1/2021 so với quý 1/2020 (Đvt: Tấn)
Quý III/2024, Việt Nam là quốc gia có tăng trưởng kinh tế (GDP) cao nhất khu vực ASEAN-6 (bao gồm Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines và Thái Lan) với mức tăng 7,4%.