Cổ phiếu VPB vừa mở cửa đã “tím trần”, đây là lý do: Tỷ lệ room ngoại đã chính thức được nâng lên 17,5%!
Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB) vừa có văn bản về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại ngân hàng lên 17,5% vốn điều lệ.
Trước đó, VPBank đã thông báo lấy ý kiến cổ đông về điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ mức 15% lên 17,5% vốn điều lệ.
Tại đại hội thường niên 2021, cổ đông đã thông qua việc giữ room ngoại ở mức 15% nhằm mục đích có đủ tỷ lệ còn lại chào bán cho cổ đông nước ngoài chiến lược theo các hình thức chào bán khác nhau (có thể làm tăng hoặc không tăng vốn điều lệ).
Song, trong trường hợp VPBank chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài mới đến tối đa 15% vốn điều lệ (tính theo mức vốn sau khi phát hành), VPBank chỉ cần giữ mức sở hữu tối đa nước ngoài trước khi chào bán là 17,5%.
Theo đó, VPBank cho biết việc điều chỉnh là đủ để ngân hàng triển khai phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài mới, đồng thời tạo điều kiện linh hoạt hơn cho các cổ đông nước ngoài hiện tại trong việc mua bán trên thị trường chứng khoán.
Tại buổi trao đổi trực tuyến với nhà đầu tư quý III, lãnh đạo VPBank dự kiến có thể hoàn tất kế hoạch này trong quý I/2022. Nếu phát hành thành công, vốn chủ sở hữu của nhà băng này có thể đạt kỷ lục trên dưới 120.000 tỷ đồng.
Theo thông tin chúng tôi nhận được, Uỷ ban chứng khoán nhà nước đã nhận được hồ sơ thông báo thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại VPBank ở mức 17,5% đầy đủ, hợp lệ theo quy định tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chứng khoán (Nghị định số 155/2020/NĐ - CP).
Bộ Tài chính đã đề nghị Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam thực hiện cập nhật, điều chỉnh trên hệ thống về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại VPBank.
Phản ứng với thông tin trên, đầu phiên giao dịch sáng nay ngày 4/3/2022, có lúc tưởng chừng cổ phiếu VPBank tím ngay từ phiên ATO với hơn 10 triệu lệnh dư mua. Hết phiên ATO, giá cổ phiếu quay về giao dịch ở mức 38.400 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 2% so với giá mở cửa ngày 4/3.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.