Cổ phiếu xuống đáy, tình hình kinh doanh có bị ảnh hưởng?
Thời gian qua, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến đà lao dốc của cổ phiếu bất động sản. Tuy nhiên, trong vòng nửa tháng trở lại đây, nhiều mã đã được “giải cứu” với nhiều phiên tăng trần liên tiếp. Song, cổ phiếu HPX của CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest) vẫn bộc lộ nhiều vấn đề.
Cổ phiếu giảm sâu, cổ đông lớn liên tục bị bán giải chấp
Chốt phiên ngày 8/12, cổ phiếu HPX của Hải Phát Invest tiếp tục giảm sàn về 6.800 đồng/cp. So với mức đỉnh thiết lập trong ngày 26/11/2021 (40.000 đồng/cp), cổ phiếu HPX đã để mất 83%. Vốn hóa thị trường theo đó "bốc hơi" gần 10.000 tỷ đồng. Như vậy, cổ phiếu HPX đang ghi nhận 5 phiên giảm gần nhất, trong đó có 4 phiên giảm sàn.
Trước đó, 2 phiên tăng trần (30/11 và 1/12), nhất là phiên 30/11 - cổ phiếu HPX đã thiết lập một phiên giao dịch kỷ lục với khối lượng hơn 165 triệu cổ phiếu tương đương hơn 54% số lượng cổ phiếu đang lưu hành của công ty, mang tới kỳ vọng cho các cổ đông đang "dài cổ" chờ ngày về bờ. Nhưng, cổ phiếu HPX lại nhanh chóng rơi vào đà giảm trở lại.
Thời gian qua, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến đà lao dốc của hầu hết các nhóm ngành, đặc biệt là nhóm cổ phiếu bất động sản. Cũng như bộ đôi cổ phiếu NVL (Novaland) và PDR (Phát Đạt), cổ phiếu HPX tiếp tục rơi chạm đáy. Tuy nhiên, trong vòng nửa tháng trở lại đây, nhiều mã đã được "giải cứu" với nhiều phiên tăng trần liên tiếp, song cổ phiếu HPX chỉ có 2 phiên đóng cửa trong sắc tím.
Trước tình hình cổ phiếu giảm sâu, Chủ tịch HĐQT Hải Phát Đỗ Quý Hải cùng những người liên quan liên tục bị các công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/12, HPX dừng ở mức 8.440 đồng/CP, giảm 31.560 đồng/CP, tương đương 78,9% so với "đỉnh" được thiết lập trong ngày 26/11/2021. Vốn hóa thị trường Hải Phát Invest "bốc hơi" 9.600 tỷ đồng.
Sau khi cổ phiếu HPX giảm quá sâu, ông Đỗ Quý Hải và người liên quan liên tục bị bán giải chấp, từ đó vốn công ty thuộc gia đình ông Hải đã giảm 19%.
Cụ thể, trong phiên 2/12, sau lần giải chấp mới nhất, ông Đỗ Quý Hải còn nắm 23,97% vốn điều lệ công ty, tỷ lệ này trong tài khoản của vợ ông Hải - bà Chu Thị Lương cũng chỉ còn là 2,26%.
Đáng chú ý, trong phiên 2/12, ông Đỗ Quý Thành – em trai ông Hải và cũng là Phó Tổng giám đốc của Hải Phát Invest đã mua 1,16 triệu cổ phiếu. Ngay lập tức, công ty chứng khoán giải chấp hết 2,3 triệu cổ phiếu mà ông Thành đang nắm giữ, giảm số lượng về 0 cổ phiếu.
Tạm tính theo mức giá đóng cửa tại các phiên giao dịch, số cổ phiếu bị giải chấp của nhóm gia đình Chủ tịch Hải có giá trị khoảng hơn 500 tỷ đồng.
Dòng tiền âm, vay nóng lãi suất cao, vay để trả lương
Trong quý III/2022, Hải Phát Invest ghi nhận cả doanh thu và lợi nhuận đều tăng mạnh. Theo đó, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng 466 tỷ đồng, tương đương 179% so với cùng kỳ lên 726 tỷ đồng. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế đạt 92,9 tỷ đồng, tăng 57 tỷ đồng, tương đương 159%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu tăng nhẹ từ 1.004 tỷ đồng lên 1.308 tỷ đồng nhưng lợi nhuận lại giảm từ 191 tỷ đồng xuống 123 tỷ đồng.
Dù lợi nhuận vẫn phát sinh đều nhưng Hải Phát Invest lại tiếp tục chứng kiến chuỗi ngày âm dòng tiền. Tại ngày 30/9/2022, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty âm 146 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số âm 2.612 tỷ đồng hồi đầu năm; lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 470 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ, âm 233 tỷ đồng.
Trong kỳ, hoạt động của Hải Phát Invest được tài trợ nhiều bởi dòng vốn vay. Trong khi vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn giảm từ 2.345 tỷ đồng xuống 1.519 tỷ đồng thì vay và nợ thuê tài chính dài hạn tăng từ 2.347 tỷ đồng lên 3.236 tỷ đồng.
Đáng chú ý là những khoản vay doanh nghiệp và các cá nhân trị giá 181 tỷ đồng. Trong đó vay Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam – Vinaconex 140 tỷ đồng, phần còn lại là vay các cá nhân.
Cụ thể, Hải Phát Invest phát sinh Hợp đồng vay vốn 140 tỷ đồng ngày 6/7/2022 với Vinaconex có thời hạn 1 tháng, lãi suất 15%/năm, mục đích phục vụ sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, có lẽ khi đến hạn Hải Phát Invest chưa thanh toán nên 2 bên ký Phụ lục số 2 ngày 6/8/2022 với lãi suất 16%/năm, gia hạn thời hạn vay đến 15/12/2022.
Ngoài ra, công ty có Hợp đồng vay vốn với các cá nhân có thời hạn 6 tháng, gia hạn tối đa 6 tháng. Lãi suất cố định 15% trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng.
Vay để phục vụ sản xuất kinh doanh là việc bình thường. Nhưng vay để trả lương thưởng lại là vấn đề khác, bởi nó cho thấy việc kinh doanh của công ty đang gặp phải khó khăn vô cùng lớn.
Cụ thể, ngày 8/3/2022, Hải Phát Invest vay Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) – Chi nhánh Đô Thành. Hạn mức cấp tín dụng là 20 tỷ đồng. Lãi suất cho vay tại thời điểm giải ngân là 6,5%/năm. Mục đích thanh toán lương thưởng.
Cần phải nhấn mạnh là thời hạn vay không quá 6 tháng. Điều đó có nghĩa công ty sẽ phải thanh toán trong đầu tháng 9. Tuy nhiên, cho đến ngày 30/9, khoản nợ này vẫn được ghi nhận.
PVCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.